Từ cậu bé bán vé số tới mua nhà TP.HCM tuổi 30

Từ cậu bé bán vé số tới mua nhà TP.HCM tuổi 30

Thúy Hằng
Thúy Hằng
17/06/2022 17:33 GMT+7

Khi bước chân vào ngôi nhà đầu tiên mua được năm 30 tuổi, ở TP.HCM, Phú đã khóc. Anh ước gì mẹ còn ở trên đời này, để ôm lấy con trai - chàng trai bán vé số, lang thang ngoài đường, ngoài chợ bao nhiêu năm trước.

Phú, chàng trai mua được nhà TP.HCM tuổi 30

Phương Vy

Phạm Hà Phú, quê Gia Lai không có cha, mẹ phải bươn chải ngoài đường. Đang học lớp 5, Phú phải nghỉ học xuống TP.HCM đi bán vé số cùng mẹ. Lang thang qua những con hẻm, khu chợ, mỗi ngày đi bộ mười mấy cây số tới khi đôi chân phồng rộp, Phú và mẹ mới kiếm được những đồng tiền lẻ.

Được mẹ gửi về quê ở Quy Nhơn ở cùng một người dì để đi học, bi kịch tới với Phú vào năm lớp 10. Trong lần vào TP.HCM thăm mẹ, hai mẹ con đang đi bán vé số ở Q.12 thì mẹ Phú bị xe tông, qua đời sau đó.

Việc gì lương thiện ra tiền cũng làm

Một mình côi cút ngoài cuộc đời, Phú vừa học, vừa làm đủ nghề. Nhưng khó khăn không quật ngã được ý chí của chàng trai. Anh phụ bưng phở, phát tờ rơi, làm gia sư, phục vụ trà sữa. Anh mặc đồ các con thú đứng trước các siêu thị, làm shipper, nhân viên bán quần áo, nhân viên bán thời gian phụ trang trí hoa, phục vụ tiệc cưới… Tâm niệm làm gì cũng cần kiến thức, nên Phú không bỏ dở việc học cao đẳng tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM.

Phú không ngần ngại bất cứ công việc gì lương thiện để kiếm được tiền, anh làm một lúc nhiều nghề

NVCC

“Đã có nhiều lúc tôi muốn bỏ cuộc vì áp lực cuộc sống, vì sự thiếu thốn về mọi mặt. Là con người mà, buồn chứ, cả ghen tị nữa. Thời điểm đó, nhìn thấy bạn bè mình tháng nào cũng được người thân gửi tiền, được cha mẹ gọi hỏi thăm mỗi ngày, tôi chạnh lòng. Áp lực cơm áo gạo tiền cuốn tôi vào vòng xoáy mỗi ngày. Làm thế nào để đăng ký được lớp buổi sáng thì chiều mới đi làm đến đêm được. Làm thế nào để vẫn hoàn thành bài vở, thi cử ngày càng khó, mà vẫn đi làm để có tiền...”, Phú tâm sự.

Vẫn khao khát được học lên đại học, nên sau một thời gian đi làm, có tiền tiết kiệm, Phú tiếp tục ôn tập, thi đậu Trường ĐH Tài chính - Marketing. Nhiều ngày chạy từ sáng tới tối, để đi làm rồi học ở chi nhánh Phổ Quang và Q.7, có lúc chỉ kịp ăn ổ bánh mì. Phú không bỏ cuộc, anh nhận bằng tốt nghiệp với niềm vui “chắc chắn mẹ sẽ tự hào”.

Chàng trai tốt nghiệp cao đẳng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM (phải) và nhận bằng cử nhân đại học Trường ĐH Tài chính - Marketing

nvcc

Học tập là như vậy, thế nhưng làm thế nào để chàng trai ấy gia tăng thu nhập, tích lũy được đủ tiền để mua được nhà năm 30 tuổi?

Từ 30 triệu đồng tới hơn 2 tỉ đồng

Phú chia sẻ thời gian đầu anh vừa học vừa làm, vừa phải tự chi trả các chi phí nên chỉ mong đủ để đóng học phí, trả tiền thuê phòng trọ và sinh hoạt phí đã là vui. Tuy nhiên, dù làm được nhiều hay ít, anh luôn để sẵn một khoản tiết kiệm đề phòng rủi ro, khoản này là 30 triệu đồng.

“Có một đợt tôi bị trộm vào phòng lấy mất laptop, điện thoại. Nhờ khoản để dành, tôi khôi phục lại tài chính. Tôi cũng tích cóp dần, phấn đấu làm sao để được 100 triệu đồng để gửi tiết kiệm ngân hàng. Từ 1 cuốn, 2 cuốn sổ tiết kiệm, để có nhiều hơn”, Phú nói.

Học ngân hàng, tài chính, marketing, Phú có kinh nghiệm trong quản lý tài chính. Sớm thích kinh doanh, Phú bán quần áo trên mạng, bán dép trên mạng, bán móc khóa và thú bông trong làng đại học một thời gian dài trước khi khởi nghiệp với ngành hoa tươi, trang trí sự kiện, tiệc cưới.

“Tôi quan niệm không thể nào chỉ làm một nghề mà có thể đủ sống, hay có thể mua cho mình một căn nhà trú nắng trú mưa ở TP.HCM hoa lệ này. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, mọi thứ đều cần phải linh hoạt. Tôi không để tiền “ngủ yên trong túi” mà dùng tiền đó đầu tư vào việc mua đất hoặc để làm nguồn vốn xoay vòng cho các hoạt động bán hàng”, Phú chia sẻ.

Từ cắm hoa thuê, làm bán thời gian phục vụ tiệc cưới, Phú tách ra làm riêng trong lĩnh vực này

nvcc

Tích lũy kinh nghiệm từ lúc là cậu thanh niên đi cắm hoa thuê, phục vụ tiệc cưới, Phú tách ra làm riêng. Khởi nghiệp ở một nơi mình không sinh ra, không có nhiều mối quan hệ, trái ngành đã học, khó khăn muôn trùng nhưng anh dần làm quen được nhiều khách hàng.

Năm 2019, ở tuổi 30 tuổi, Phú mua được căn nhà đầu tiên, trong hẻm tại Thủ Đức, giá hơn 2 tỉ đồng. “Tôi đã khóc, mừng vui, hạnh phúc, vì những cố gắng không ngừng nghỉ của mình trong suốt nhiều năm qua được đáp đền xứng đáng”, Phú nói.

Mua được nhà nhỏ, có lời, lại bán nhà, Phú mua căn khác. Cộng thêm số tiền kiếm được từ đa dạng các công việc khác như kinh doanh hoa tươi, làm hoa tiệc cưới, tổ chức sự kiện, tới nay ở tuổi 33, Phú đã mua được căn nhà trong hẻm tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh có giá hơn 6 tỉ đồng.

Trải qua hơn 2 năm dịch bệnh, nhờ chuyển sang bán hoa trực tuyến, làm một lúc nhiều nghề, có khoản đề phòng rủi ro, anh không gặp nhiều khủng hoảng.

Chàng trai mua được nhà tuổi 30 ở TP.HCM kể: “Tôi rất sợ câu nói 'cái thằng không cha không mẹ đó thì làm được gì'. Nhưng cũng nhờ câu nói ấy, tôi cố gắng và nỗ lực hơn mỗi ngày. Những lúc buồn hay cuộc sống có quá nhiều uất ức, tôi tự cho phép mình khóc một trận thật đã và sáng mai thức dậy lại tiếp tục cố gắng”.

Phú trong căn nhà anh mua ở trong hẻm đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q.Bình Thạnh

phương vy

Ngồi trong nhà khang trang, nhớ ngày lang thang muỗi chích ngoài chợ

Khi cuộc sống đã có nhà, cơm đủ no, áo đủ ấm, Phú không quên những ngày khốn khổ nhất cuộc đời mình. Đó là khi hai mẹ con bán vé số, ngủ vật vờ ngoài chợ. Muỗi nhiều vô kể. 2-3 giờ sáng đã phải dậy để đi lang thang vì người ta dọn hàng. Rồi khi bị lừa vé số giả, bị giật vé số, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc.

Phú có nhà, mẹ lại không còn trên đời nữa. Mỗi góc trong căn nhà nhỏ, anh đều treo ảnh của mẹ, như mẹ luôn hiện diện trong cuộc đời mình. Mỗi năm đi công tác ở đâu, tới vùng đất mới, Phú cũng mang theo ảnh mẹ bên mình và chụp hình vì trong trái tim của con trai, mẹ vẫn luôn ở đây. Mỗi năm, anh còn đi từ thiện nhiều ở các nơi, tặng quà cho cụ già, trẻ nhỏ.

Tới vùng đất nào mới, Phú cũng mang theo ảnh mẹ

Mọi nơi trong ngôi nhà của Phú đều có hình mẹ. Hình mẹ cũng theo con trai "check in" ở khắp mọi nơi

nvcc

Chàng trai bộc bạch: “Than vãn, oán trách số phận không giúp chúng ta tăng thêm thu nhập hay có thể mua được nhà tuổi 30 hay 35 ở TP.HCM hay bất cứ nơi đâu. Khi tuyệt vọng nhất, tôi thường nghĩ những khó khăn của mình sẽ sớm qua, ngoài kia còn bao người kém may mắn hơn mình. Bất cứ công việc gì, từ bán vé số, rửa chén thuê, chở hoa cho khách…, dù chính hay phụ, tôi vẫn cố gắng hết mình. Tất cả mọi người tôi gặp, đều có cái để tôi học hỏi và trau dồi mỗi ngày, vì tôi luôn tin, chân thành, sự tử tế sẽ là ngọn nguồn mọi điều tốt đẹp trên đời”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.