Màng bọc thực phẩm nhiễm độc?

02/08/2013 10:50 GMT+7

Bộ Y tế đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trực thuộc khẩn trương kiểm nghiệm sản phẩm màng bọc bảo quản thực phẩm PVC tại TP.HCM và Hà Nội. Trước mắt, việc kiểm tra tập trung vào các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Bộ Y tế đã chỉ đạo các lực lượng chức năng trực thuộc khẩn trương kiểm nghiệm sản phẩm màng bọc bảo quản thực phẩm PVC tại TP.HCM và Hà Nội. Trước mắt, việc kiểm tra tập trung vào các sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Tờ Shanghai Daily trích đăng thông tin từ Đài truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV) cho hay có tới 15 trong 16 mẫu màng bọc bảo quản thực phẩm được xét nghiệm chứa chất dẻo cấm DEHA (diethylhydroxylamine). Những mẫu này được lấy từ các nông sản mua tại một số siêu thị ở Thượng Hải, Bắc Kinh và Quảng Châu.

 

Chất DEHA gây nguy hại vì nó gây rối loạn nội tiết tố. Với nam giới, chất này ức chế sinh sản (vô sinh) nhưng với nữ giới lại gây dậy thì sớm. Nhưng rất khó phân biệt bằng mắt thường để xác định sản phẩm bao gói thực phẩm ni lông nào an toàn và không an toàn vì chúng đều rất mỏng, trong, mềm dẻo

Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế)

Cũng theo CCTV, Công ty hóa chất Tongxiang ở tỉnh Chiết Giang, chuyên cung cấp nguyên liệu cho nhiều công ty sản xuất đồ nhựa ở Trung Quốc như Wuxi Xindi Plastic Products Co và Shanghai Junshi Plastic Products Co., khẳng định nguyên liệu của họ chỉ chứa DOA (dioctyl adipate) là chất được phép dùng theo quy định của Trung Quốc. Tuy nhiên, những mẫu sản phẩm của Tongxiang được xét nghiệm lại chứa DEHA. Một nhân viên quản lý kinh doanh thừa nhận công ty đã dùng DEHA sản xuất màng bọc bảo quản thực phẩm vì giá thành thấp. Giá nguyên liệu sản xuất màng chứa DEHA là 8.000 nhân dân tệ (hơn 27 triệu đồng)/tấn trong khi giá tương ứng nếu dùng DOA là 12.000 nhân dân tệ.

“Trông sạch sẽ...”

Ghi nhận của PV Thanh Niên tại TP.HCM và Hà Nội cho thấy, có rất nhiều loại màng bọc thực phẩm được bày bán tại các siêu thị, tiệm tạp hóa. Tại các siêu thị, các loại màng bọc với thành phần là nhựa PVC, PE hay màng nhôm và xuất xứ cũng đa dạng, từ Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam...

Siêu thị Big C Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) bán màng bọc thức ăn của Big C do Công ty TNHH dịch vụ EB sản xuất với thành phần nhựa PVC, ngoài ra còn có màng bọc do Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tinh Uy sản xuất từ nhựa PVC. Ngoài ra, còn bán màng bọc hiệu Diamond xuất xứ từ Trung Quốc với thành phần nhựa PE; màng bọc Laspalms mission xuất xứ từ Nhật Bản với thành phần nhựa PVC, màng bọc Ringo.

Tại siêu thị Maximart Cộng Hòa (Q.Tân Bình) cũng có nhiều loại màng bọc như: Laspalms mission, Ringo, Formosa Warp nhập khẩu từ Thái Lan. Ngoài ra, còn bán các loại màng nhôm như Good Foil có xuất xứ từ Mỹ.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc đối ngoại hệ thống siêu thị Big C, cho biết: “Big C có bán các loại màng bọc bảo quản thực phẩm của 7 thương hiệu, trong đó 5 thương hiệu sản xuất tại Việt Nam và Thái Lan, 2 thương hiệu còn lại là của Mỹ nhưng gia công tại Trung Quốc”.

Màng bọc thực phẩm nhiễm độc ?
Một sản phẩm màng bọc thực phẩm không rõ nguồn gốc bán tại chợ Vĩnh Hồ (Hà Nội) - Ảnh: Ngọc Thắng

Đại diện hệ thống siêu thị Co.op Mart cũng nói: “Co.op Mart có bán các loại màng bọc nhập nguyên liệu từ Thái Lan và đóng gói ở Việt Nam, và một thương hiệu của Mỹ nhưng sản xuất ở Trung Quốc”.

Các siêu thị cũng sử dụng màng bọc để bao gói rất nhiều loại thực phẩm bán cho khách hàng. Tại siêu thị Co.op Mart Cống Quỳnh (Q.1), các loại thực phẩm từ tươi sống đến thức ăn sẵn, nấu chín đều dùng màng bọc bảo quản. Chị Nga, một khách hàng mua sắm tại đây, nói: “Việc dùng màng bọc thực phẩm trông sạch sẽ, còn việc nó độc hại gì không thì người tiêu dùng không thể nhận biết được”.

Tại Hà Nội, một chủ cửa hàng ở chợ Vĩnh Hồ (Q.Đống Đa) giới thiệu với PV Thanh Niên loại màng bọc được sản xuất tại Thái Lan bán chạy vì được đóng gói khá gọn nhẹ, phù hợp với gia đình, giá chỉ 10.000 đồng/cuộn (loại nhỏ) và 150.000 đồng/cuộn (loại to). Tuy nhiên, ngoài 1 - 2 dòng chữ giống như chữ Thái Lan trên bao bì sản phẩm thì không có dấu hiệu nào để khẳng định sản phẩm được nhập khẩu hợp pháp từ Thái Lan. Tất cả hướng dẫn sử dụng đều bằng tiếng Anh.

Màng bọc thực phẩm nhiễm độc ?
Nhiều loại thực phẩm bán ở siêu thị được bao gói sẵn bằng màng bọc - Ảnh: Hoàng Việt

Nam vô sinh, nữ dậy thì sớm...

Về chất DEHA, ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Chất DEHA gây nguy hại vì nó gây rối loạn nội tiết tố. Với nam giới, chất này ức chế sinh sản (vô sinh) nhưng với nữ giới lại gây dậy thì sớm. Nhưng rất khó phân biệt bằng mắt thường để xác định sản phẩm bao gói thực phẩm ni lông nào an toàn và không an toàn vì chúng đều rất mỏng, trong, mềm dẻo”.

Trước đây khi xảy ra việc nhiều loại thực phẩm, đồ dùng có chứa chất DEHP (một chất có thể gây ung thư, ảnh hưởng sinh sản...), GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, Chủ tịch Hội Hóa học TP.HCM, đã cảnh báo DEHP có chứa trong màng bọc thức ăn. Nay, với phát hiện mới này thì màng bọc thức ăn có thể còn “gánh” thêm cả DEHA và DEHP.

Màng bọc thực phẩm nhiễm độc ?
Đa dạng sản phẩm màng bọc thực phẩm bán ở TP.HCM - Ảnh: Hà Minh

DEHP là chất mà theo GS-BS Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư VN, Bộ Y tế Mỹ đã cảnh báo “cần đề phòng” vì DEHP có thể gây ung thư, làm tổn hại lá gan và hệ sinh dục nam... Nghiên cứu trên chuột trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã ghi nhận tác hại nổi cộm của DEHP là khiến bộ phận sinh dục của chuột đực kém phát triển, tinh hoàn bị teo nhỏ lại, làm giảm tính đực, và làm cho tinh trùng không mạnh. Nếu mẹ mang bào thai là con trai mà bị nhiễm DEHP thì bé trai sinh ra sẽ có nguy cơ bị những tác hại nói trên.

Theo ông Lâm Quốc Hùng, cần tránh dùng bao gói bằng màng ni lông, màng bọc thức ăn ở nhiệt độ cao - vì sẽ làm cho chất phụ gia (dùng để làm dẻo bao bì) phóng thích và đi vào trong thức ăn gây độc hại.

Sản phẩm đã công bố chất lượng “cũng cần xem xét”

PGS-TS Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia, nói từ đầu tuần tới sẽ tiến hành lấy mẫu giám sát, kiểm nghiệm DEHA và những hóa chất thôi nhiễm độc hại khác đối với sản phẩm màng bọc bảo quản thực phẩm PVC tại Hà Nội. Ông Lâm Quốc Hùng cho biết thêm: “Ngay cả sản phẩm đã công bố chất lượng cũng cần xem xét sự tuân thủ của nhà sản xuất, còn sản phẩm trôi nổi không nguồn gốc thì hiển nhiên là không được phép sử dụng vì không được kiểm soát chất lượng, không có người chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm”.

Ngoài ra, PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, cần kiểm soát chất lượng sản xuất của loại vật liệu làm nên sản phẩm màng bọc thực phẩm để đảm bảo không bị cho các chất cấm, trong đó có chất làm tăng độ mềm dẻo (caidimi). Chất này rất độc hại cho cơ thể con người như gây ra các bệnh nan y, ung thư vì khi nấu lên ở nhiệt độ cao, các chất trong ni lông sẽ bị thổi ra và ngấm vào thực phẩm. Do vậy, nó hoàn toàn bị cấm sử dụng để chế tạo các đồ dùng liên quan đến thực phẩm.

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.