Mất 2 chân, mất thêm án phí

05/01/2014 02:56 GMT+7

Cô bé Thái Lan bị mất 2 chân sau khi ngã vào đường ray tàu điện ngầm Singapore nay phải gánh cả án phí nặng nề sau phán quyết của Tòa tối cao nước này.

Phán quyết dài 81 trang do Thẩm phán tối cao Vinodh Coomaraswamy công bố hôm 2.1 như xát thêm muối vào nỗi đau của nhà họ Peneakchanasak ở Bangkok, Thái Lan. Tai nạn khủng khiếp xảy ra ngày 3.4.2011 tại ga nổi Ang Mo Kio (AMK), phía bắc Singapore, vốn không quá đông đúc vào chủ nhật. Cô bé Nitcharee, khi đó 14 tuổi, đang ở Singapore vài tháng để học tiếng Anh. Nitcharee té xuống đường ray khi đang đứng trên sân ga đợi tàu để đi vào trung tâm gặp bạn bè. Ngay lập tức, đoàn tàu tiến đến, nghiến nát một chân cô bé và làm chấn thương chân còn lại khiến cả hai bị cưa cụt.

Thay mặt con gái, ông Kittanesh Peneakchanasak đưa đơn lên Tòa dân sự tối cao Singapore - nơi chỉ thụ lý những vụ án có mức đòi bồi thường trên 250.000 SGD (4,2 tỉ đồng) - kiện Tập đoàn vận tải SMRT là đơn vị vận hành tuyến tàu điện ngầm này và Tổng cục Đường bộ Singapore (LTA). Cáo buộc hai đơn vị này thiếu trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn cho khách đi tàu, nhà  Peneakchanasak đòi bồi thường 3,4 triệu SGD (57 tỉ đồng). Con số đòi bồi thường đó có một phần đáng kể là chi phí để sắm các bộ chân giả cho đến cuối đời Nitcharee.

Thẩm phán Coomaraswamy trong bản phán quyết kết luận rằng, vào thời điểm xảy ra tai nạn, ga AMK “an toàn một cách hợp lý”, và nguy cơ hành khách té xuống đường ray là “quá nhỏ”, với tỷ lệ 1/119,9 triệu lượt hành khách đi tàu, theo thống kê của SMRT từ năm 2004 - 2011. Điều đó, theo Thẩm phán Coomaraswamy, chứng tỏ ở các ga nổi không có cửa chắn giữa đường ray và sân ga như AMK, các tiêu chuẩn an toàn cho hành khách vẫn bảo đảm. Tuy vậy, sau tai nạn của Nitcharee, Singapore đã lắp cửa kính cao ngang ngực ở tất cả các sân ga nổi trên mặt đất.

Ông Coomaraswamy cũng kết luận rằng, Nitcharee bị té là do “mất tri giác đột ngột”, bác bỏ lời khai trong đơn kiện của gia đình Peneakchanasak rằng cô bé té là do mất thăng bằng nhưng vẫn tỉnh táo. Ban đầu, Nitcharee nói cô bị té là do ai đẩy từ phía sau, nhưng sau đó rút lại cáo buộc này. Theo Thẩm phán Coomaraswamy, một người tỉnh táo, khi bị té, hai tay sẽ có khuynh hướng vung ra nhằm cố lấy lại thăng bằng. Còn hình ảnh camera ghi nhận ở ga AMK cho thấy khi bị té, hai tay Nitcharee duỗi dọc theo thân người.

Căn cứ vào các lập luận trên, Thẩm phán Coomaraswamy kết luận bên bị đơn không có trách nhiệm với rủi ro của nguyên đơn. “Luật về tội lơ là thiếu trách nhiệm yêu cầu bồi thường khi bên bị đơn có tội chứ không đơn giản chỉ vì bên nguyên đơn bị thiệt hại”, ông Coomaraswamy lập luận.

Và do thua kiện, gia đình Peneakchanasak sẽ phải trả toàn bộ án phí cho cả bên bị đơn, bao gồm phí luật sư và phí cho những chuyên gia tham gia đưa ý kiến tại phiên tòa kéo dài 12 ngày hồi năm 2012. Báo Straits Times trích lời các chuyên gia nói rằng phí cho luật sư trong các vụ tai nạn gây thương tích như vụ này là 10.000 - 12.000 SGD (trên dưới 200 triệu đồng/ngày). Gia đình  Peneakchanasak có 30 ngày để kháng án.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.