Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã chủ động xây dựng và sẽ sớm ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên và người lao động trong dịp cuối năm, đặc biệt là tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 với phương châm: “Không để đoàn viên, người lao động nào không có tết”.
Đó là khẳng định của ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN, liên quan loạt phóng sự Manh áo bạc vì dịch trên Thanh Niên.
Ông Ngọ Duy Hiểu cho biết, ngoài hỗ trợ của Chính phủ, Tổng LĐLĐ VN đang nghiên cứu đề xuất một gói hỗ trợ dự kiến hàng trăm tỉ đồng để hỗ trợ đoàn viên, người lao động (NLĐ) trong dịp cuối năm, đặc biệt là dịp tết. Ông Hiểu cho hay, năm nay hoạt động “Tết sum vầy” sẽ tổ chức tập trung chủ yếu ở cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở, đặc biệt là nơi có đông NLĐ gặp khó khăn.
Được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Lê Văn Thanh, việc thực hiện gói hỗ trợ an sinh theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như: điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp vay vốn trả lương cho NLĐ quá chặt chẽ, chưa sát với tình hình thực tế; nhiều đối tượng NLĐ gặp khó khăn chưa được hỗ trợ...
Thời điểm quan trọng để tạo cú híchTrả lời Thanh Niên, bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại VN, cho biết cuối tháng 9 vừa qua ILO công bố Báo cáo nhanh toàn cầu về tác động của đại dịch Covid-19 đối với thị trường lao động, nêu bật một số điểm gồm:
Thời giờ làm việc trên toàn thế giới đã sụt giảm nghiêm trọng. Nơi làm việc đóng cửa đã ảnh hưởng tới khoảng 94% NLĐ trên thế giới. VN cũng phải đối mặt với tình trạng giảm giờ làm, đặc biệt thời giờ làm việc trong quý 2 năm nay đã giảm khoảng 10% so với quý 4 năm ngoái - thời điểm ngay trước đại dịch. Trong quý 3, mọi việc chuyển biến vì các cá nhân đã cố gắng kiếm thêm việc làm để trang trải thu nhập.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố, tính đến cuối quý 3 năm nay, có thêm khoảng 148.000 người thất nghiệp. Tình trạng thất nghiệp tăng nhưng tình trạng NLĐ không tham gia hoạt động kinh tế còn cao hơn nhiều. Đặc biệt, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội, tỷ lệ NLĐ không tham gia hoạt động kinh tế tăng 4,7 điểm phần trăm so với quý 2/2019, tương ứng 3,3 triệu người rời thị trường lao động, trong đó gần 2 triệu người là phụ nữ.
Cuối cùng là tổn thất về thu nhập. ILO ước tính thu nhập từ việc làm trên toàn cầu đã giảm 10,7% so với quý 3/2019. Thu nhập của NLĐ VN bị giảm đặc biệt trong quý 2/2020, như thu nhập trung bình của ngành dịch vụ đã giảm 6,5%, của ngành công nghiệp và xây dựng giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá tình hình kinh tế lao động trong quý 4 của VN, bà Valentina Barcucci cho rằng do nền kinh tế và thị trường lao động của VN có tính thời vụ cao, quý 4 sẽ là thời điểm hoạt động kinh tế năng động nhất trong năm. Những gì diễn ra trong quý 4 sẽ mang tính quyết định lớn tới triển vọng kinh tế xã hội chung của VN. Nếu không phải áp dụng các biện pháp hạn chế để kiểm soát dịch bệnh trong quý 4, nền kinh tế sẽ ở vị thế tốt hơn để có thể khởi sắc trở lại.
“VN đã bước sang quý 4 mà không ghi nhận lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng với triển vọng kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, không có nghĩa là NLĐ, doanh nghiệp không cần đến sự hỗ trợ. Quý 4 là thời điểm hoạt động kinh tế năng động nhất trong năm. Vì vậy, cần phải tạo một cú hích cần thiết cho nền kinh tế trước tết trong quý này”, bà Valentina Barcucci nói.
|
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, người sử dụng lao động chịu trách nhiệm kê khai trung thực các nội dung, thông tin cần thiết, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin kê khai, trực tiếp gửi hồ sơ tới Ngân hàng Chính sách xã hội để phê duyệt hồ sơ vay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay để trả lương ngừng việc cho NLĐ theo đúng kết luận của Thủ tướng.
Về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, ông Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến tại chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất sửa đổi quy định, giảm điều kiện thụ hưởng chính sách. Theo đó, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 dẫn đến phải giảm từ 20% lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) trở lên so với thời điểm cơ quan có thẩm quyền công bố dịch, thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất không quá 3 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị xét hưởng (thay vì quy định giảm 50% lao động trở lên tại Nghị quyết số 42/NQ-CP).
Với quy định này, theo báo cáo mới đây của BHXH VN, dự báo sẽ có khoảng 120.000 - 200.000 doanh nghiệp với khoảng 3,2 - 5,4 triệu lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, với tổng số tiền tạm dừng đóng 1 tháng khoảng từ 3.969 - 6.618 tỉ đồng. Do vậy, việc thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất thời gian 3 tháng sẽ đảm bảo cân đối được nguồn thu chi trả lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và các chế độ BHXH hằng tháng.
Thị trường lao động dự báo có chuyển biến
Trả lời Thanh Niên về kế hoạch giúp NLĐ bị mất việc, giảm giờ làm... bởi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết thị trường lao động TP.HCM sắp tới dự báo có nhiều chuyển biến tích cực. Nhu cầu nhân lực quý 4/2020 cần khoảng 62.000 - 65.000 chỗ làm việc cho các nhóm nghề như kinh doanh - thương mại; dịch vụ; chế biến lương thực, thực phẩm...
Theo ông Lê Minh Tấn, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM mở rộng hệ thống thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm ở các hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, đặc biệt ưu tiên NLĐ bị mất việc làm; hỗ trợ NLĐ vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm, Tổ chức tài chính vi mô CEP…; rút ngắn thủ tục hành chính khi NLĐ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp đang giữ chân NLĐ, tập trung đối thoại xã hội giữa NLĐ với doanh nghiệp...
Đồng thời, Sở LĐ-TB-XH đã đề xuất Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.HCM gói chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp gặp khó khăn để trả lương cho NLĐ, duy trì và khôi phục dần hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, sở này đã trình UBND TP.HCM triển khai gói hỗ trợ trực tiếp 27 tỉ đồng cho khoảng 27.000 người, kỳ vọng những biện pháp đồng bộ này sẽ góp phần giúp NLĐ vượt qua khó khăn của đại dịch.
Bình luận (0)