Ngồi một góc tại quán cà phê trên đường số 1A, Q.Tân Phú, TP.HCM, chị Phạm Thị Kim Hằng, 25 tuổi, đang tỉ mỉ dệt từng sợi ni lông trên chiếc khung cửi mini. Chỉ sau một thời gian ngắn, chị Hằng cũng đã tạo ra được “tấm vải” to. Kế đến chị dùng chiếc máy may bằng điện để tạo thành những chiếc túi xinh xắn từ những “tấm vải” đó.
Chị Hằng cho biết việc dệt sợi ni lông này đã được chị làm từ những ngày cách ly xã hội vì dịch Covid-19 hồi đợt 1.
Chị Kim Hằng chia sẻ: “Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người sử dụng dịch vụ giao hàng tận nơi, chính vì thế lượng ni lông thải ra ngoài môi trường lại càng nhiều hơn. Nhìn thấy hình ảnh đó, mình suy nghĩ tại sao không thử tận dụng chúng làm thành một vật đa tính năng, gần gũi với mọi người. Qua những sản phẩm mình làm ra, mong mọi người ý thức bảo vệ môi trường hơn...”.
Có thể nói, nhìn những chiếc túi xách với màu sắc đa dạng của chị Hằng làm ra nếu không sờ hoặc nhìn "cận cảnh" thì khó biết được nó làm từ ni lông. Chị Kim Hằng bày tỏ: “Một sản phẩm tái chế chỉ có ý nghĩa với cộng đồng khi chúng có vòng đời dài, bền chắc. Lúc đầu, mình nghĩ đến việc làm thành những bộ đồ búp bê nhưng thấy không có tính ứng dụng cao, nên mình mới tạo thành những túi xách, như thế mọi người sẽ dùng nhiều và lâu dài hơn".
|
Nói về quá trình thực hiện, chị Hằng bộc bạch: "Bước đầu mình lựa chọn và rửa sạch túi ni lông (không chọn những túi phân hủy được). Kế đến mình cắt nhỏ ra và nối chúng lại giống như cuộn chỉ. Sau đó mình đưa vào khung để dệt, khi dệt thành những “tấm vải” xong mình sẽ dùng máy may mini tạo hình cho chúng thành những chiếc túi, giỏ xách hoặc có thể làm áo khoác”.
Chị Hằng còn cho biết để tiết kiệm thời gian, cũng như muốn giúp đỡ các bạn trong cộng đồng khuyết tật, chị đã thực hiện chương trình thu ni lông đổi quà.
“Mọi người sẽ thực hiện khâu chọn ni lông, cắt tạo thành cuộn ở nhà, khi đem đến đây sẽ được đổi lấy quà. Một cuộn ni lông sẽ đổi được một ống hút tre, hai cuộn là một bút giấy. Và những chiếc túi này được may bởi những bạn trong cộng đồng người khuyết tật, để họ kiếm thêm thu nhập”, chị Hằng nói.
|
|
|
|
|
Bình luận (0)