(TNO) Chính quyền Malaysia ngày 29.1 tổ chức một cuộc họp báo, tuyên bố vụ máy bay của hãng Malaysia Airlines (chuyến bay MH370) mất tích là một tai nạn, tất cả 239 người trên máy bay được xem như đã chết.
Một thân nhân hành khách trên chuyến bay MH370 bật khóc trước khi nói chuyện với đại diện của hãng Malaysia Airlines trong một buổi họp báo ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 21.4.2014 - Ảnh: Reuters
|
Chiếc Boeing 777-200ER (chuyến bay MH370) chở theo 239 người đã mất tích sau khi cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur (Malaysia) để đến Bắc Kinh vào hôm 8.3, theo AFP.
Chính quyền Malaysia từng tuyên bố MH370 rơi xuống vùng biển nam Ấn Độ Dương, nhưng mãi đến nay lực lượng tìm kiếm quốc tế vẫn chưa thể tìm thấy bất kỳ dấu vết máy bay này.
“Chúng tôi chính thức tuyên bố MH370 là một vụ tai nạn… và tất cả 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên máy bay được xem như đã chết”, Reuters dẫn lời Tổng cục trưởng Cục Hàng không Dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman ngày 29.1 cho biết trong cuộc họp báo.
“Tuyên bố này không có nghĩa là chấm dứt tìm kiếm”, ông Azharuddin nói. Indonesia sẽ tiếp tục tìm kiếm MH370 với sự hỗ trợ từ Trung Quốc và Úc, và sau tuyên bố này gia đình các hành khách được hỗ trợ bồi thường, ông Azharuddin cho biết thêm.
Hãng hàng không Malaysia Airlines đã sẵn sàng tiến hành ngay lập tức thủ tục bồi thường cho gia đình hành khách, ông Azharuddin nói.
Các điều tra viên quốc tế đang tập trung điều tra nguyên nhân vì sao chiếc Boeing 777-200ER chuyển hướng bay đi một khoảng cách rất xa so với lộ trình bay định sẵn rồi rơi xuống vùng biển nam Ấn Độ Dương. Còn Malaysia thì tiến hành điều tra hình sự, theo Reuters.
“Cả hai cuộc điều tra đều bị giới hạn vì thiếu chứng cụ thể vào thời điểm này, nhất là hộp đen máy bay”, nên vẫn chưa thể kết luận nguyên nhân vụ tai nạn, ông Azharuddin cho biết.
Cục Hàng không Dân dụng Malaysia lên kế hoạch công bố bản báo cáo tạm thời về công tác điều tra vụ tai nạn MH370 vào ngày 7.3 tới, ngay trước thềm lễ tưởng niệm một năm ngày MH370 mất tích (8.3).
|
Chính quyền Malaysia trước đó tổ chức một buổi họp báo bất thường về máy bay của hãng Malaysia Airlines (chuyến bay MH370) vào lúc 15 giờ 30 (tức 14 giờ 30 VN) ngày 29.1, nhưng đột ngột hủy và dời lại đến 18 giờ (tức 17 giờ theo giờ VN) vì có sự xuất hiện của thân nhân hành khách.
Trước đó, thân nhân hành khách Trung Quốc trên MH370 ngày 28.1 đã tụ tập ở thủ đô Bắc Kinh để phản đối cuộc họp báo này vì họ sợ chính phủ nước này thông báo không thể tìm ra máy bay.
Khoảng 30 người thân, một vài người trong số này gào khóc, cho biết họ cảm thấy bức xúc vì có tin đồn chính phủ Malaysia sẽ công bố báo cáo vào ngày 29.1 xác nhận chiếc máy bay “có thể không bao giờ được tìm ra”, tờ USA Today (Mỹ) cho hay.
“Chuyện này phi nhân tính và việc người Malaysia thông báo điều này mà không có bằng chứng chứng mình là đi ngược với các hiệp ước pháp lý quốc tế”, ông Li Yuehua, người cha 57 tuổi của cô Li Wenbo, hành khách 29 tuổi, chỉ trích.
Cục Hàng không Dân dụng Malaysia (DCA) xác nhận họ sẽ đưa ra một thông báo vào lúc 15 giờ 30 vào ngày 29.1 (giờ địa phương, tức khoảng 16 giờ 30 giờ Việt Nam) để “cung cấp thông tin cập nhật về sự cố máy bay MH370”. Tuy nhiên, DCA không nói rõ thông tin cập nhật sẽ là gì.
Chiếc Boeing 777-200ER (chuyến bay MH370) chở theo 239 người đã mất tích sau khi cất cánh từ sân bay Kuala Lumpur để đi Bắc Kinh vào hôm 8.3, theo AFP.
Chính quyền Malaysia từng tuyên bố MH370 rơi xuống vùng biển nam Ấn Độ Dương và không ai trên máy bay sống sót, nhưng mãi đến nay lực lượng tìm kiếm quốc tế vẫn chưa thể tìm thấy máy bay này.
Chuyến bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines đã biến mất khỏi màn hình radar vào hôm 8.3 khi đang trên đường bay từ Kuala Lumpur sang Bắc Kinh. Sau đây là những cột mốc chính trong sự kiện được xem là bí ẩn nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới:
- 8.3.2014: Tín hiệu liên lạc với chiếc Boeing 777 chở theo 239 người đã bị thất lạc sau khi máy bay cất cánh được 1 tiếng đồng hồ và biến mất khỏi màn hình radar khi đang bay qua không phận Việt Nam.
- 9.3: Bộ giao thông Trung Quốc gửi một toán cứu hộ từ đảo Hải Nam, cực nam Trung Quốc, ra một khu vực ở biển Đông, nơi tình nghi là địa điểm máy bay MH370 rơi xuống.
Chính phủ Malaysia trong ngày cũng đưa ra thông báo có thể chiếc máy bay đã quay đầu khi mất tích khỏi màn hình radar. Nước này cũng cho điều tra thông tin có 2 hành khách dùng hộ chiếu ăn cắp để lên máy bay.
- 10.3: Một trong 2 nghi phạm dùng hộ chiếu ăn cắp được xác định là một thanh niên Iran và người này được kết luận là không có liên hệ gì đến khủng bố.
Một cuộc tìm kiếm chiếc máy bay đã được triển khai trong ngày tại vùng biển Andaman, cũng như tại Vịnh Thái Lan. Mỹ, Úc và New Zealand tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ công tác tìm kiếm.
- 11.3: Tổ chức Cảnh sát Quốc tế Interpol bác bỏ nghi vấn vụ máy bay mất tích có liên quan đến khủng bố.
- 12.3: Khu vực tìm kiếm được mở rộng sang Eo biển Malacca, bờ tây Malaysia, sau khi có thông tin phát hiện mảnh vỡ máy bay. Tuy nhiên, thông tin này sau đó đã bị bác bỏ.
- 13.3: Ấn Độ tham gia công tác tìm kiếm chiếc máy bay mất tích của Malaysia, điều động hải quân, không quân và tuần duyên.
- 14.3: Nhà trắng thông báo cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia Airlines mất tích được mở rộng sang Ấn Độ Dương. Cũng trong ngày này, Trung Quốc phát hiện một “hiện tượng địa chấn dưới lòng biển” trong vùng nước nằm giữa Malaysia và Việt Nam. Tổng cộng 57 chiếc tàu và 48 máy bay của 13 quốc gia tham gia tìm kiếm chiếc MH370.
- 15.3: Các nhà điều tra đưa ra kết luận rằng chuyến bay MH370 đã bị không tặc. Nhiều bản tin cho biết hệ thống liên lạc trên máy bay đã bị ai đó cố tình tắt đi và có thể kẻ khống chế máy bay đã cho MH370 quay đầu.Cùng ngày, hãng cung cấp dịch vụ vệ tinh viễn thông Inmarsat (Anh) thông báo nhận được tín hiệu truyền tự động từ MH370 ít nhất 5 tiếng đồng hồ sau khi chiếc máy bay mất tích. Việt Nam kết thúc hoạt động tìm kiếm máy bay ở biển Đông vì không tìm thấy thứ gì. Cảnh sát Malaysia trong ngày 15.3 cũng đã tiến hành khám xét nhà riêng của Cơ trưởng Zaharie Ahmed Shah và Cơ phó Fariq Abdul Hamid. Họ phát hiện một bộ giả lập buồng lái máy bay ở nhà ông Zaharie.
- 16.3: Truyền thông Malaysia đưa tin cho biết cơ trưởng và cơ phó không yêu cầu được lái chung với nhau. Chính phủ Malaysia chính thức kêu gọi 25 nước hỗ trợ tìm kiếm, gồm Kazakhstan, Turkmenistan, Uzbekistan, Pakistan, Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan and Úc.
- 17.3: Hoạt động tìm kiếm chuyển hướng tập trung sang Ấn Độ Dương, với sự trợ giúp của Úc.
- 18.3: Đội tìm kiếm thu hẹp khu vực tìm kiếm thành 2 hành lang bay, gồm hành lang phía bắc trải dài từ phía nam Á đến trung Á và hành lang phía nam bao trùm một khu vực ở miền nam Ấn Độ Dương.
- 19.3: Người dân đảo quốc Maldives trình báo thấy “một chiếc máy bay bay thấp”, rồi sau đó là một tiếng nổ lớn ngay buổi sáng hôm máy bay mất tích.
- 20.3: Thủ tướng Úc Tony Abbott thông báo phát hiện 2 vật thể lớn, nhiều khả năng là mảnh vỡ máy bay MH370. Bốn chiếc máy bay đã được điều đến một khu vực rộng nằm cách cảng Perth của Úc khoảng 2.500 km.
- 21.3: Anh điều động một chiến hạm đến giúp cuộc tìm kiếm máy bay mất tích.
- 22.3: Phó Thủ tướng Úc Warren Truss tuyên bố các vật thể khả nghi được vệ tinh phát hiện ở miền nam Ấn Độ Dương vẫn là “đầu mối tốt nhất” trong cuộc tìm kiếm MH370. Vệ tinh Trung Quốc cũng chụp được hình ảnh một vật thể dài 22 m, rộng 13 m ở miền nam Ấn Độ Dương.
- 23.3: Hoạt động tìm kiếm vẫn được tiếp tục những không tìm thấy gì.
- 24.3: Thủ tướng Malaysia Najib Razak tổ chức họp báo tuyên bố các dữ liệu thu thập được cho thấy chuyến bay “đã rơi ở miền nam Ấn Độ Dương”. Malaysia Airlines thông báo đến thân nhân rằng không có khả năng còn người sống sót.
Hoàng Uy (tổng hợp)
|
Bình luận (0)