Mất cọc khi trả phòng trọ
Ngoài ký túc xá, nhiều sinh viên thuê phòng trọ vì muốn có không gian riêng. Tuy nhiên, có một số bất cập nếu sinh viên chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng khi tìm phòng trọ.
Những vấn đề phát sinh liên quan đến thuê phòng trọ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, việc học của sinh viên. Gần đây, nhiều sinh viên bị mất cọc khi thuê trọ dù đã có ký kết hợp đồng, dẫn đến bị mất tiền cọc, bị đe dọa, buộc phải chuyển trọ khi chưa hết hợp đồng…
Một dãy nhà trọ dành cho sinh viên ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM |
PHẠM HỮU |
Từng trải qua việc bị chủ nhà không trả lại tiền cọc, N.T.P.T, sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết: “Khi mới vào trọ, tôi đặt cọc 1 tháng, hợp đồng có thời hạn 6 tháng. Lúc tôi chuyển đi là đã đến thời gian kết thúc hợp đồng nhưng vẫn không được chủ nhà trả tiền cọc”.
“Theo hợp đồng, nếu chuyển đi phải thông báo trước 1 tháng. Ngay từ đầu tháng 10.2021, tức kết thúc hợp đồng, tôi đã nhắn báo với chủ trọ sẽ chuyển đi vào cuối tháng. Tuy nhiên, chủ trọ làm khó, cho rằng tôi vi phạm hợp đồng, báo trước không đúng 30 ngày nên không trả cọc. Lúc đòi lại tiền cọc, tôi bị chủ trọ dùng những lời lẽ không hay, xúc phạm và mất luôn tiền cọc”, P.T kể.
Cũng gặp vấn đề chủ trọ làm khó khi lấy lại tiền cọc trước lúc dọn đi, N.L.T.T, sinh viên năm cuối Trường ĐH Y dược TP.HCM, cho hay: “Người chủ lấy lý do là tôi làm hư đồ đạc trong phòng nên không chịu trả lại tiền cọc, dù tôi không làm hư bất kỳ thứ gì”.
“Lúc mới dọn vào ở, đồ vật trong phòng đã hư từ trước, tôi báo nhiều lần nhưng chủ trọ vẫn không sửa nên tôi tự bỏ tiền ra sửa một vài thứ. Sau này, tôi cùng một người bạn hẹn nói chuyện với chủ trọ để đòi lại tiền cọc. Đến khi chúng tôi làm căng lên thì chủ trọ mới chịu trả lại tiền cọc. Lúc đó, chúng tôi nghĩ rằng nếu chủ trọ vẫn kiên quyết không trả lại tiền cọc thì buộc lòng phải gọi công an nhờ giải quyết”, T.T chia sẻ.
Tránh “bút sa gà chết”
Vấn đề lấy lại tiền cọc khi trả phòng trọ đã ảnh hưởng đến đời sống của sinh viên. Một số sinh viên may mắn được hoàn trả đầy đủ, nhưng không ít sinh viên phải chấp nhận mất tiền cọc để tránh xung đột với chủ trọ.
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải, giảng viên Khoa luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, đưa ra lời khuyên cho sinh viên: “Căn cứ đúng theo quy định của pháp luật về việc đặt cọc thuê trọ đã làm hợp đồng đủ theo điều kiện của pháp luật. Các bạn hoàn toàn có thể khởi kiện tại các tòa án có thẩm quyền để được giải quyết lấy lại số tiền cọc”.
“Trong trường hợp sinh viên đã làm đúng theo hợp đồng mà còn bị đe dọa và chủ nhà không chịu trả tiền cọc thì có thể nhờ công an tại địa phương thường trú giúp đỡ”, ông Hải lưu ý.
Bên cạnh đó, N.L.T.T khuyên, trước khi dọn vào ở, sinh viên phải làm hợp đồng với chủ trọ, ghi rõ ràng là ngày nào bắt đầu tính tiền nhà, ngày bao nhiêu lại phải thu tiền nhà, thời hạn hợp đồng, số tiền cọc trong hợp đồng, ghi số đồng hồ tính tiền điện và nước.
Theo luật sư Hải, sinh viên phải biết bảo vệ mình đầu tiên khi thực hiện ký kết hợp đồng đặt cọc. Trên thực tế, có nhiều sinh viên làm hợp đồng rất sơ sài hoặc hợp đồng được thỏa thuận bằng miệng.
“Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thực hiện hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng miệng đều có hiệu lực. Tuy nhiên, nếu lập bằng miệng thì khả năng sau này có tranh chấp sẽ dẫn đến việc đòi lại tiền cọc rất khó khăn. Vì thế, sinh viên cần lập hợp đồng bằng văn bản và có xác nhận của bên thứ ba”, ông Hải lưu ý.
Luật sư Hải nói thêm: “Nhà trọ mỗi nơi khác nhau nên sinh viên cần tìm hiểu thông tin trước khi xác định ở trọ để biết môi trường hay tính cách chủ trọ ra sao. Nếu lần tiếp xúc đầu tiên cảm thấy không ổn thì sinh viên đừng nên vội ký kết hợp đồng vì 'bút sa gà chết'”.
Bình luận (0)