Mãnh liệt Bích Khê

28/12/2011 00:53 GMT+7

Ngày 29.12, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi và Hội Nhà văn VN sẽ tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày sinh và 65 năm ngày mất nhà thơ Bích Khê.

Ngày 29.12, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi và Hội Nhà văn VN sẽ tổ chức kỷ niệm 95 năm ngày sinh và 65 năm ngày mất nhà thơ Bích Khê. 

Bích Khê chỉ tại thế được 30 năm (1916 - 1946), nhưng thơ của ông đủ sức để sống đến hôm nay.

Bích Khê chết vì bệnh tật, nhưng sống được vì thơ của mình. Bây giờ, khi đọc lại thơ Bích Khê, nhiều người vẫn ngạc nhiên vì sự tân kỳ vượt thời gian của nó, vì những gì tinh khiết mà ngôn ngữ có thể mang lại cho con người. Có thể Bích Khê đã nỗ lực để làm thơ cho hay, nhưng sự nỗ lực ấy của ông được đền đáp chính bởi ông là một thi sĩ tự nguồn, một người được sinh ra để làm thơ. Không có bản năng thơ ấy, khí chất thơ ấy, thì dù nỗ lực đến mấy, cố gắng đến mấy cũng không thể có được những bài thơ mà hôm nay chúng ta còn được đọc.

Gia tài của Bích Khê chỉ có vậy, vài tập thơ, mấy chục bài thơ, và hết. Vậy mà có vẻ ông là một nhà kinh doanh giỏi, khi biết nhân lên cái vốn ban đầu của mình, không những thế, ông còn biết “rót vốn” cho rất nhiều nhà thơ ở các thế hệ khác nhau sau ông có thể vững tin để làm thơ. Dĩ nhiên, nói kinh doanh là nói vui, nhưng một nhà thơ với cái vốn ban đầu không “thiên kinh vạn quyển” mà càng ngày thơ ông càng được đọc, được nghiên cứu nhiều hơn như thế chẳng là điều kỳ lạ sao?


Mộ Bích Khê tại Thu Xà, Quảng Ngãi - Ảnh: Trần Đăng 

Bích Khê để lại cho chúng ta một bài học: Nếu muốn làm một việc gì, nếu muốn xây dựng một sự nghiệp nào, thì phải dám đánh cược cả đời mình vào việc ấy, vào sự nghiệp ấy. Toàn tâm toàn ý, sống và chết vì điều mình đã chọn, đó là Bích Khê. Một người yêu nước mình có thể yêu nước bằng hành động, và cũng có thể yêu nước bằng nghệ thuật. Bích Khê đã yêu đất nước mình, yêu quê hương Quảng Ngãi bằng thơ. Kể cả những bài thơ chỉ tả nỗi buồn vương trên cây ngô đồng hay một con đường về hội quán “sương khuya xuống”, ta vẫn có thể đọc trong đó niềm thiết tha với quê hương đất nước mình. Bích Khê thuần Việt chính từ tình yêu đó, và mãi mãi thơ ông thuộc về quê hương đất nước Việt Nam của ông.

Nhiều người cứ nghĩ Bích Khê như một người yếu đuối về thể chất và lãng mạn về tâm hồn. Tôi lại nghĩ khác. Bích Khê là một người mạnh mẽ, thậm chí mãnh liệt cả về tâm hồn và thể chất. Trong điều kiện không thể chữa lành căn bệnh nan y thời đó, Bích Khê đã dám một mình sống trên con đò dọc sông Trà như một hành động phản kháng quyết liệt với bệnh tật. Sống cô đơn và sống chung với bệnh tật để làm thơ, không là người thật sự mạnh mẽ không thể làm điều đó. Bây giờ đọc lại thơ Bích Khê, thấy rõ sự mãnh liệt trong từng câu chữ của ông. Sự mãnh liệt ấy chỉ có ở những tâm hồn thật sự mạnh mẽ, dám đối đầu với sự thật, đối đầu với trái ngang và bất hạnh.

Sống chỉ 30 năm, nhưng với cuộc đời kịp làm rất nhiều việc, kịp đi rất nhiều nơi, kịp sống nhiều cuộc sống như cuộc đời Bích Khê, tưởng cũng là đủ.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.