Măng tây phủ xanh vùng khô cằn Ninh Thuận

01/07/2024 11:29 GMT+7

Vùng đất đồi cát trắng An Hải, H.Ninh Phước (Ninh Thuận) đang được phủ lên màu xanh biếc của cây măng tây xanh, không chỉ mở ra triển vọng mới cho người dân xã mà cả dải đất cát ven biển khác trải dọc miền Trung.

Trồng măng tây trên cát trắng

Làng ven biển An Hải đang đổi thay từng ngày, đời sống của người dân đang từng bước vươn lên nhờ cây măng tây xanh. Những ngôi nhà khang trang nằm giữa cánh đồng măng tây như một minh chứng cho một vùng đất khô cằn đã thay da đổi thịt chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Măng tây phủ xanh vùng khô cằn Ninh Thuận- Ảnh 1.

Không một cây trồng nào ở nông thôn mà ngày nào cũng có sản phẩm bán ra như măng tây xanh

ảnh: T.N

Là người dân địa phương, ông Hùng Ky (ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải) đã có hàng chục năm "chinh chiến" trên vùng đất cát trắng này, xoay xở với đủ các loại cây trồng, cuối cùng cũng tìm được cây trồng thích hợp, đó là măng tây xanh. Ông kể, trước đây gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, sinh sống bằng nghề chăn dê, cừu thuê, sống tạm qua ngày.

Măng tây phủ xanh vùng khô cằn Ninh Thuận- Ảnh 2.

Cây măng tây phủ xanh vùng đất cát ven biển

Măng tây phủ xanh vùng khô cằn Ninh Thuận- Ảnh 3.

Những ngôi nhà khang trang nằm giữa cánh đồng măng tây

Đầu năm 1998, do sản xuất không hiệu quả nên đất nông nghiệp ở đây rất rẻ, một héc ta có giá cao nhất chỉ khoảng 1 chỉ vàng, nhưng chả ai hỏi mua. Giờ đây, khi cây măng tây "bén duyên" ở vùng đất cát này thì giá đất có lúc lên đến 4 tỉ đồng/ha.

Năm 2011, được sự chuyển giao công nghệ của Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận, ông Ky là một trong những nông dân đầu tiên áp dụng mô hình tưới tiết kiệm trồng cây măng tây trên diện tích 4 sào (4.000 m2) đất cát trắng của gia đình. Sau 6 tháng chăm sóc, cây măng tây cho thu hoạch, đem lại lợi nhuận không ngờ, mỗi tháng thu hơn 15 triệu đồng.

Từ kết quả này, ông mạnh dạn đầu tư thêm 100 triệu đồng để lắp đặt đường ống tưới tiết kiệm phục vụ cho hơn 2 ha cây măng tây còn lại của gia đình ông, doanh thu mỗi năm hàng tỉ đồng, trừ hết các chi phí gia đình ông lãi từ 400 - 500 triệu đồng/năm/ha.

"Sản phẩm của cây măng tây là các mầm non có giá trị dinh dưỡng cao, được các đầu mối thu mua tại vườn với giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg", ông Ky nói.

Các nông hộ trồng măng tây cho biết, không một cây trồng nào ở nông thôn mà ngày nào cũng có sản phẩm bán ra như măng tây xanh. Mỗi sào cho thu hoạch 15 triệu đồng/tháng. Không lo đầu ra, giá cả ổn định, đó là những lợi thế không loại cây nào trên vùng cát này có được. Hiệu quả kinh tế đem lại từ cây măng tây không chỉ giúp gia đình ông Ky và nhiều hộ dân khác thoát nghèo vươn lên làm giàu, mà còn tạo động lực cho nhiều nông dân ở vùng đất cát ven biển An Hải mạnh dạn đầu tư, nhân rộng diện tích cây măng tây xanh dần thay thế nhiều loại cây trồng kém hiệu quả trước đây.

Mở rộng diện tích trồng "vua của các loại rau"

Măng tây ngày càng trở nên phổ biến và được yêu thích không chỉ vì vị ngon, giòn, thanh, mà còn vì chứa đựng trong nó vô vàn chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, măng tây xanh là loại rau xanh cao cấp, có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, gồm 83% nước và 17% chất khô. Trong đó có 2,2% đạm protein, 1,2% đường glucid, 0,6% chất xơ cellulose và các chất khoáng như kali, magiê, kẽm, canxi...

Ngoài giá trị dinh dưỡng, măng tây còn có dược tính hỗ trợ chống lão hóa, chống béo phì, ổn định huyết áp, thanh nhiệt tiêu độc... nên giới ẩm thực đặt cho loại thực phẩm này cái tên "rau hoàng đế" hay "vua của các loại rau".

Theo đánh giá của giới đông y, măng tây là dược liệu thiên nhiên quý hiếm. Thân rễ của măng tây có thể chế biến thành trà, uống hằng ngày tốt cho tim mạch, đường ruột, huyết áp, lợi tiểu, thanh nhiệt, tiêu độc… cho cơ thể con người. Vì thế, thời gian gần đây, nhiều người dân Ninh Thuận đã chuyển hướng sang trồng măng tây và hiệu quả thực sự rõ rệt. Thậm chí hiện đã có những "tỉ phú măng tây" trên mảnh đất vốn dư gió, thiếu nước này.

Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, cho biết toàn tỉnh hiện có hơn 300 ha cây măng tây được trồng tại các địa phương ven biển Ninh Thuận. Cây măng đã chứng minh hiệu quả kinh tế cao của nó và đang trên đà trở thành một "đặc sản" của địa phương.

Theo ông Cương, ngoài diện tích đã có, địa phương đang quy hoạch mở rộng diện tích cây măng tây lên 500 ha, tập trung ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc và TP.Phan Rang-Tháp Chàm. Hiện nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác cùng liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, với mức giá từ 45.000 - 60.000 đồng/kg.

"Trung bình một héc ta măng tây xanh trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, người nông dân sẽ có lãi khoảng từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Nếu chăm sóc tốt, lãi sẽ cao hơn nhiều so với mức trung bình này. Đây là hướng đi mới, hiệu quả cho ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận", ông Cương tự hào.

Trung bình một héc ta măng tây xanh trong thời kỳ thu hoạch, sau khi trừ các chi phí, người nông dân sẽ có lãi khoảng từ 300 - 500 triệu đồng/năm. Nếu chăm sóc tốt, lãi sẽ cao hơn nhiều so với mức trung bình này. Đây là hướng đi mới, hiệu quả cho ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận.

Ông Đặng Kim Cương (Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.