Nông dân bất đắc dĩ
Sáu Đức không phải là nông dân "gộc". Từ nhỏ, ông đã tỏ ra thích thú với nghề thương hồ. Bởi vậy, sau khi cưới vợ, ông liền sắm ghe, qua Biển Hồ (Campuchia) mua cá về mần mắm bán cho thương lái. Những năm cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông là một ông chủ vựa mắm có hạng ở vùng Khánh An (An Phú, An Giang), từng có đến ba chiếc ghe chuyên đi Biển Hồ chở cá về làm mắm. Khi nguồn cá tự nhiên ở đất bạn không còn dồi dào như trước, chịu hết xiết, Sáu Đức quyết định bán ghe, lên bờ tìm kế khác sinh nhai. Gặp đúng lúc dân An Giang thi nhau đóng bè nuôi cá ba sa, ông bị cuốn luôn vào đó. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm được ông mang ra đóng bè, mua giống, mua thức ăn cho cá, quyết "hốt một mẻ lớn" ! Nào ngờ, khi cá lớn "nứt bè" cũng là lúc dội hàng, các doanh nghiệp chế biến thủy sản không còn mặn mà mua vào. Giá cá chỉ còn hơn 4.000 đồng/kg, chưa bằng nửa giá thành. Một lần nữa ông phải bán đổ bán tháo, vớt vát chút vốn "làm lại cuộc đời"!
Trong lúc chưa biết làm gì thì có người bà con rủ vô Lương An Trà (An Giang) xin đất mần ruộng. Thế là đi, dù trong lòng ông chẳng mặn mòi gì với ruộng rẫy. Ông kể: "Hồi đó, đường vô Lương An Trà chỉ toàn đá gộc, đầy ổ voi, ổ gà. Hai bên đường cây dại mọc um tùm, xa xa mới gặp một ngôi nhà lá nhỏ. Ông cán bộ ấp (đại diện duy nhất của chính quyền tại đây) nói rằng đất nhà nước cấp không còn nữa, nhưng nếu tôi có tiền, ông có thể chỉ cho mua đất do dân kinh tế mới bán lại với giá chỉ 3 - 4 triệu đồng/ha, muốn mua bao nhiêu cũng có". Nghe vậy Sáu Đức tức tốc quay về, bảo vợ gom hết số vốn liếng còn lại ra... đếm ! Ông tính: với số tiền hiện có, vợ chồng ông có thể mở cửa hàng bán vật tư nông nghiệp, mua chiếc máy cày và vài chục mẫu đất làm ruộng. "Lúc đầu bả cũng cự dữ lắm. Nhưng khi nghe tôi nói người ngày một đông lên, mai mốt đất quý như vàng, bả mới xuôi theo. Vậy là tôi trở thành nông dân từ năm 1997" - Sáu Đức nói.
Chiếc máy cày của Sáu Đức - Ảnh: Trường Phong
Ham đất và ham máy
Sáu Đức "nhập vai" nông dân khá nhanh, dù chẳng được "đào tạo" ngày nào. Ông mướn người dọn dẹp cỏ cây, đào bới gốc rễ để có thể làm được lúa ngay vụ đầu tiên đến đây. "Chất" nông dân hình thành rõ nhất trong ông là lòng... mê đất ! Có miếng đất rộng rồi, lại muốn nó rộng thêm, rộng nữa. Bởi vậy, ở xứ này hễ ai kêu bán đất là ông mua. Nhờ thế, Sáu Đức dần dà được công nhận quyền sử dụng đến hơn 700 công đất (70 ha). Ông nói: "Hồi đó đất rẻ mới mua được nhiều như vậy, chớ như bây giờ giá mỗi mẫu tăng lên đến 150 triệu, có muốn mua nhiều cũng không đủ tiền".
Sáu Đức còn một đam mê khác là mê máy. Hễ tích lũy đủ tiền là ông lại mua máy mới về. Mở đầu là "lên đời" cái máy cày, sắm cái máy suốt lúa. Tích lũy vài năm lại sắm thêm máy cày, mua máy gặt đập để đỡ mướn cắt, mướn gom lúa. Năm sau xây lò sấy, nhà kho rồi lại lò dò đi mua cái máy cấy về để sản xuất lúa giống bán cho nông dân trong vùng. Sáu Đức tự hào: "Cái máy cấy do Hàn Quốc sản xuất này cấy đều tăm tắp, do đó rất dễ loại bỏ lúa lẫn trong quy trình sản xuất giống. Có điều, không thể sử dụng cấy đại trà được do không đủ chỗ và đủ công làm mạ. Mạ dùng để cấy máy phải gieo trong khay, hoặc chí ít cũng phải gieo trên một mặt đất bằng phẳng, sau đó rọc ra từng mảnh vừa vặn cái khay để nạp vào máy. Ngày tui đưa máy cấy ra đồng, người dân quanh vùng kéo đến xem đông nghẹt, giống như đi xem hát vậy nghen".
Thế rồi, người dân trong vùng càng ngạc nhiên hơn khi năm rồi, Sáu Đức lại thuê về cái máy san mặt ruộng sử dụng bằng công nghệ chiếu tia la-de ra "trình làng". Cũng chỉ là chiếc máy cày thông thường, nhưng khi gắn "máy la-de" này vào thì mặt ruộng được san phẳng lì, không cần phải ủi, xúc gì cả. Sáu Đức nói: "Ông bà đã dạy nhất nước, nhì phân. Trong việc trồng lúa quan trọng nhất là nước. Vậy mà đất ở đây chỗ gò, chỗ trũng rất khó canh nước. Nếu bơm vừa miếng ruộng trũng thì miếng ruộng gò còn khô queo, mà bơm ngập ruộng gò thì lúa ruộng trũng đã... chết hụt! Nhiều lần, tôi cùng nhân công cố san cho một mảnh ruộng được bằng phẳng, nhưng khi cho nước vào lại phát hiện còn chỗ cao, chỗ thấp. Làm tới làm lui ba bốn bận, tình thế cũng chẳng khá gì hơn. Lúc ấy tôi ao ước sao có một cái máy san mặt ruộng cho bằng phẳng để đỡ hao nước. Thế rồi cách đây chừng một năm, có đoàn cán bộ tìm đến nhà, giao cho tôi... cái máy san đất! Thấy ba bốn cục màu vàng vàng, tôi bán tín bán nghi. Chừng nghe qua tính năng, phương thức vận hành của máy, tôi mừng không kể xiết. Bởi vậy, khi họ đưa xem bản hợp đồng bàn giao máy, tôi ký cái rẹt, sợ họ đổi ý".
Cái máy mà Sáu Đức kể là máy ứng dụng công nghệ chiếu tia la-de để xác định độ gồ ghề của mặt đất rồi tự động truyền dẫn lệnh cho máy san phẳng đất, do Viện Lúa quốc tế IRRI cho mượn. Nó là hệ thống điều khiển, còn việc san đất phải dùng máy cày, gắn thêm một cái giàn trang đất chuyên dùng. Khi gắn các thiết bị này vào máy cày, nó sẽ tự động điều khiển giàn trang đất: chỗ nào trũng thì nhả đất cho cao lên, chỗ nào cao thì xúc đất mang đi bớt. Tất cả hoàn toàn tự động, thợ chỉ việc lo lái máy cho giáp mảnh ruộng là được. Điều mà Sáu Đức còn ấm ức là hiện nay không biết nơi nào bán "máy la-de" như thế này để ông mua đứt luôn, chớ mượn của người ta hoài cũng phiền! Thêm nữa là máy vừa sạ hàng vừa bón phân. "Có cái máy sạ hàng này, lượng phân sẽ giảm đáng kể vì nó bón lót ngay gốc lúa, không phung phí".
Nông dân Sáu Đức bên cánh đồng xanh tốt
Giấc mơ đại điền
- Ảnh: Trường Phong
Mỗi năm làm 700 công ruộng, thu hoạch hơn 42 ngàn giạ lúa, nhưng Sáu Đức chưa hề biết cầm cây cuốc, cái liềm; chưa từng bước xuống ruộng xịt thuốc, bón phân, cắt lúa. Mọi thứ đã có máy móc làm thay. Sáng sớm ông ra ruộng chỉ bảo công việc cho nhân công rồi... "lặn" mất! Ông bảo: "Làm ruộng cũng giống như kinh doanh vậy. Điều quan trọng không phải ở chỗ mỗi năm anh làm được bao nhiêu giạ lúa mà ở chỗ anh lời được bao nhiêu tiền sau mỗi vụ gieo trồng? Mà muốn đạt được điều đó, không có cách nào khác là phải tìm cách giảm thiểu tối đa giá thành sản xuất".
Theo ông, trong sản xuất lúa, có nhiều thứ chi phí có thể giảm được. Chẳng hạn: thay vì sạ theo cách thông thường, người ta sạ bằng máy sạ hàng hoặc dùng máy cấy - việc đó sẽ giúp giảm một nửa lượng giống, giảm gần như toàn bộ nhân công. Sạ hàng hoặc cấy bằng máy còn giúp cho lúa ít đổ ngã, không bị hao hụt khi thu hoạch mà năng suất lại tăng hơn sạ thường từ 10-15%. Khâu bơm nước cũng vậy. Sau khi dùng máy san đất bằng tia la-de để san phẳng mặt ruộng, sẽ tiết kiệm được một nửa tiền dầu dùng cho máy bơm nước; lượng phân bón, thuốc trừ sâu cũng giảm đáng kể. Hay như nếu thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, tỷ lệ hao hụt sẽ giảm nhiều lần so với cắt tay, gom lại rồi suốt. Đó là chưa kể đến chuyện thiếu hụt nhân công khi thu hoạch. Thiếu người, thu hoạch trễ, lúa chín rục sẽ rơi rụng nhiều hơn khi thu hoạch đúng lúc...
Là người tiên phong trong việc "cơ giới hóa" sản xuất lúa ở Lương An Trà và cả trong khu vực ĐBSCL, hơn ai hết, Sáu Đức cảm thấy "chiếc áo hạn điền" giờ đã quá chật chội, khiến cho những người có máu "làm ăn lớn" như ông cảm thấy bị bó buộc. Với máy móc hiện có, ông có thể làm đến 1.000 công, thậm chí hơn thế nữa.
Cũng ở Lương An Trà, có người sử dụng đến 1.400 công ruộng, đầu tư thành trang trại với kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, ô tô có thể chạy thẳng ra đồng. Tuy vậy, nhiều người vẫn còn e dè chưa dám đầu tư lớn vì sợ "hạn điền", lỡ mai này có gì thay đổi, thì tiền tỉ đầu tư kể như... phủi tay. Sáu Đức nói: "Tôi mong Nhà nước sớm ban hành chính sách khuyến khích người nông dân sản xuất lớn. Bởi có sản xuất lớn thì hàng nông sản Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với hàng hóa các nước trong thời kỳ hội nhập".
Chưa biết điều kiến nghị của Sáu Đức bao giờ mới được xem xét thực hiện. Nhưng với những gì đang có, tôi nghĩ, ông và một vài nông dân ở Lương An Trà đã đi trước một bước. Bước đi đó tạo ra một niềm tin rằng, làm ruộng bây giờ cũng có thể sướng, có thể giàu được !
Trường Phong
Bình luận (0)