Như Thanh Niên thông tin, UBND H.Xuyên Mộc (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã ra quyết định buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Dương Văn Long (51 tuổi), chủ công trình nhà trọ 0 đồng xây dựng trái phép trên hơn ngàn mét vuông tại xã Bình Châu.
Trước đó, ngày 10.12.2021, UBND xã Bình Châu (H.Xuyên Mộc) phát hiện hộ gia đình ông Dương Văn Long và vợ là bà Nguyễn Thị Phương Linh (43 tuổi) xây dựng nhiều công trình trái phép trên đất nông nghiệp tại ấp Bình Thắng. UBND xã đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai do ông Long chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn với tổng diện tích hơn 1.680 m2. Hiện trạng xây dựng trái phép gồm 1 nhà ở diện tích 322 m2, nhà trọ 0 đồng 403 m2, quán cà phê võng 0 đồng 750 m2, nhà ăn 0 đồng 208 m2.
Ngày 31.3.2022, UBND H.Xuyên Mộc ban hành Quyết định số 1632 buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với ông Long trên diện tích đất hơn 1.680 m2 chuyển đổi trái phép. UBND xã Bình Châu đã bàn giao quyết định này cho ông Long nhưng ông Long không nhận.
Hết thời gian 10 ngày theo quy định, ông Long đã không tự tháo dỡ các công trình xây dựng vi phạm nên UBND H.Xuyên Mộc chỉ đạo các phòng, ban ra kế hoạch cưỡng chế. "Tuy nhiên, qua rà soát, UBND H.Xuyên Mộc phát hiện Quyết định số 1632 đã vi phạm quy định về thủ tục ban hành quyết định nên dừng thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm tại khu đất của ông Long", lãnh đạo UBND H.Xuyên Mộc cho biết.
Ngày 21.8.2023, UBND H.Xuyên Mộc đã ban hành quyết định hủy bỏ Quyết định số 1632, đồng thời ra Quyết định số 5921 buộc ông Dương Văn Long thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Tháo dỡ và xử phạt thật nặng
Nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên ủng hộ việc mạnh tay, kiên quyết tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép. "Không những đập bỏ trả lại nguyên trạng mà còn phải phạt nặng chủ những công trình xây dựng không phép. Thời gian qua chúng ta xử lý không nghiêm nên tình trạng xây dựng không phép tràn lan từ nông thôn đến thành thị", BĐ Thiên Hoài đề nghị.
Tương tự, BĐ Bá Hiền ý kiến: "Kiên quyết không xử lý theo hướng đóng phạt rồi cho tồn tại những công trình trái phép, sai phép. Không có chuyện thương lượng với pháp luật được". Còn BĐ Lê Huyền viết: "Biết rằng sẽ lãng phí, nhưng nếu chúng ta không mạnh tay cưỡng chế tháo dỡ để làm gương thì tình trạng bát nháo trong xây dựng sẽ còn tiếp tục. Tuyệt đối không để tình trạng phạt rồi cho tồn tại; đồng thời cần quy trách nhiệm quản lý ở địa phương để xảy ra tình trạng này".
"Họ xem thường chính quyền cấp xã phường, nhiều công trình xây dựng trái phép, san lấp, tôn tạo... chính quyền phạt, cảnh báo mà họ vẫn xây, vẫn làm, đến khi bị cưỡng chế lại đổ lỗi này lỗi khác. Tôi đề nghị pháp luật phải được thực thi, mọi công dân phải chấp hành bình đẳng, sai phạm cứ xử theo luật, làm triệt để", BĐ Lam Liễu thẳng thắn.
Tại sao không ngăn chặn từ đầu?
Nhiều ý kiến cũng đặt vấn đề trách nhiệm của chính quyền địa phương đã không quyết liệt ngăn chặn triệt để khi phát hiện công trình bắt đầu sai phạm. "Tại sao khi người dân vừa khởi công xây dựng, chính quyền địa phương ở đâu không ngăn chặn, phạt hành chính, cưỡng chế nếu hộ dân còn cố tình vi phạm? Tại sao chính quyền không làm dứt điểm từ đầu, để người dân xây dựng xong rồi cưỡng chế, gây lãng phí?", BĐ Mi Thứ nêu quan điểm.
Tương tự, BĐ Nguyen Truong thẳng thắn: "Chính quyền địa phương phải có người chịu trách nhiệm liên quan công trình này. Họ xây dựng công trình to đùng không phép như vậy mà không kiên quyết ngăn chặn ngay từ đầu. Việc này thể hiện sự yếu kém trong quản lý".
"Chính quyền, cơ quan quản lý ở đâu khi người dân mới xây dựng, tại sao không ngăn chặn, cấm ngay từ đầu? Ngoài việc cưỡng chế tháo dỡ thì phải điều tra làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý xem có cố tình dung dưỡng, không can thiệp để công trình vi phạm diễn ra trong thời gian dài. Phải xử lý nghiêm để cán bộ có trách nhiệm hơn trong công vụ", BĐ Đạt Lê viết.
Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh
Bình luận (0)