Mạng xã hội góp phần đẩy nữ sinh tới chỗ chết

24/06/2015 17:52 GMT+7

(TNO) Thảo luận tại Hội trường về dự luật An toàn thông tin hôm nay 24.6, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (đại biểu Hòa Bình) cho rằng, các quy định về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng trong dự luật chưa thực sự đầy đủ và bao quát.

(TNO) Thảo luận tại Hội trường về dự luật An toàn thông tin hôm nay 24.6, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải (đại biểu Hòa Bình) cho rằng, các quy định về vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng trong dự luật chưa thực sự đầy đủ và bao quát.

nguyen-thanh-haiĐại biểu Nguyễn Thanh Hải đề nghị cần bổ sung thêm các quy định trong luật An toàn thông tin đối với
việc bảo vệ các thông tin riêng trên mạng - Ảnh: Ngọc Thắng
Bà Hải dẫn chứng vụ việc thương tâm vừa xảy ra tuần qua tại Đồng Nai, khi một nữ sinh 15 tuổi uống thuốc diệt cỏ quyên sinh, do bạn trai 22 tuổi đưa video clip về quan hệ của hai người lên mạng xã hội. Chỉ sau khi xuất hiện 2 ngày, video này đã lan truyền với tốc độ rất nhanh, có tới 5.068 người xem.
“Có một câu nói của người nhà nữ sinh trong thời gian 3 ngày chạy chữa cho em tại bệnh viện và làm cho tôi hết sức suy nghĩ đó là "xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu", đại biểu Nguyễn Thanh Hải nói.
“Có thể nói là mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh đến kết cục đau lòng như trên, nhưng câu hỏi đặt ra là có cách nào, có biện pháp nào ứng cứu khẩn cấp đối với người thân, đối với gia đình của em nữ sinh khi phát hiện ra vấn đề này? Cơ quan quản lý nhà nước có những biện pháp gì ứng cứu khẩn cấp với gia đình trong suốt thời gian 3 ngày đó? Gia đình cũng không biết cầu cứu ở đâu và cũng không biết liên hệ với ai để ngăn chặn việc phát tán này?”, đại biểu Hải nêu vấn đề.
Theo bà Hải, qua trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son, thấy rằng video clip này do bạn trai của nữ sinh đưa lên mạng thuộc loại thông tin riêng, không phải là thông tin cá nhân. “Việc bảo vệ thông tin riêng cũng như các quy định khác về thông tin riêng còn chưa được quy định rõ ràng trong luật”, bà Hải nói.
Vì vậy, đại biểu này cho rằng, việc xây dựng luật An toàn thông tin sẽ là một cơ hội để chúng ta có thể giảm thiểu các tác động xấu, tác động mặt trái của internet, mạng xã hội trước hết là với thanh thiếu niên, nên cần bổ sung thêm các quy định đối với việc bảo vệ các thông tin riêng trên mạng.
Đồng quan điểm trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (đại biểu Thái Nguyên) cho biết ông là một người sử dụng mạng không nhiều lắm, một ngày truy cập độ vài lần. “Nhưng mỗi lần vào mạng đều có cảm giác truy cập của mình đang bị người khác kiểm soát, họ cũng truy cập vào, thậm chí họ sử dụng thông tin của mình, sử dụng truy cập của mình vào những mục đích của riêng của họ, cảm thấy bất an lắm!”, ông Hùng nói.
Ông Hùng đề nghị dự luật lần này cần phải nghiên cứu để quy định bổ sung những nội dung về bảo đảm an toàn thông tin cá nhân trên mạng, cụ thể là các nhà cung cấp dịch vụ phải công khai minh bạch những ứng dụng, những liên kết trong thông tin mạng cho người sử dụng dịch vụ.
“Bởi vì nhiều khi truy cập vào, tôi cảm giác như những ứng dụng mà nhà cung cấp cho mình không công khai, không minh bạch, rồi tự nhiên mình bị một hậu quả, một thiệt hại, kể cả về mặt tài chính, tài chính không nhiều lắm nhưng những thiệt hại, những tổn thất về mặt lộ, lọt thông tin thì rất đáng suy nghĩ”, đại biểu Hùng nói.
Ai kiểm soát an toàn các thiết bị mạng?
Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), thị trường hiện tràn ngập các loại điện thoại thông minh, cấu hình vô cùng mạnh, nhưng giá vô cùng rẻ, xuất xứ từ Trung Quốc. Bên cạnh đó là khoảng hơn 200 ngàn loại thiết bị mạng ở hộ gia đình, các công sở, các doanh nghiệp và vô số các thiết bị thông minh từ lò vi sóng, tủ lạnh, tivi, camera quan sát và các thiết bị điều khiển từ xa, tất cả đều có khả năng kết nối được internet. Tuy nhiên mức độ an toàn của các loại thiết bị chủ yếu đến từ Trung Quốc này là như thế nào thì không ai rõ?
pham-trong-nhanĐại biểu Phạm Trọng Nhân phát biểu tại hội trường chiều 24.6 - Ảnh: Ngọc Thắng
“Ai kiểm soát cho phép nhập khẩu và bày bán? Ai kiểm định các thiết bị có an toàn, có cài đặt mã độc hay không? Làm sao để kiểm soát, kiểm tra, dán tem hợp chuẩn cho các thiết bị đã và đang lưu hành hiện nay?”, ông Nhân đặt vấn đề.
Đại biểu tỉnh Bình Dương đề nghị các cơ quan chức năng cần đưa ra lời khuyên, khuyến cáo một cách rõ ràng cho người dùng internet, làm sao kiểm soát được các thông tin phản động, sai lệch, đồi trụy hay ngăn chặn nguy cơ nghiện các trang mạng xã hội hiện đang diễn ra không chỉ trong giới trẻ, mà thậm chí có một tỷ lệ không nhỏ là cán bộ, công chức.
“Thiết nghĩ cần có câu trả lời thẳng thắn và vào cuộc của các cơ quan chức năng, trước khi luật hóa các nội dung này một cách phù hợp”, ông Nhân đề nghị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.