Mang bom lên máy bay khó cỡ nào? Kỳ 1: Nhân viên hàng không, đối tượng khả nghi

09/11/2015 06:05 GMT+7

(TNO) Thời nay, hành khách đem bom mà bay lên trời còn khó hơn con voi chui lọt lỗ kim. Nhưng nổ bom là điều hầu như chắn chắn đã làm rơi chiếc máy bay A321 của Nga vừa qua. Ai có thể mang bom lên máy bay? Nhân viên hàng không có nhiều “cơ may” hơn cả!

(TNO) Thời nay, hành khách đem bom mà bay lên trời còn khó hơn con voi chui lọt lỗ kim. Nhưng nổ bom là điều hầu như chắn chắn đã làm rơi chiếc máy bay A321 của Nga vừa qua. Ai có thể mang bom lên máy bay? Nhân viên hàng không có nhiều “cơ may” hơn cả!

Bom được xác định là 99,9% nguyên nhân làm rơi chiếc máy bay hành khách của Nga - Ảnh: AFPBom được xác định là 99,9% nguyên nhân làm rơi chiếc máy bay hành khách của Nga - Ảnh: AFP
99,9% là do bom
Dù chưa có kết luận chính thức từ giới chức các nước có liên quan, tờ Independent hôm 7.11 dẫn nguồn tin từ các nhà điều tra vụ rơi máy bay của hãng Kogalymavia (tên kinh doanh là Metrojet) cho biết các phân tích từ hộp đen cho thấy đó là một vụ nổ bom với tiếng nổ có thể nghe thấy rõ. Riêng hãng CNN dẫn lời một quan chức giấu tên của Mỹ có liên quan còn khẳng định: "99,9% đó là một quả bom". Trước đó, cả Thủ tướng Anh và Tổng thống Mỹ đều khẳng định đó là bom.
Khi nói tới chuyện kiểm tra an ninh trước khi lên máy bay, người ta thường chỉ hay nghĩ tới kiểm tra hành khách. Nhưng “cơ hội khủng bố” chia đều giữa 2 đối tượng hành khách và nhân viên hàng không (bao gồm cả phi hành đoàn và nhân viên mặt đất tại sân bay). Hãng BBC dẫn lời Norman Shanks, cựu giám đốc an ninh tại Cơ quan sân bay Anh, nhấn mạnh rằng quy trình kiểm tra an ninh với nhân viên hàng không mới chứa đựng nhiều lỗ hổng, mỗi nơi mỗi khác. Mà chẳng ai có thể đảm bảo rằng khủng bố không xâm nhập vào đội ngũ an ninh tại các sân bay.
Một trong những cách hạn chế rủi ro nhân viên hàng không mang bom lên máy bay là kiểm tra an ninh đối với những người này trong tất cả mọi lần họ vào khu vực an ninh, dù họ có trở ra, trở vào bao nhiêu lần. Điều này đã được áp dụng tại Anh từ thập niên 90 của thế kỷ trước và sau đó áp dụng trên toàn liên minh châu Âu vào năm 2004.
Kiểm tra an ninh ngày càng trở nên gắt gao hơn ở các sân bay - Ảnh: AFP
Bước ngoặt dẫn đến sự thay đổi này là vụ đánh bom trên bầu trời Lockerbie (Scotland) hồi năm 1988, khi 270 người thiệt mạng vì một quả bom phát nổ trên chuyến bay của hãng hàng không Pan Am (Mỹ) giữa lịch trình từ London đến New York.
"Ngay sau vụ đánh bom, khi còn chưa biết bằng cách nào bom lên được máy bay, chúng tôi đã tăng tốc tối đa để đối mặt với tình hình và thay đổi mọi luật lệ đối với nhân viên (hàng không)", ông Shanks nhớ lại.
Mỹ không xài "hàng" châu Âu
Nhưng quy trình kể trên không được áp dụng ở Mỹ và nhiều nước khác. Liên quan đến vụ đánh bom trên chiếc máy bay Metrojet của Nga vừa qua, Zack Gold, thành viên của Học viện nghiên cứu an ninh quốc gia Israel nhận xét rằng quy trình an ninh dành cho hành khách tại sân bay Sharm el-Sheik của Ai Cập, nơi chiếc máy bay bị nạn khởi hành, được kiểm soát rất chặt chẽ. "Nếu đó là một quả bom, hầu như chắc chắn nó được đưa lậu vào sân bay nhưng không phải do một hành khách. Đưa được một thứ như thế lọt qua hàng rào an ninh ở sân bay có cơ hội thấp hơn bất kỳ thứ gì khác", ông Gold nhận xét.
An ninh tại sân bay Sharm el Sheikh (Ai Cập) - nơi chiếc máy bay Nga cất cánh - đang bị cả thế giới "soi" - Ảnh: AFP
Hồi đầu năm nay, sau vụ lùm xùm về đường dây buôn lậu vũ khí tại sân bay Hartsfield-Jackson Atlanta (Mỹ) do nhân viên hàng không điều hành, Cục an toàn giao thông Mỹ mở cuộc điều tra, cân nhắc quy trình kiểm tra an ninh với nhân viên hàng không tương tự ở châu Âu. Nhưng cuối cùng, Mỹ quyết định không áp dụng nó, thay vào đó tăng cường kiểm tra an ninh ngẫu nhiên nhân viên tại sân bay, cùng lúc tăng cường kiểm tra lý lịch nhân viên hàng không trước khi tuyển dụng.
Tuy nhiên, cựu giám đốc Shanks cho rằng điều này chứa đựng nhiều rủi ro, bởi không ít kẻ khủng bố sở hữu một lý lịch "sạch".
Quay lại với biến cố hàng không nóng nhất hiện nay, cho dù cuối cùng, bom được xác định đã làm nổ tung chiếc máy bay Metrojet, tính ra các biện pháp an ninh được tăng cường những năm vừa qua đã phát huy tác dụng. Lần cuối cùng xảy ra một vụ đánh bom lớn kiểu như thế gây chết người hàng loạt là vào năm 2004, khi 2 chiếc máy bay phát nổ hầu như cùng lúc trên bầu trời miền nam nước Nga, làm tổng cộng 89 người thiệt mạng.
Xét ở một khía cạnh nào đó, những vụ khủng bố như 11.9, như Lockerbie đã góp phần làm cho thế giới này an toàn hơn.
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.