Sáng 11.2, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân đã đến thăm Trường ĐH Quốc gia Brunei (OBD).
Các sinh viên Brunei đã gõ dàn nhạc cụ truyền thống Brunei với giai điệu cổ truyền chào đón Thủ tướng và phu nhân. Trường có khoảng 4.000 sinh viên đang theo học với 10 ngoại ngữ lựa chọn, trong đó có tiếng Việt.
Nữ sinh Đại học Quốc gia Brunei nói chuyện tiếng Việt với Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thầy Trần Trọng Nghĩa, giảng viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), đã thi tuyển sang giảng dạy tiếng Việt cho sinh viên Brunei được 13 tháng theo hợp đồng 3 năm.
Thầy Nghĩa cho biết, lớp học ngôn ngữ này có 20 sinh viên, đã diễn ra được hơn 3 tuần. Hiện, toàn trường có 71 sinh viên lựa chọn tiếng Việt là ngoại ngữ để học tập.
Tại lớp học của thầy Nghĩa, Thủ tướng rất vui khi nhiều em nói tiếng Việt khá tốt dù thời gian học tập chưa nhiều. "Vì sao em học tiếng Việt?", Thủ tướng hỏi một nữ sinh viên trong lớp. Nữ sinh viên cho biết thích học tiếng Việt để tìm hiểu con người Việt Nam. Một nữ sinh viên khác chia sẻ rất thích các món ăn Việt Nam như phở, bánh mỳ...
Thủ tướng hỏi tiếp: "Các bạn có thích đi Việt Nam không?". Các sinh viên đều cho biết rất muốn sang Việt Nam đi du lịch và thích đồ ăn Việt Nam.
"Các em là những người sau này sẽ là "cầu nối" quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Brunei. Thấy các em vui vẻ tôi cũng rất vui, cảm giác quan hệ hai nước đang phát triển rất nhanh và toàn diện", Thủ tướng nói.
Không chỉ dạy tiếng Việt, Trường ĐH Quốc gia Brunei còn hợp tác với Trường ĐH FPT thành lập Trung tâm FPT Global University, giao lưu hợp tác, trao đổi giảng viên, sinh viên cũng như thực hiện các khoá học online.
Thực hiện cuộc gọi trực tuyến với 2 đầu cầu tại trung tâm ngoại ngữ của ĐH OBD Đà Nẵng, Thủ tướng trao đổi, trò chuyện với một giảng viên đến từ Brunei. Cô cho biết đã thích ứng nhanh với cuộc sống tại Việt Nam cũng như việc giảng dạy tại đây.
Thủ tướng hỏi sinh viên tại đầu cầu Đà Nẵng về việc học tiếng Anh qua hình thức hợp tác. Sinh viên Khôi Nguyên cho biết giảng viên rất nhiệt huyết và kiên nhẫn. Một số bạn trình độ tiếng Anh chưa tốt, khi nhận được rất nhiều hỗ trợ từ phía giảng viên, đã có tiến bộ rõ nét.
Trong khi đó, Vũ Minh Hiếu, làm việc tại FPT Software và đang tham gia lớp học, cho biết việc học online thời gian rất linh động. Đặc biệt, việc được nói, giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Anh cũng giúp trau dồi kỹ năng tiếng Anh rất nhanh. Anh Hiếu đề xuất với Thủ tướng cho kéo dài thời gian học từ 3 tháng lên 6 tháng để có thêm thời gian học hiệu quả hơn.
Trao đổi với các sinh viên, Thủ tướng khẳng định, việc học online và hợp tác giữa Việt Nam và Brunei ngoài trau dồi kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ còn có thêm hiểu biết về văn hoá. Sinh viên cũng chính là "cầu nối" giữa hai nước.
Về đề xuất của sinh viên, Thủ tướng đề nghị hai trường đại học bàn thêm về thời gian cho phù hợp, nâng thời gian từ 3 tháng lên 6 tháng. Thủ tướng cũng đề nghị hai trường đại học cố gắng nhân rộng mô hình, tổng kết rút kinh nghiệm. Cái gì làm tốt thì mở rộng, chưa tốt thì điều chỉnh, đề xuất với Chính phủ hai nước.
"Đây là một hình mẫu để thúc đẩy quan hệ hai nước bằng nhiều hình thức, để hiểu biết nhau hơn, đóng góp cho quan hệ hai nước nói chung và mỗi nước nói riêng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Xây dựng đề án phát triển tiếng Việt tại nước ngoài
Giảng viên Trần Trọng Nghĩa chia sẻ, tại Trường ĐH Quốc gia Brunei có 9 giảng viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập và làm việc. Ông bày tỏ mong muốn hai nước có thêm nhiều dự án hợp tác, sự kiện kết nối văn hóa cũng như có thêm nhiều hoạt động kết nối giáo dục.
Giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt cũng là nguyện vọng của nhiều kiều bào đang sinh sống và làm việc tại các nước.
Thông tin tại cuộc gặp gỡ kiều bào tại Singapore tối 8.2 trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore của Thủ tướng, chị Tạ Thùy Liên, Trưởng ban Liên lạc cộng đồng người Việt Nam tại Singapore, cho biết cộng đồng người Việt tại Singapore luôn hướng về quê hương.
Đặc biệt, cộng đồng rất coi trọng việc dạy học và lan tỏa tiếng Việt tại Singapore. Chương trình học tại Singapore đòi hỏi ít nhất có hai ngôn ngữ, nhưng không có tiếng Việt. Cộng đồng người Việt tại Singapore mong muốn Chính phủ hỗ trợ xây dựng các lớp học trực tiếp để gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ người Việt thứ hai và thứ ba.
Thủ tướng khẳng định, không chỉ kiều bào tại Singapore mà nhiều nước cũng mong muốn gìn giữ và phát huy tiếng Việt. Vì thế, Chính phủ sẽ xây dựng đề án phát triển tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài. Đây cũng là nguyện vọng chính đáng của người Việt sinh sống khắp nơi trên thế giới.
Bình luận (0)