Masan và kế hoạch ‘thay áo mới’ cho VinCommerce

30/03/2021 08:00 GMT+7

Hơn một năm về với Tập đoàn Masan, chiến lược tái cấu trúc đã mang lại thay đổi tích cực cho VinCommerce - một trong những nền tảng bán lẻ có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Dù vấp phải rào cản từ đại dịch Covid-19, quý 4/2020, VinCommerce lần đầu đạt EBITDA dương 0,2 % với lợi nhuận 16 tỉ đồng. Như vậy, hệ thống bán lẻ này đã hoàn thành mục tiêu ban đầu của sau thương vụ M&A đình đám: đưa VinCommerce về điểm hòa vốn trong vòng một năm.
Tuy chưa phải là con số lớn, nhưng nó đánh dấu một cột mốc quan trọng đối với mảng bán lẻ của Masan Group, tạo tiền đề cho công cuộc chuyển đổi của năm 2021.

Tối ưu hóa danh mục sản phẩm, đặt hàng tươi sống làm trọng tâm

8h sáng, chị Vũ Thị Minh Lý - Trưởng ngành hàng tươi sống siêu thị VinMart Times City (Hà Nội) kiểm tra sát sao từng khu vực từ thịt, rau, bánh mì... đầy ắp các quầy khi siêu thị vừa mở cửa. Mỗi ngày, chị Lý dành đến 90% thời gian làm việc trực tiếp dưới siêu thị, sống cùng hàng hóa, chỉ 10% ngồi tại văn phòng khi cần giải quyết giấy tờ, thủ tục.
Hơn một năm sau khi VinMart/VinMart+ về với Masan, ngành hàng tươi sống siêu thị VinMart Times City thuộc quản lý của chị Lý có nhiều sự thay đổi. “So với trước đây, hàng tươi sống được tăng cường hơn cả về số lượng và chủng loại. Hàng hóa đa dạng hơn nên được khách hàng đón nhận rất tốt. Một ngày, tôi thường kiểm tra trực tiếp nhiều lượt để đảm bảo hàng hóa trên quầy, kệ lúc nào cũng tươi ngon. Dù cơ cấu hàng hóa tăng, vấn đề chất lượng phải luôn đảm bảo thông qua các khâu kiểm nghiệm chặt chẽ” - chị Lý chia sẻ.
Tối ưu hóa danh mục sản phẩm, tăng tỷ trọng hàng tươi sống là một trong những chiến lược cải thiện hiệu quả hoạt động VinMart/VinMart+ được Masan công bố khi tiếp quản lại hệ thống bán lẻ này vào cuối năm 2019. Thay đổi này được triển khai đồng nhất trên cả siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng VinMart+.
Nguyễn Thị Ngọc Lan - quản lý khu vực VinMart+ cho biết: “Hiện nay, cơ cấu hàng hóa tại VinMart+ có nhiều sự thay đổi, chủng loại hàng hóa đa dạng hơn và số lượng hàng nhập tương đối lớn. Ví dụ đối với hàng tươi sống, trước đây, quầy rau chỉ có khoảng 30 loại, chủ yếu là củ quả, bây giờ được bổ sung thêm nhiều loại rau xanh. Các loại cá, thịt gà, thịt lợn như thịt mát MEATDeli được tăng cường. Ngoài ra, nhiều mặt hàng chất lượng khác cũng được bổ sung vào danh mục. Giờ đây, khách hàng chỉ cần đến VinMart+ là có thể mua được hầu hết các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho gia đình”.
Ngoài việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đặt hàng tươi sống làm trọng tâm, các chương trình giá tốt tại VinMart/VinMart+ cũng tạo động lực thu hút khách hàng. Hệ thống VinMart/VinMart+ thường xuyên triển khai các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng tập trung vào mặt hàng thiết yếu với hàng trăm sản phẩm đang được giảm giá mỗi ngày. So với trước đây, chương trình giảm giá tại VinMart/VinMart không chỉ áp dụng vào dịp cuối tuần mà còn kéo dài theo chương trình 15 ngày/tháng.

Tái cấu trúc theo hai chiều

Chiến lược tái cấu trúc VinCommecre được thực hiện đồng thời theo hai hướng: Thứ nhất, cải thiện hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống bao gồm việc tối ưu hóa danh mục sản phẩm, tăng tỷ trọng hàng tươi sống, áp dụng chính sách bán hàng hấp dẫn, cũng như điều chỉnh mô hình hoạt động của VinMart+ với cách bài trí mới…
Thứ hai, VinCommerce mạnh tay đóng cửa các siêu thị, cửa hàng tiện ích hoạt động kém hiệu quả từ đầu năm, đó là các điểm bán có tỷ lệ doanh thu/m² thấp hơn 50% so với mức yêu cầu để đạt điểm hòa vốn. Trong năm 2020, hàng trăm điểm bán như vậy được cho đóng cửa. Song song với đó, VinCommerce cũng mở mới nhiều cửa hàng theo mô hình bày trí mới tại các khu vực tiềm năng.
Chiến lược này giúp Vincommerce có thể nhanh chóng đạt được mục tiêu mà ban lãnh đạo Masan Group đề ra, điều mà trước đó không nhiều người tin là có thể thực hiện được trong vòng một năm.
Sau bước một thành công, mục tiêu của VinCommerce trong năm 2021 là chuyển từ điểm mua sắm thuần túy thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu, cho người tiêu dùng trải nghiệm xuyên suốt từ online to offline.
Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan Group gọi đây là Point of Life: nền tảng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chiếm hơn 50% chi tiêu tiêu dùng bao gồm hàng FMCG, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, và các dịch vụ giá trị gia tăng. Đây chính là đích đến khi Masan quyết định mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ.
Với tham vọng lọt Top 50 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới, Masan Group thành lập ra The CrownX là hợp nhất giữa VinCommerce và MasanConsumerHoldings.
Hai công ty hàng đầu lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ cộng hưởng tạo nên sự bứt phá cho kết quả kinh doanh của Masan Group. Năm 2020, The CrownX đạt doanh thu thuần 54.277 tỉ đồng, xấp xỉ 2,5 tỷ USD, trở thành công ty lớn thứ hai Việt Nam trong lĩnh vực tiêu dùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.