Mang chai nhựa đổi lấy gạo miễn phí tại TP.HCM

Tấn Đạt
Tấn Đạt
09/09/2020 21:52 GMT+7

Sáng 9.9, chúng tôi chạy ngang đường Phó Đức Chính, Q.1, TP.HCM thì thấy mọi người cầm nhiều bịch chứa chai nhựa để đổi lấy gạo.

Làm an sinh xã hội không nên có ranh giới

Được biết đây là chương trình đổi một kg rác thải nhựa lấy một kg gạo do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Q.1 và Quận đoàn 1, TP.HCM, tổ chức.

Đang cân ký cho mọi người, anh Hoàng Đức Bình, 32 tuổi, Bí thư Đoàn P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM, nói: “Chương trình hoạt động trên địa bàn phường, nhưng ai đến đổi cũng được. Làm an sinh xã hội không nên có ranh giới, như thế nó mất hay. Mình mong muốn không chỉ giúp họ vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19 này,  mà còn mong họ hiểu hơn về ý thức bảo vệ môi trường từ việc phân loại rác”.

Anh Đức Bình cho biết đây là chương trình kết hợp giữa an sinh xã hội và tuyên truyền ý thức người dân không xả rác thải nhựa ra đường và kênh rạch theo Chỉ thị 19 của Thành ủy.

“Hiện nay Quận đoàn 1 đã vận động mạnh thường quân được hơn 1.000 kg gạo. Mỗi phường sẽ được nhận từ 100 đến 200 kg và chương trình sẽ diễn ra trong vòng một tháng. Tùy vào tình hình mà mỗi địa bàn phường sẽ tự tổ chức. Riêng nơi mình phát gạo vào sáng thứ 4 hằng tuần và những chai nhựa nhận được sẽ đem đi “tập kết” tại Quận đoàn”, anh Bình cho biết.

Lý Lệ Hoa cho biết cảm thấy rất vui vì được giúp sức cho cộng đồng

Ảnh: Tấn Đạt

Đứng hỗ trợ với anh Bình là Lý Lệ Hoa, 23 tuổi, đoàn viên của P. Nguyễn Thái Bình, Q.1,TP.HCM, cho biết cảm thấy rất vui vì được giúp sức cho cộng đồng. Nhờ những hoạt động này mà bản thân ý thức bảo vệ môi trường của mọi người được nâng cao hơn.

"Chương trình này rất ý nghĩa"

Đổi lấy được 4 kg gạo trên tay, cô Hoàng Mỹ Dung, 65 tuổi, ngụ tại chung cư Nguyễn Thái Bình, TP.HCM, cho biết cảm thấy bất ngờ vì nhận được rất nhiều gạo chỉ bằng việc đổi lấy chai nhựa.

“Bình thường tôi cũng hay giữ lại mấy chai nước ngọt sau khi sử dụng, lâu lâu đi xung quanh sớm ai có xin về bán ve chai kiếm thêm tiền. Hôm nay, thật may mắn vì đổi được 4 kg gạo từ đóng ve chai này...", cô Dung vừa nói vừa cười.

Cô Mỹ Dung (đội nón kết đỏ) 

Ảnh: Tấn Đạt

Còn chú Nguyễn Văn Minh, 43 tuổi, ngụ tại đường Nguyễn Công Trứ, Q.1, TP.HCM, cho biết cảm thấy chương trình này rất ý nghĩa, ngoài giúp đỡ được bà con khó khăn trong mùa dịch Covid -19, mà còn giúp họ hiểu được tầm quan trọng của việc phân loại rác tại nguồn.

“Tôi tin từ những hành động nhỏ của mỗi người như không vứt chai nhựa nói riêng và rác thải nói chung ra ngoài môi trường là bảo vệ trái đất rồi...”, Chú Minh nói.

Mong mọi người bảo vệ môi trường

Để chung tay sống xanh, bảo vệ môi trường với mọi người, chị Đặng Hồng Lư, 26 tuổi, trú ngụ tại quận Gò Vấp, TP.HCM, đã đặt một chiếc kệ trong đó có rất nhiều cây xanh như lá cách, lá cẩm, sương sâm… tại nơi làm việc của mình, mà ai đến lấy về trồng cũng được.

Chị Lư nói: “Mình mong muốn mọi người tạo nên một bầu không khí tươi xanh cho thành phố bằng việc trồng cây xanh tại nhà. Mình tin rằng, việc đó sẽ khiến cho không gian hài hòa, đẹp mắt, tạo cảm giác dễ chịu hơn khi nhìn vào, cho dù ngôi nhà của bạn được thiết kế theo phong cách nào”.

Chị Hồng Lư (đeo mắt kính) mong muốn mọi người trồng cây xanh nhiều hơn để bảo vệ môi trường

Ảnh: Tấn Đạt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.