Năm 2009, tôi nhận được giấy mời của Liên đoàn Văn học nghệ thuật đảo Jeju, mời một đoàn nghệ nhân dân tộc thiểu số Quảng Ngãi đến Jeju giao lưu và biểu diễn những nhạc cụ đặc sắc của các dân tộc miền tây Quảng Ngãi cho các văn nghệ sĩ và bạn bè đảo Jeju thưởng thức. Giấy mời yêu cầu tôi, lúc đó là Chủ tịch Hội văn nghệ Quảng Ngãi, phải đích thân dẫn đoàn nghệ nhân đặc biệt này tới thăm đảo Jeju.
Đấu chiêng |
NGUYỄN TẤN CƯ |
Tôi đã có băn khoăn vì dẫn một đoàn văn nghệ đặc biệt này, khi các nghệ nhân người dân tộc chưa một ai có dịp ra nước ngoài, thậm chí có người chưa từng xuống núi, chưa từng ngồi ô tô, không hề là chuyện dễ dàng. Nhưng rồi nghĩ lại, với nghệ thuật trình diễn nhạc cụ dân tộc đặc sắc của các dân tộc thiểu số Quảng Ngãi, đây là cơ hội “mang chiêng đi đánh xứ người” đầu tiên và không dễ gì có lại. Tôi đánh liều nhận lời, dẫu biết nhiệm vụ này hơi bị khó.
Nhưng rồi với sự hợp lực rất tháo vát của hai “trợ thủ” là họa sĩ Thanh Tùng và nhà giáo Nguyễn Tấn Huy, các công đoạn đưa đoàn di chuyển từ Quảng Ngãi ra Đà Nẵng, lại từ Đà Nẵng ngồi máy bay vào TP.HCM đã diễn ra tốt đẹp. Nhưng tới công đoạn đi máy bay từ TP.HCM sang Seoul, thủ đô Hàn Quốc thì không hoàn toàn dễ dàng như bay nội địa. Xuống sân bay Incheon, trong lúc chúng tôi đang lo lấy hành lý cho đoàn thì nhìn lại thấy thiếu một thành viên là nghệ nhân thổi kèn Amap Hồ Thị Dé.
Chị Dé, người dân tộc Kor, lần đầu xuống núi, lần đầu ngồi ô tô, lần đầu ngồi máy bay, và dĩ nhiên, lần đầu xuất ngoại. Hơi hoảng hốt, chúng tôi vội đi tìm chị Dé. Thì ra, chị Dé “được” an ninh sân bay Hàn Quốc mời vào phòng riêng. Chẳng biết có chuyện gì, nhưng chắc là chuyện phiền rồi, chúng tôi vội nhờ cô phiên dịch gọi cho anh bạn ở Liên đoàn Văn hóa nghệ thuật Jeju đi đón đoàn, báo cáo sự việc. Anh này lập tức gọi điện thoại vào phòng an ninh sân bay, và ngay lập tức “giải cứu” cho nữ nghệ nhân Hồ Thị Dé.
Khi chị Dé ra gặp chúng tôi, chị vẫn tỉnh bơ không một chút lo sợ. Hỏi chị sao họ mời vào phòng an ninh, chị nói không biết. Hỏi chị họ nói gì với chị, chị Dé lại nói không biết. Hỏi chị có sợ không, chị nói có biết gì đâu mà sợ. Người ta hỏi thì họ tự nghe, mình biết gì đâu mà trả lời. Sau hỏi cô phiên dịch, chúng tôi mới biết an ninh sân bay Incheon thấy chị Dé ăn mặc hơi xuề xòa, chân đi dép lê, nên họ nghi chị có thể là nạn nhân của bọn buôn người, bèn lập kế hoạch... “giải cứu” chị. Khi an ninh sân bay biết chị Dé là nghệ sĩ, nghệ nhân của Việt Nam sang biểu diễn ở Hàn Quốc, họ đã xin lỗi rối rít. Hú vía! Ngay lúc đó, Đài truyền hình quốc gia Hàn Quốc CBS đã phỏng vấn trực tiếp chúng tôi tại phòng chờ sân bay về chuyến đi đặc biệt này. Đúng là đặc biệt thật.
Máy bay tới đảo Jeju, nhìn thấy hòn đảo quá đẹp, chung quanh là biển, lại có núi, có rừng như ở Trà Bồng, chị Dé cùng chị Non (hai người thổi kèn Amap) hứng khởi quá đã… hát điệu xà-ru thân thuộc của người Kor, mà anh Hồ Văn Biên dịch cho chúng tôi nghe một đoạn:
“Ở đâu là nguồn của suối
Ở đâu là nguồn của lửa
Ta đi không hết bóng núi
Ta thương dài như con suối
Ta nhớ ông mặt trời
Bao giờ mặt trời về bếp của ta
Bếp ta ấm tiếng chiêng
Nước suối ta ngời sáng…”
Lời bài hát quá hay! Nghệ nhân người dân tộc chúng tôi là như vậy, hồn nhiên, lạc quan, nhẹ nhàng như suối chảy.
Đêm biểu diễn giao lưu của đoàn là một đêm mà chúng tôi không thể nào quên được. Hội trường cỡ trung bình, chứa khoảng 300 khán giả, chật cứng từ 7 giờ tối. Những khán giả này là thành phần “tinh hoa” của đảo Jeju, gồm trí thức, văn nghệ sĩ, những nhà nghiên cứu văn hóa, những giáo sư - tiến sĩ dạy ở trường đại học, những nhà dân tộc học, những “tiến sĩ ngành… cúng tế” - một đặc sắc của văn hóa tâm linh Hàn Quốc...
Nghệ nhân Ưu tú Phạm Văn Sự, xã Ba Vinh, huyện Ba Tơ |
NSNA NGUYỄN ĐĂNG LÂM |
Tối hôm đó, các nghệ nhân dân tộc Quảng Ngãi đã biểu diễn trong trạng thái xuất thần. Từ tiếng sáo Tà-vố của Nghệ nhân Ưu tú Đinh Ngọc Su người dân tộc Hre đến các điệu hát xà-ru, a-giới do các chị Hồ Thị Dé, Hồ Thị Non trình bày “ngọt như mía lùi” đã khiến cử tọa rất hưởng ứng. Nhưng phải đến tiết mục “đinh” của đoàn là trình diễn kèn Amap, do hai nghệ nhân Hồ Thị Dé và Hồ Thị Non dân tộc Kor biểu diễn, thì khán phòng như chết lặng. Kèn Amap do hai người thổi, mỗi người ngậm một đầu ống sậy, và tiếng kèn lúc thủ thỉ khi nghẹn ngào, rồi bỗng vút lên như những âm thanh từ cao thẳm. Nghệ nhân Hồ Thị Dé, người từng bị nhầm là nạn nhân của bọn buôn người, là người thổi kèn Amap tuyệt vời nhất. Tiết mục này được hoan nghênh nhiệt liệt. Có mấy bạn Hàn Quốc nói với tôi, qua phiên dịch của tiến sĩ Ku Su Jeong, là “nghe như âm nhạc của thiên đường”. Tôi nghe lời ca ngợi này mà muốn rơi nước mắt. Đó là văn hóa nhận xét về văn hóa, là nghệ thuật ca ngợi nghệ thuật, thật không có lời nào kỳ diệu hơn.
Tiết mục “đinh” cuối cùng khép lại buổi biểu diễn là múa chiêng, đánh chiêng của 3 nam nghệ nhân người Kor. Cả khán phòng như vỡ ra trong tiếng hò hét, như khi nghe một ban nhạc rock thượng hạng biểu diễn. Những điệu múa chiêng, nhạc chiêng người Kor cuốn hút đến mức khán giả cùng nhảy múa theo, và cuối cùng, cả ban tổ chức lẫn những người dẫn đoàn đều nhảy lên sân khấu múa theo tiếng nhạc chiêng kỳ lạ.
Đó là thời khắc hạnh phúc nhất của những người trong đoàn chúng tôi.
Hôm sau, trước khi về nước, cả đoàn nghệ thuật được bạn dẫn... đi chợ, mua sâm tươi, mua những món đồ kỷ niệm. Tôi nói với các nghệ nhân dân tộc, các anh chị nên mua mỗi người vài kg kẹo Hàn Quốc về làm quà cho trẻ con và bà con bản làng. Tôi xin biếu tiền, vì tôi biết tiền mua kẹo không đắt. Mua kẹo vừa rẻ vừa chia quà được cho tất cả mọi người trong bản.
Có một bài hát theo điệu ca-lu (hát tế thần) trong Lễ hội đâm trâu của người Kor, tôi đề nghị các anh chị nghệ nhân người Kor hát khi đoàn được bạn đưa lên thăm đỉnh núi Halla - một “ngọn núi thần” của Jeju, là một ngọn núi lửa cổ đã tắt, giống như ngọn Thới Lới của đảo Lý Sơn. Bài hát có đoạn thế này:
“Trâu này là trâu của đồng bào
Núi và nước đã nuôi trâu khôn lớn
Trâu ăn cỏ núi, cỏ núi sáng ánh mặt trời
Trâu uống nước suối, nước suối ngời ánh mặt trời
Ta nhớ mặt trời
Khắc sâu trong lòng, sâu hơn sẹo trên sừng trâu”
Đúng là chuyến đi đã khắc sâu vào ký ức chúng tôi “sâu hơn sẹo trên sừng trâu”.
Bình luận (0)