TNO

Mất 12 giờ để đánh đắm 1 tàu chiến cũ của Mỹ

21/07/2016 14:00 GMT+7

(Tin Nóng) Tên lửa diệt hạm, ngư lôi, bom… từ tàu chiến, tàu ngầm, trực thăng và cả máy bay B-52 dội tới tấp vào mục tiêu là 1 tàu hộ tống tên lửa cũ của Mỹ, chiếc USS Thach nhưng phải mất đến 12 giờ con tàu này mới chịu chìm!

(Tin Nóng) Tên lửa diệt hạm, ngư lôi, bom… từ tàu chiến, tàu ngầm, trực thăng và cả máy bay B-52 dội tới tấp vào mục tiêu là 1 tàu hộ tống tên lửa cũ của Mỹ, chiếc USS Thach nhưng phải mất đến 12 giờ con tàu này mới chịu chìm!

Cuôc diễn tập đánh đắm tàu chiến (SINKEX) trong khuôn khổ cuộc tập trận đa quốc gia RIMPAC 2016 hôm 14.7 qua quy tụ tàu chiến và máy bay của Mỹ, Úc, Hàn Quốc tham gia.

Đối tượng tiêu diệt là một tàu chiến lớp Oliver Hazard Perry đã hết hạn sử dụng của Hải quân Mỹ, chiếc USS Thach (mang tên đô đốc John S. Thach, một người hùng của hải quân Mỹ trong Thế chiến II chống quân Nhật). Tàu này được kéo ra ngoài khơi cách Kauai (Hawaii) độ 100 km về phía bắc, biển nơi đây sâu khoảng 4,5 km, bảo đảm không có người và sinh vật biển ở khu vực diễn tập.

Theo PopularMechanics ngày 18.7, “kẻ tử tội” là tàu rỗng, không có nhiên liệu hay đạn dược bên trong. Những tưởng đây là mục tiêu ngon ăn cho lực lượng đa quốc gia diễn tập, hoá ra đó là điều không đơn giản.

Đầu tiên, tàu ngầm Lee Eoki của Hàn Quốc phóng 1 tên lửa diệt hạm UTM-84 Harpoon bắn trúng tàu, sau đó tàu hộ tống HMAS Ballarat của Úc phóng tiếp 1 tên lửa diệt hạm Harpoon và trực thăng SH-60S của tàu này nã tên lửa Hellfire bồi thêm. Con tàu lãnh đòn như vậy mà vẫn trơ trơ, nên 1 máy bay tuần biển P-3 Orion của Mỹ phóng xuống tên lửa Harpoon và Maverick.

Nhưng chiếc USS Thach vẫn không chìm dù hứng trận đòn hội chợ.

Tàu hộ tống USS Thach được kéo ra khu vực làm bia cho cuộc diễn tập đánh đắm tàu chiến - Ảnh: Hải quân Mỹ

Tuần dương hạm Mỹ USS Princeton bắn 1 tên lửa diệt hạm Harpoon, cùng lúc trực thăng SH-60S của nó xả tên lửa Hellfire vào tàu. Rồi chiến đấu cơ F/A-18 Hornet xuất hiện, ném 1 quả bom Mk. 84 (nặng gần 1 tấn) xuống tàu, và một oanh tạc cơ B-52 thả 1 quả bom GBU-12 Paveway (250 kg) điều khiển bằng laser.

Với trận mưa bom và tên lửa, tàu USS Thach tả tơi, thân tàu bị thủng nhiều lỗ, sàn đáp trực thăng sau đuôi bị đội lên do sức nổ, nhưng nó vẫn không chịu chìm.

Tàu USS Thach tả tơi vì đòn tấn công bằng tên lửa, bom, ngư lôi nhưng mất 12 giờ sau mới chìm

Cuối cùng một tàu ngầm hạt nhân Mỹ phóng ra một quả ngư lôi Mk. 48 với gần 2.500 kg chất nổ cực mạnh, bắn trúng mũi tàu tạo nên một cột nước khổng lồ. Sức mạnh của quả ngư lôi này làm phần thân gần mũi tàu bị thụt sâu vào bên trong với 1 lỗ thủng to tướng, nhưng con tàu vẫn cứ nổi bềnh bồng trên sóng!

Phải đến 19 giờ 25 tối 14.7, tức sau gần 12 tiếng kể từ lúc lãnh quả tên lửa đầu tiên từ tàu ngầm Hàn Quốc (8 giờ sáng 14.7), chiếc USS Thach mới chịu chìm hẳn.

Ngư lôi phóng từ tàu ngầm hạt nhân vẫn chưa đủ sức làm chìm ngay con tàu này

Báo Star Advertiser ở Hawaii ngày 18.7 thống kê rằng người ta đã sử dụng đến hơn 10 loại vũ khí cực mạnh để đánh chìm tàu USS Thach, gồm 4 tên lửa diệt hạm Harpoon (phóng từ tàu ngầm, tàu chiến, máy bay), nhiều tên lửa Hellfire phóng từ trực thăng, 1 tên lửa Maverick từ máy bay P-3 Orion, 2 quả bom (từ F/A-18 và B-52), và 1 ngư lôi từ tàu ngầm hạt nhân.

PopularMechanics cho rằng chất lượng của con tàu quả là tuyệt vời, dù được đóng cách đây gần 40 năm.

Một lý do khác giải thích cho việc lâu chìm của USS Thach là do trên tàu không còn nhiên liệu hay đạn dược nào, mà chỉ là xác tàu rỗng. Một tàu hộ tống lớp Perry thông thường mang theo 587 tấn nhiên liệu, 64 tấn nhiên liệu khác cho trực thăng, cùng hàng tấn đạn dược, tên lửa. Chiếc USS Thach qua clip quay lại cho thấy nó không phát ra cháy trên tàu khi bị tấn công bằng ngư lôi, tên lửa, cũng chẳng có vụ nổ thứ hai nào xảy ra trong tàu khi trúng đạn vì tàu trống không.

Dĩ nhiên điều này sẽ khác biệt nếu tàu chứa đầy nhiên liệu và đạn dược.

Tàu hộ tống tên lửa USS Thach khi còn hoạt động - Ảnh: Hải quân Mỹ

USS Thach là tàu hộ tống tên lửa lớp Oliver Hazard Perry, do hãng Bath Iron Works (Mỹ) đóng năm 1981, biên chế vào hải quân năm 1983. Tàu được nghỉ hưu từ năm 2013 sau 30 năm phục vụ. Tàu hộ tống lớp này dài 136 m, ngang rộng nhất 14 m, lượng choán nước 4.200 tấn, tốc độ tối đa 54 km/giờ, tầm hoạt động 8.300 km, thuỷ thủ và sĩ quan trên tàu khoảng 176 người. Tàu vũ trang tên lửa diệt hạm, tên lửa phòng không, ngư lôi chống ngầm, 1 pháo 76 mm và 1 pháo bắn nhanh tầm gần Phalanx 20 mm, mang theo 1 trực thăng.

Hải quân Mỹ cho đóng tất cả 51 tàu hộ tống lớp Perry từ năm 1975 và ngưng đóng từ 2004. Chiếc cuối cùng trong số này là USS Simpson về hưu vào tháng 9.2015.

Xem clip tàu hộ tống USS Thach bị trúng ngư lôi, tên lửa, bom đến 12 gờ sau mới chìm (Hải quân Mỹ):

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.