Những ngày gần đây, một số người dùng Facebook tại Việt Nam phản ánh tình trạng hiển thị quảng cáo từ fanpage có tên "Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng CNC - Bộ Công an" đăng nội dung kêu gọi chung tay phòng chống tội phạm mạng, khuyến cáo người dân liên hệ trang này kèm hình ảnh lãnh đạo bộ. Tuy nhiên qua tìm hiểu của Thanh Niên, đây là nội dung lừa đảo do một số đối tượng đứng sau dựng lên và chạy quảng cáo nhằm tiếp cận nạn nhân.
Cụ thể, những fanpage giả mạo (sử dụng tên đã nêu hoặc gần giống, cố tình gây nhầm lẫn) đa phần được tạo trong tháng 12.2023, sử dụng hình đại diện và trang bìa liên quan đến các đơn vị công an. Phần thông tin fanpage sử dụng địa chỉ của Bộ Công an, đính kèm một đường dẫn (không thể truy cập), tuy nhiên phần email liên hệ lại có đuôi "gmail" (dịch vụ email của Google cung cấp miễn phí).
Chúng liên tục đăng tải bài viết về cảnh báo lừa đảo từ các phương tiện truyền thông chính thống cũng như chia sẻ nội dung hướng dẫn nhận diện lừa đảo nhằm tạo niềm tin khi "con mồi" truy cập vào fanpage để kiểm chứng thông tin. Hình ảnh của các lãnh đạo Bộ, đơn vị trực thuộc Bộ Công an cũng bị đem ra phục vụ cho mục đích này. Ở phần bình luận, chủ fanpage đã ẩn toàn bộ để che đậy việc bị một số người dùng tỉnh táo tố giác.
Khi truy cập vào phần thư viện quảng cáo của fanpage, người dùng có thể nhìn thấy những chiến dịch đang chạy trên nền tảng Facebook, trong đó nội dung như "Nếu bạn biết mình đã bị lừa đảo, hãy nhanh tay lấy bằng chứng và liên hệ ngay với chúng tôi. Chúng tôi sẽ có nhân viên sẵn sàng hỗ trợ khẩn cấp". Ở bức hình sử dụng trong quảng cáo, nội dung "Bộ trưởng Bộ Công an phòng chống các loại tội phạm mạng" được cố tình viết sai chính tả, sai lệch font chữ nhằm qua mặt các công cụ kiểm duyệt tự động, tránh bị quét bản quyền hay nội dung nhạy cảm.
Theo những người am hiểu về Facebook, các fanpage trên do người dùng bình thường tự tạo và chạy chiến dịch quảng cáo, có đầy đủ cơ sở để kết luận là trang giả mạo được lập ra để lừa đảo như viết sai chính tả, mới tạo, đăng bài liên tục, sử dụng địa chỉ email miễn phí/số điện thoại di động cá nhân.
"Người dùng khi thấy những fanpage như vậy thì không nên liên hệ bởi kẻ gian đứng sau đã chuẩn bị sẵn kịch bản nhằm moi thông tin cá nhân, không loại trừ dữ liệu nhạy cảm như tài khoản ngân hàng. Chúng dẫn dắt tâm lý nạn nhân một cách bài bản để tạo niềm tin với mục đích duy nhất là lừa đảo", một chuyên gia khuyến cáo. Ngoài ra, đối tượng đứng sau cũng có thể dẫn dụ để nạn nhân cài phần mềm độc hại được ngụy trang ứng dụng của tổ chức, cơ quan chính phủ lên thiết bị cá nhân, sau đó chiếm quyền kiểm soát máy để đánh cắp thông tin, tài chính.
Thời gian qua, tình trạng quảng cáo lừa đảo, cờ bạc, cá độ, khiêu dâm trên Facebook ngày càng bùng phát. Nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi người dùng cũng ngang nhiên hiển thị công khai. Nghiêm trọng hơn, ở các video khiêu dâm luôn có hàng nghìn, thậm chí chục nghìn lượt xem trực tiếp.
Dù đã có nhiều phản ánh từ người dùng cũng như truyền thông Việt Nam, mạng xã hội lớn nhất thế giới dường như "thả nổi" việc quản lý nội dung và quảng cáo, hoặc sử dụng biện pháp ngăn chặn chưa hiệu quả. Nhiều người cho biết trang cá nhân liên tục hiển thị quảng cáo phản cảm dù không liên quan đến nhu cầu, trong khi đó việc bấm Báo cáo xấu đối với những nội dung này là "vô vọng", không có dấu hiệu chấm dứt.
Bình luận (0)