Mario cùng với nhiều nhân vật hoạt hình biểu tượng của Nhật Bản như Hello Kitty, Doaremon… tạo nên một màn trình diễn hứa hẹn một Olympic tuyệt vời sẽ diễn ra ở Tokyo năm 2020. Giống như nhiều cha đẻ của các nhân vật hoạt hình nổi tiếng khác, ông Shigeru Miyamoto chọn một cuộc sống khá kín tiếng ở Nhật trong khi tại Mỹ những ai tự nhận là fan của video game đều nhận ra ông ngoài phố.
Nếu ông bố không... dắt tay đi xin việc
Nhân vật Mario xuất hiện đầu tiên năm 1981 trong game Donkey Kong - game đầu tiên ông Miyamoto làm cho Hãng Nintendo. Từ đó đến nay, Jump Man - tên đầu tiên của Mario có mặt ở hơn 100 game, trong đó có Super Mario Bros. Và cũng từ đó, cái tên Shigeru Miyamoto luôn gắn với Hãng Nintendo cho đến tận bây giờ.
Có thể nói ông cũng là người đầu tiên xác lập công việc của một người thiết kế game. “Trước khi Donkey Kong ra mắt, những người làm ra video game là các nhà lập trình và các kỹ sư chứ không phải là người thiết kế nhân vật hay các nghệ sĩ”, ông Miyamoto cho biết. Bản thân ông là người tốt nghiệp đại học ngành thiết kế công nghệ nên khi được giao nhiệm vụ làm game đầu tiên, ông không có ai để học hỏi. Những gì ông làm với Donkey Kong là lên ý tưởng thiết kế game rồi truyền đạt cho các lập trình viên để họ xây dựng nhân vật. Khái niệm một nghệ sĩ game hay một nhà thiết kế ra đời từ đó.
“Có lẽ tôi là nhà thiết kế game đầu tiên hoặc một trong những người đầu tiên có được sự tự do để làm ra nguyên một game như thế. Thời đó, tôi thường đùa rằng tôi là một trong 5 nhà thiết kế vĩ đại nhất thế giới bởi chẳng có ai khác cả”, ông kể lại.
|
Ông tự nhận mình đùa nhưng thực chất không ai trong ngành này có thể phủ nhận sức ảnh hưởng của ông. Tại một cuộc họp báo, Chủ tịch Nintendo Mỹ Howard Lincoln bị các nhà báo “tấn công” với chỉ một câu hỏi duy nhất: Tại sao hãng trì hoãn nhiều lần việc tung ra series game The Legend of Zelda (chính thức ra mắt năm 1986 - NV)? Ông Lincoln đành phải nói thật: “Ông Miyamoto chưa hài lòng”! Sức ảnh hưởng của người được tạp chí TIME gọi là “cha đẻ của video game hiện đại” và “Spielberg của video game” còn lan sang cả thế giới game PC. Nhà thiết kế game PC huyền thoại Peter Molyneux không ngại bày tỏ sự ngưỡng mộ: “Ông ấy chắc chắn là người thiết kế game vĩ đại nhất của thế giới”.
Sẽ không có một con người được tôn vinh như thế nếu một ngày đẹp trời người đó không chịu theo bố đến gặp Chủ tịch Nintendo Hiroshi Yamauchi, người mà bố ông có quen biết nên xin sắp xếp cho con trai được phỏng vấn. Cậu con trai chẳng hào hứng gì mấy rồi lại chẳng mang sơ yếu lý lịch theo cùng. Thay vào đó, Miyamoto mang theo mấy món đồ chơi mà cậu tự làm - móc phơi quần áo hình con voi và chim hoạt hình, một cái ván bập bênh 3 bánh và một cái đồng hồ có thiết kế lạ. Vậy mà ông Yamauchi vốn nổi tiếng là người luôn nói không với những thứ vô nghĩa lại nhận cậu sinh viên mới ra trường vào làm việc. Đó là năm 1977.
Một năm sau, cũng chính Chủ tịch Yamauchi giao cho Miyamoto một thử thách: làm ra một game arcade (chơi trên máy) để tạo cú hích mới cho thị trường tiềm năng Mỹ sau thất bại của game Radar Scope. Bài toán đặt ra có thêm một phần khó nữa là game phải được chơi trên máy dành cho Radar Scope chứ nếu làm máy mới rồi chuyển đi Mỹ thì công ty không thể có lời. Và Donkey Kong - đứa con đẻ đầu tiên của ông Miyamoto là một thành công bất ngờ để từ đó nhân vật Mario trở thành biểu tượng của Nintendo.
|
Không phải người Nhật thuần túy
Cha đẻ của Mario tự nhận bản thân ông không phải là người “rất Nhật”. Ông từng tâm sự: “Ngay từ nhỏ tôi đã thích nước Mỹ và văn hóa Mỹ. Tôi là fan cuồng của dòng nhạc bluegrass. Điều thú vị là trụ sở của Nintendo đặt ở Kyoto. Người thông thường chỉ để ý đến thủ đô Tokyo. Người dân Kyoto không quan tâm đến Tokyo, họ yêu thành phố của họ và có phần thể hiện chủ nghĩa cá nhân hơn. Có thể đây là lý do tại sao game của chúng tôi có sức hấp dẫn toàn cầu”.
Nhưng trước khi rơi vào vùng tự do ở Kyoto, Miyamoto lại được nuôi dưỡng trong môi trường đặc tính địa phương. Gia đình ông không nghèo nhưng họ sống ở ngoại ô Kyoto và những năm 1950 ti vi còn là của hiếm, nhất là ở vùng nông thôn kiểu cũ. Nhà ông không có ti vi nên ông cùng những đứa trẻ thời đó phải ra ngoài tìm niềm vui khám phá rừng núi, hang động (mà ngày nay ít có cha mẹ nào dám cho con cái đến gần). Những chuyến phiêu lưu thời trẻ con ấy của ông đã tạo nền tảng cho game Super Mario Bros và đặc biệt là The Legend of Zelda.
Đam mê âm nhạc cũng là một yếu tố khiến Miyamoto khác biệt trong thế giới thiết kế game. Ông kể lại thời mới bắt đầu làm cho Hãng Nintendo: “Âm nhạc và âm thanh trong game thời đó rất kinh khủng. Đơn giản bởi các kỹ sư và lập trình viên không có kiến thức về âm nhạc mà lại phải làm nhạc và tạo âm thanh cho game”. Có thể nói Donkey Kong là một tác phẩm gần như hoàn toàn của ông bởi ông dùng đàn keyboard viết nhạc cho game này. Nhưng đây cũng là game duy nhất ông làm thế bởi trong những game sau ông đặt hàng các nhạc sĩ và yêu cầu họ viết theo ý ông.
Toàn tâm toàn ý cho game là thế nhưng một khi rời khỏi công sở là ông bỏ lại tất cả công việc phía sau. Lúc rảnh ông chơi guitar và đàn banjo. Người đàn ông 63 tuổi này không hề buồn khi các con ông không có ý định nối nghiệp cha. Bởi còn niềm vui nào hơn khi người phụ nữ bên cạnh ông sau bao nhiêu năm không chơi game đã bắt đầu thấy thích thú với Wii - một thế hệ game mới của Hãng Nintendo mà ông tham gia với vai trò nhà sản xuất.
Bình luận (0)