Bài điều tra công phu của Reuters đã hé lộ một mạng lưới phát thanh tuyên truyền “ẩn thân” rất kín kẽ của Trung Quốc bao phủ nhiều khu vực trên thế giới.
Sơ đồ các đài phát thanh do CRI kiểm soát sóng trên thế giới - Ảnh: Reuters - Đồ họa: Phúc Hải |
Hồi tháng 8.2015, giữa lúc cộng đồng quốc tế, giới chuyên gia và các cơ quan truyền thông tại nhiều nước đồng loạt lên tiếng phản đối việc Trung Quốc xây đắp phi pháp trên Biển Đông, thì đài WCRW (viết tắt của W China Radio Washington) ở Mỹ lại có quan điểm khác hẳn.
Theo Reuters, đài phát thanh có trụ sở nằm sát thủ đô Washington D.C này không nhắc gì đến kế hoạch xây đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Thay vào đó, WCRW dẫn lời một nhà phân tích tuyên bố căng thẳng trong khu vực “là do sự kích động của các thế lực bên ngoài”.
Sau nhiều tháng điều tra, Reuters đã phát hiện một sự thật mà WCRW chưa bao giờ thông báo với thính giả: chính phủ Trung Quốc kiểm soát hầu hết thời lượng của đài này, vốn có thể phát sóng tới tận trụ sở quốc hội Mỹ và Nhà Trắng.
Chưa hết, đây chỉ là một trong 33 đài phát thanh trải rộng trên 14 quốc gia chuyên phát những tin tức, chương trình tuyên truyền cho Trung Quốc. Về mặt giấy tờ, tất cả đều “ẩn nấp” sau một ma trận những công ty bình phong sở hữu chồng chéo để che giấu cơ quan chủ quản của mình: Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI).
Mờ ám và phạm pháp
Theo Reuters, WCRW đang được Công ty truyền thông G&E Studio Inc, có trụ sở ở bang California, thuê gần như toàn bộ thời lượng phát sóng với giá hơn 720.000 USD/năm. Đáng lưu ý là 60% cổ phần của G&E Studio Inc nằm trong tay Guoguang Century Media Consultancy, một công ty thuộc sở hữu 100% của CRI. Điều này đã được Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành G&E Studio Inc James Su, người Mỹ gốc Hoa, xác nhận với Reuters và ông cho biết thêm công ty của mình có hợp đồng khai thác thông tin với CRI.
Tuy không sở hữu cơ quan truyền thông nào ở Mỹ nhưng ngoài WCRW, James Su còn thuê hoặc nắm quyền sử dụng sóng của 14 đài phát thanh khác tại nước này thông qua hàng chục công ty trách nhiệm hữu hạn bình phong, theo Reuters. Cách thức “thâu tóm” của G&E Studio Inc là tiếp cận những đài nhỏ ở địa phương đang làm ăn khó khăn và đề nghị thuê sóng hoặc đổ tiền đầu tư nâng cấp cho chủ sở hữu đài để qua đó kiểm soát về nội dung. Đơn cử như WCRW ban đầu mang tên WAGE và chuyên phát tin tức địa phương của hạt Loudoun, bang Virginia.
Năm 2009, đài ngừng hoạt động vì làm ăn thua lỗ nhưng 2 năm sau, chủ sở hữu đài là Công ty Potomac Radio (Mỹ) “bỗng nhiên” có được nguồn đầu tư lớn để không những khôi phục hoạt động mà còn xây thêm 3 trạm phát sóng công suất cao, đủ sức vươn tới Washington D.C. Trong đề xuất với chính quyền, Potomac Radio tuyên bố: “Đây là hy vọng cuối cùng để cứu đài phát thanh duy nhất của Loudoun”. Tuy nhiên, sau khi được phê chuẩn, Potomac Radio đổi tên WAGE thành WCRW và bắt đầu phát nội dung tuyên truyền do G&E Studio Inc cung cấp. Khi đó, giới chức địa phương mới “ngã ngửa”. “Tất cả rất mờ ám. Họ chỉ trưng ra kế hoạch về một đài phát thanh địa phương và che giấu ý đồ thật sự”, Reuters dẫn lời quan chức hạt Kelly Burk phát biểu.
Về mặt luật pháp, Potomac Radio khẳng định không vi phạm quy định của Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) vì G&E Studio Inc chỉ thuê sóng chứ không sở hữu đài. Luật Mỹ không cho phép chính phủ nước ngoài hoặc đại diện của họ sở hữu giấy phép vận hành đài phát thanh/truyền hình. Cá nhân, công ty và chính phủ nước ngoài cũng bị cấm giữ 20% quyền sở hữu trực tiếp trong một đài và 25% trong công ty Mỹ sở hữu đài phát thanh/truyền hình, theo Reuters.
Tuy có thể “lách luật” về quyền sở hữu cơ quan truyền thông nhưng G&E Studio Inc đã vi phạm luật Đăng ký đại diện cho nước ngoài (FARA), theo nhiều chuyên gia và cựu quan chức. Luật này quy định mọi cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn gây ảnh hưởng đến chính sách hoặc dư luận Mỹ phải đăng ký với Bộ Tư pháp.
Mục đích của FARA là hạn chế sự ảnh hưởng của nước ngoài lên chính sách Mỹ và yêu cầu mọi cá nhân, tổ chức hoạt động trong những ngành như vận động hành lang phải đăng ký minh bạch về nguồn tài chính, cơ quan chủ quản... “Điều luật này áp dụng cho cả các cơ quan truyền thông. Anh không thể mượn danh báo chí để tuyên truyền những thông tin do chính phủ nước ngoài cung cấp, chỉ đạo hoặc bỏ tiền đầu tư để tạo ảnh hưởng đến dư luận và chính sách của Mỹ”, Reuters dẫn lời chuyên gia Ronald Meltzer thuộc Hiệp hội Luật sư Mỹ nói.
Vươn vòi ra nhiều châu lục
Ngoài các đài ở Mỹ, G&E Studio Inc còn kiểm soát sóng của một đài phát thanh tại Vancouver, Canada. Theo Reuters, nếu công ty này “thầu” Bắc Mỹ thì GBTimes, có trụ sở ở Phần Lan, chịu trách nhiệm châu Âu còn Global CAMG Media Group tại Úc phụ trách châu Á -Thái Bình Dương.
Cả hai đều do người gốc Hoa làm chủ, cũng có 60% cổ phần thuộc công ty con của Đài CRI. Giám đốc điều hành GBTimes Triệu Nhất Nông xác nhận với Reuters rằng công ty ông nhận hàng triệu USD mỗi năm từ CRI.
Từ Phần Lan đến Nepal, từ Philadelphia đến San Francisco, 3 công ty này cung cấp chương trình bằng tiếng Anh, Hoa, Thái Lan, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ... do CRI sản xuất. Nội dung được kiểm soát chặt chẽ nhằm mục đích tuyên truyền quảng bá cho hình ảnh Trung Quốc và thể hiện quan điểm của nước này về các vấn đề như tranh chấp chủ quyền. Mọi chỉ trích hoặc những gì bất lợi cho Bắc Kinh đều không bao giờ xuất hiện.
Trả lời Reuters, James Su khẳng định truyền thông nước ngoài “vẽ ra bức tranh sai lệch, khiến dư luận hiểu lầm, thậm chí ác cảm về Trung Quốc” và “chúng tôi chỉ đưa những thông tin chân thật, không bị kiểm duyệt”.
Thế nhưng khi đưa tin về cuộc hội đàm giữa đại diện hải quân Mỹ và Trung Quốc hồi cuối tháng 10, WCRW phớt lờ hoàn toàn việc Mỹ đưa tàu chiến áp sát đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại đây. Thay vào đó, đài này phát rằng cuộc gặp diễn ra “trong bối cảnh căng thẳng dâng cao do hành động của Mỹ”.
Mỹ mở cuộc điều tra
Theo Reuters, trong quá trình thực hiện bài điều tra, phóng viên của hãng đã liên hệ với đại diện Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) và Bộ Tư pháp Mỹ nhưng không được phản hồi.
Đến nay, sau khi bài viết được đăng tải, phát ngôn viên FCC Neil Grace cho biết cơ quan này sẽ mở điều tra Công ty G&E Studio Inc về vấn đề lách luật liên quan đến quyền sở hữu truyền thông cũng như nội dung phát sóng mang tính quảng bá chính trị mà không đăng ký.
Một quan chức Bộ Tư pháp thì nói “sẽ bảo đảm các tổ chức nước ngoài phải hoạt động theo đúng đạo luật FARA”. Cũng theo Reuters, G&E Studio Inc đã xóa các thông tin cho thấy sự liên hệ giữa công ty với CRI.
|
Bình luận (0)