Không ai nhớ Phương “khùng” phiêu dạt tới Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) khi nào. Tất nhiên Phương cũng không nhớ. Hỏi gì anh cũng trả lời khá tù mù. Người địa phương chỉ biết Phương là “công dân không hộ khẩu”, thường trú tại chợ Sa Huỳnh gần hai mươi năm nay.
Khi ấy, người ta thấy một ông đen đen, nhếch nhác, đầu bù tóc rối đang ngồi thu lu hút thuốc trên cái sạp chợ cạnh gốc bàng. Hỏi tên, anh ta nói “dạ Phương”. Hỏi tuổi thì nói “em lớn rồi mà”. Hỏi quê, trưa anh nói Phú Yên, chiều là Khánh Hòa. Anh Vinh, người xóm chợ, nói kiểu này chắc quê cậu ta là... Phú Khánh.
Phương bán vé số dạo. |
TRẦN CAO DUYÊN |
Ký ức từ những lời nói mớ
Chị Thuận, bán quần áo, kể “ổng ngủ mớ dữ lắm, vang một góc chợ. Ngủ gì mà đập ngực rầm rầm: Tiểu đội tiến lên. Sư đoàn mình chiến thắng. Lính Khơ me đỏ đó. Đùng!”...
Có mấy lần giữa chợ, Phương ưỡn ngực, đánh tay ngang mày, rập chân đứng nghiêm như để chào sĩ quan chỉ huy, nói một câu “khùng” chính hiệu: “Báo cáo trung đội trưởng, tao là Phương, em còn sống”. Thêm vào đó, có lần Phương kể một cách nhát gừng, đứt nối, rằng đã từng “oánh” Pôn Pốt.
Qua những lời kể và lời nói mớ, tôi đồ rằng Phương từng là lính tình nguyện chiến trường K những năm cuối thập niên 1970. Rất có thể từng mảng ký ức rời rạc chợt lóe lên trong chiêm bao. Hoặc giả đây là một góc ý thức về thân thế của Phương vụt sáng lên, xé bức màn quên trong khoảnh khắc rồi tắt ngấm.
Niềm vui của Phương khi được lì xì |
Cám ơn nhà báo thương em
Đầu tháng chạp, nhà báo Trần Đăng, nguyên Trưởng đại diện Văn phòng Báo Thanh Niên tại Khánh Hòa, mang 3 triệu đồng từ TP.Quảng Ngãi vô Sa Huỳnh tặng Phương “khùng” ăn tết.
Cái tin này chỉ 15 phút sau đã phát tán rất nhanh. Dân Sa Huỳnh ai cũng xuýt xoa mừng rỡ vì họ rất thương Phương. Nhiều bà con, anh em tự giác phóng xe đi khắp làng “truy lùng” nhưng “tìm Phương như thể tìm chim”. Phương lặn đâu mất tiêu. Quá trưa, Trần Đăng chán nản: “Sa Huỳnh như cái lỗ mũi mà mấy chục người tỉnh tìm một ông “khùng” không ra. Thôi về. Nhờ ông Duyên ngày mai gặp gửi tiền lì xì cho Phương”.
Tối đó tôi điện hỏi tùm lum mới biết Phương lên thị xã Đức Phổ họp tổng kết cuối năm. Cuộc họp do một đại lý sổ xố tổ chức. Thì ra Phương “khùng” đang là nhân viên bán vé số. Lúc đầu bà con cử người kiểm vé cuối ngày giùm Phương. Về sau Phương tự làm. Phương khoe ngày bán 70 - 80 vé, kiếm mỗi vé 1.000 đồng.
Phương chuẩn bị đi ngủ trên chiếc ghế xích đu nhà chị Phước |
Sáng nay Phương lùi lũi mang túi xách đi ngang nhà. Tôi kêu, Phương vô đây anh gửi tiền lì xì cho. Có ông nhà báo gửi tiền lì xì cho Phương. Anh chàng cười toe toét, cười miệng chưa đủ, còn cười cả mắt nữa. Run run cầm bì thư, Phương reo lên: “Tết tới rồi. Em cám ơn nhà báo thương em”.
Mở bì thư, Phương mân mê, vuốt từng tờ tiền, con mắt mừng rỡ, đắm đuối làm người chứng kiến ai cũng xúc động. Mấy bà đi chợ ngang qua: Chúc mừng nghen Phương. Chu cha là tiền, mới rợi luôn. Mày bán vé số cả năm chắc gì có được nhiêu đó.
Từ “hiệu ứng” Trần Đăng, một ngày sau Phương tiếp tục nhận tiền lì xì của hai nhà báo Huỳnh Dũng Nhân và Lê Đức Dục. Trao tiền xong, tôi đề nghị Phương chụp cái hình kỷ niệm. Phương nhìn quanh quất, nói đừng chụp trong nhà, ra chỗ cây mai có mấy cái bông kia nè. Anh chàng “khùng” này đôi khi cũng lãng mạn gớm.
Khùng mà cũng... sĩ diện dữ ta !
Một dạo Phương “khùng” rủ về “nhà” (sạp chợ) một gã khùng khác ở đâu dạt tới. Độ “khùng” của Phương chưa dừng lại ở đó. Không lâu sau anh ta dẫn thêm hai đứa nhỏ lang thang về cho ăn uống. “Gia đình” nơi góc chợ giờ có tới 4 nhân khẩu. Ông giáo hưu trí nói thằng này có thiên lương (tính thiện trời ban).
Phương hay lặn biển kiếm sắt vụn bán phế liệu. Tàu thuyền bứt neo, Phương lặn vớt lên, được mấy chục ngàn tiền công. Ai nhờ đi chợ, dọn vệ sinh, khuân vác... Phương xăm xăm đi liền. Người ta cho bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Với những đồng tiền ít ỏi đó, có bữa “đại ca” Phương chia cho cả nhóm, có bữa mua đồ ăn chung. Đêm lạnh, 4 con người lớn nhỏ co ro trong manh chiếu thấy thương lắm.
Mấy tháng sau, Phương đơn độc như cũ. Ông khùng vừa tới đã bỏ đi. Còn hai đứa, một đứa có người nhận nuôi, đứa kia bị “chủ hộ” Phương “khùng” đuổi cổ vì dám móc túi “đại ca”. Phương nói một câu khá... minh triết: “Khùng cho ra… khùng. Móc túi là xấu xa”.
Giờ Phương “khùng” chuyên bán vé số. Cũng “khôn” lắm, vé còn cả mớ mà cứ cầm một tờ giơ lên: “Còn tấm vé cuối cùng đây. Hên lắm”. Có người mua liền. Bán xong, Phương tỉnh bơ lấy ra tấm vé khác, lại nói còn tấm này là hết. Rồi cũng bán được vé. Người ta khen Phương có “chiêu khuyến mãi”. Phương “khai” mấy cô dì xóm chợ bày em.
Biết hoàn cảnh Phương qua Facebook của tôi, một anh ở TP.HCM liên hệ tặng bộ đồ và đôi ba ta. Tôi ra chợ tìm Phương để nói cho anh ta mừng nhưng không gặp. Hỏi mới biết chị Phước vừa đưa Phương về trại cá vì ở chợ mưa gió ướt át tội quá. Chị bố trí Phương ngủ trên ghế xích đu. Chị cho gối mền, nệm lót lưng khá êm. Chị hay để phần cơm để Phương thấy đói cứ lấy ăn. Bà con ai cũng mừng cho Phương. “Sướng” vậy nhưng đêm nào không mưa Phương lại “trốn trại” ra chợ ngủ trên cái sạp ngày nào. Hay là mùi chợ đêm và nỗi quạnh vắng luôn rủ rê, gọi tên những mảnh đời khùng?
Miền Trung những ngày vừa qua khá lạnh. Phương vẫn phong phanh chiếc áo cũ đi khắp xã. Người không lấy vé số vẫn cho Phương ít tiền khi được mời mua. Phương không nhận vì “em làm có tiền mà”. Có người bình: “Khùng” mà cũng... sĩ diện dữ ta. Cũng có người luận: Phương “khùng” nghèo khó nhưng ngày nào cũng đi trao hy vọng giàu sang cho người Sa Huỳnh.
Bình luận (0)