Ký ức một thời thanh xuân sôi nổi: Thời trẻ của tôi lúc nào cũng... cố gắng

Thúy Hằng
Thúy Hằng
17/01/2021 08:07 GMT+7

Hoàn cảnh khó khăn nhưng tôi không tự ti, lúc nào cũng cố gắng học thật tốt và thay đổi cuộc đời của mình từ việc học.

Tôi sinh ra ở Quảng Ngãi trong gia đình có cha mẹ làm nông nghiệp, kinh tế gia đình quanh năm phụ thuộc vào ruộng lúa, vườn rau.
Hoàn cảnh khó khăn nhưng tôi không tự ti, lúc nào cũng cố gắng học thật tốt và thay đổi cuộc đời của mình từ việc học.
Những năm tháng THPT của tôi ở quê nhà rất sôi nổi, học trò chúng tôi còn nhớ mãi những ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3) cả trường tổ chức hội diễn văn nghệ hay các lớp thi trình diễn thời trang bằng vật liệu tái chế. Những bạn nữ làm trang phục bằng giấy, đúng lúc thi thì trời đổ mưa. Kỷ niệm đầy ắp tiếng cười đó vẫn được nhắc lại suốt cho tới tận bây giờ.
Lên TP.HCM học tập rồi lập nghiệp, những bạn trẻ ở quê xa như chúng tôi mang theo bao hoài bão, khao khát. Từ năm 18 tuổi, là sinh viên ngành kế toán Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, tôi đã phải bươn chải với các nghề từ phụ bưng bê trong căn tin, rửa chén thuê, gia sư... 6 tháng đầu tiên, cha mẹ có gửi cho một chút tiền thêm vào đóng học phí, còn lại sau đó, một mình tôi lo hết từ kinh phí học tập, thuê nhà trọ, ăn uống nơi thành phố.
Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, không còn một cách nào khác thôi thúc tôi phải cố gắng gấp nhiều lần người khác. Tôi còn nhớ ngày đó làm gia sư cứ đạp chiếc xe lọc cọc mười mấy cây số từ chỗ trọ tới chỗ dạy. Có phụ huynh thương hay hỏi con ăn cơm chưa, cô lấy cơm cho ăn. Nhưng có người bán sạp vải trong chợ lại xù luôn tiền công dạy trong 2 tháng, tôi đạp xe tới đòi mấy lần họ cũng lấy cớ không có tiền trả. Buổi tối bụng đói meo, người mệt rã rời lại lủi thủi đạp xe về, bên cạnh không có cha mẹ, anh em nên tôi tủi thân nước mắt cứ trào ra.
Cuối năm thứ nhất tôi xin đi phụ bàn trong một căn tin, ngày nào cũng thức từ 3 giờ sáng để kịp đạp xe đi làm, làm tới 7 rưỡi sáng thì tới trường học. Lúc mới vào, công việc của tôi là xem phiếu ăn và đưa khay cơm cho các em học sinh, sau đó dọn dẹp bàn sạch sẽ. Về sau, mọi người phân công tôi xuống rửa chén, xoong nồi. Một mình tôi khiêng, rửa những cái nồi rất lớn, cao bằng nửa người mình rồi khay, chén với dầu mỡ chất đống. Có hôm cực quá, tôi không biết chia sẻ với ai, cứ thế vừa làm vừa khóc. Một tháng làm đủ 20 ngày ở đó, tôi được trả 200.000 đồng. Vào lớp, bạn bè thấy tay tôi lấm lem đen nhẻm, hỏi sao đi đâu về mà tay bẩn thế kia. Tôi chẳng giấu bạn, nói là mình đi rửa chén thuê, sợ muộn học mà chưa rửa sạch hết tay. Bạn tôi thương, nhìn tôi đồng cảm.
Học kế toán nhưng sau khi tốt nghiệp không công ty nào tuyển vì tôi chỉ là kế toán mới ra trường. 2 năm đầu tiên, tôi bắt đầu bằng vị trí thu ngân ở các nhà hàng, quán ăn và cả ở cửa hàng bán xe máy trên đường Hùng Vương, Q.10. Không biết gì về bugi, ốc vít… và hàng trăm linh kiện xe máy khác, lúc làm hóa đơn cho khách tôi ghi sai và bị la mắng, còn dọa bị đền tiền nếu gây thiệt hại. Vậy là mỗi ngày làm việc, thay vì ở cabin cho người thu ngân, quần áo tôi dính đầy dầu mỡ do tôi ngồi học việc cùng nhân viên kỹ thuật, xem họ cầm từng cái ốc vít, bu lông loại nào, cái họ đang cầm tên là gì, viết ra sao thì đúng…
Năm 2012, tôi xin được việc đúng chuyên môn kế toán tại công ty mà tôi đang làm việc bây giờ, bắt đầu từ con số 0, tôi học hỏi mọi người từng chút một. Sau đó một thời gian, thấy anh chị phòng kinh doanh làm việc thú vị quá, ngoài giờ làm tôi xin sang giúp anh chị, lúc đi phát tờ rơi, lúc phát tặng sách cho mọi người. Tôi lân la xin đi cùng các chuyến đi thực tế thị trường ở các tỉnh thành. Tìm thấy đam mê của mình ở lĩnh vực kinh doanh, tôi xin sang phòng kinh doanh làm. Thấy bản thân mình phải có kiến thức tốt ở mảng này, tôi đi học thêm ngành quản trị kinh doanh ở Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn. Ban ngày đi làm, đi thị trường ở tỉnh, tối về lại chạy tới giảng đường. Ngày cầm được tấm bằng ĐH, tôi mừng phát khóc. Với tôi, học tập là suốt đời. Bây giờ, dù bận bịu gia đình riêng với con nhỏ và công việc quản lý ở công ty, tôi vẫn đăng ký các khóa học về marketing, nhân sự… để bản thân mình mỗi ngày biết thêm cái mới.
Năm 2018, tôi được bổ nhiệm giám đốc sau 6 năm nỗ lực từ nhân viên cấp thấp nhất, nhưng tôi vẫn thấy việc mình phải học hỏi và cần nỗ lực là không ngừng. Hành trình muôn vàn gian truân, đầy nước mắt và cả những nụ cười đã đi qua với tôi là thời thanh xuân sôi nổi, đáng nhớ.
Tôi luôn nói với các em mới ra trường, đi làm là đừng bao giờ thôi cố gắng. Dù mình ở vị trí nào, làm công việc gì, hãy gắn bó với nó bằng sự tận tâm nhất, người ta trả cho mình 5 đồng, đừng chỉ làm vừa đủ 5 đồng, hãy làm hơn thế nữa. Như những khúc ca về Đoàn thanh niên, về tuổi thanh xuân các em đã nghe, thanh niên sẽ là tương lai của đất nước này. Ai cũng có một thanh xuân. Trí tuệ, bản lĩnh, giấc mơ của thanh xuân hãy lấy nó làm hành trang bên mình. Đến một ngày, các em chắc chắn sẽ làm được điều mình mơ ước.
Nguyễn Thị Phúc (Giám đốc Công ty CP công nghệ Khang Phúc, Q.1, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.