Ám ảnh vì 'Mắt biếc' không trọn vẹn
Một trong những lý do để thầy Trần Nguyễn Tuấn Huy, giáo viên ngữ văn Trường THCS Trần Bội Cơ, Q.5, TP.HCM đến rạp chiếu phim trong ngày công chiếu đầu tiên của phim điện ảnh Mắt biếc, đó chính là vì ám ảnh kết thúc tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. “Một cái kết không trọn vẹn, nó khác hoàn toàn với những cái kết có hậu khác của Nguyễn Nhật Ánh. Nếu cái kết ấy Ngạn xuống tàu và nắm tay Hà Lan - tình đầu một thời mà cả một đời của mình thì hẳn nó sẽ không còn ám ảnh. Bởi vì sau cái kết đó, bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ cảm thấy day dứt, nghiệm lại một phần cuộc đời của mình, một phần nào đó không trọn vẹn trong những trang yêu đương của chính mình. Liệu rằng những năm tháng ấy mình có lỡ đánh mất một điều gì đó hay không?”, thầy giáo trẻ chia sẻ.
Theo thầy Tuấn Huy, cái mà Ngạn yêu sau này chưa hẳn là Hà Lan, mà là tất những gì đẹp nhất của ký ức qua đôi mắt của Hà Lan năm ấy. Sau này Hà Lan đâu còn như trước. Cái mà Ngạn ám ảnh mắc kẹt lại chính là ký ức tuổi thơ ở Đo Đo. Tất cả những điều là một Hà Lan với đôi mắt biếc, lúc chưa lên Huế học lớp 10. Cái gì không trọn vẹn nó sẽ làm cho người ta ám ảnh, bởi vì mỗi người chúng ta có bao giờ cũng có những mảnh ghép còn thiếu trong hành trình cuộc đời của mình”.
Day dứt và không thể quên
Cùng suy nghĩ với anh Huy, anh Lê Minh Sơn, 27 tuổi, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam, cũng chưa quên hết những cảm xúc mà truyện Mắt biếc để lại, dù đã đọc cuốn sách đó từ rất lâu. Tình yêu với truyện dài này đã dẫn lối để anh tới rạp xem phim từ ngày đầu tiên chiếu, hôm 19.12. Cảm nhận ấn tượng nhất của anh về bộ phim, đó là những lời tỏ tình mộc mạc và dễ thương của Ngạ: “Nếu không nhầm, Ngạn đã tỏ tình với Hà Lan 2 lần, một lần anh nói với Hà Lan: Đo Đo là tất cả của Ngạn. Trên phim Victor Vũ đã không kể cho khán giả nghe được rằng, ngoài yêu Hà Lan, Ngạn còn yêu làng Đo Đo, hai thứ tình yêu song hành mà theo chàng trai si tình lớn lên.
|
"Hà Lan về Đo Đo đi, Ngạn sẽ chăm sóc cho Hà Lan" là lời tỏ tình thứ 2 của Ngạn, cũng là lần tác giả để cho chàng trai si tình đến mức ngu ngốc này được mạnh dạn thổ lộ lòng mình.
Trà Long, con gái của Hà Lan là nhân vật chính tiếp theo gần như thay thế mẹ mình nối tiếp phần hai của bộ phim. Trà Long như 1 món quà bước vào cuộc đời Ngạn nhưng cũng là lỗi lầm gánh nặng mà Hà Lan muốn gỡ bỏ…”.
Theo anh Lê Minh Sơn, Mắt biếc ám ảnh bởi cái kết buồn quá: “Tôi có lúc sợ Mắt biếc, không dám đọc lại, bởi sợ nỗi buồn ập đến. Tôi luôn tự hỏi có phải chính tác giả Nguyễn Nhật Ánh là chàng trai Ngạn năm xưa?”.
“Cái tài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là tạo ra những cái kết truyện mà người đọc không thể ngờ tới. Có những kiểu kết truyện mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thường xây dựng. Thứ nhất là kết thúc có hậu, với những truyện học trò như Kính vạn hoa hay Chuyện xứ Lang Biang. Thứ hai là hướng kết truyện dang dở. Thường thì những thứ dang dở là những thứ ám ảnh người ta nhiều nhất, nó cứ khiến người ta day dứt mãi, không thể quên được tác phẩm”, anh Sơn chia sẻ.
“Tôi còn nhớ mãi lời kết truyện của Mắt biếc. 'Ngày mai, khi cháu đến tìm chú, hẳn lúc ấy mặt trời đã lên và những cánh phượng cuối cùng của mùa hè đang bắt đầu ứa máu. Nhưng Trà Long yêu thương của chú, chú vẫn tin rằng, dù sao lúc ấy cháu cũng sẽ không khóc, cháu sẽ không khóc, có phải thế không?'. Nhưng kết phim Mắt biếc thật bất ngờ. Đoạn Hà Lan chạy theo Ngạn cuối phim thực sự cảm động, dễ lấy nước mắt đồng cảm từ khán giả. Đây là chi tiết đắt giá như một lời kết đầy viên mãn làm thỏa lòng khán giả sau gần 30 năm truyện này được phát hành. Mùa hè nào gặp gỡ. Mùa hè nào chia ly. Mùa hè nào hội ngộ. Tôi cầm trên tay hai mùa hè rực rỡ. Còn mùa hè cuối cùng rơi đi đâu?”, anh Lê Minh Sơn cảm nhận.
Người không dám đi xem phim 'Mắt biếc'
Chị Nguyễn Thị Trang, 29 tuổi, là kế toán và giáo viên tại Hà Nội, đồng thời là chủ nhân blog Trang Én Đì chia sẻ, chưa “dám” đến rạp xem phim Mắt biếc vì sợ sẽ buồn và ám ảnh như khi đọc truyện.
Mắt biếc đã sống với chị Trang trong suốt nhiều năm tháng, đọng lại vẹn nguyên trong chị vẫn là những hình ảnh đẹp nao lòng, như chị chia sẻ: “Nếu ai đã từng đọc truyện bác Ánh thì sẽ không thể bỏ qua hình ảnh làng quê Việt Nam được bác đưa vào những áng văn mộc mạc và rất tình ở đó. Tôi ngồi đọc tới đoạn Ngạn và Hà Lan đạp xe trên đường làng dưới ánh hoàng hôn là đầu óc bắt đầu bay theo ánh nắng vàng trên đường làng, nó xuyên qua mái tóc của Ngạn và Hà Lan rồi dừng lại ở đôi môi của cô nàng, tí lại vắt sang ánh mắt si tình của Ngạn”.
|
Vì những ám ảnh của Mắt biếc, chị sợ tới rạp xem phim của Victor Vũ. “Nếu bạn không sợ mình chìm đắm vào những nỗi buồn và đang tò mò hai nhân vật chính trên phim sẽ như thế nào thì 'đặt gạch' chờ vé. Còn tôi, tôi vẫn giữ lập trường tôi sẽ không đi xem bộ phim này. Tôi không kỳ thị hay lên án gì chuyện tình yêu của Ngạn dành cho Trà Long (mặc dù nó là sự ngộ nhận đến mù quáng của ông giáo làng). Tôi nghĩ rằng xem phim này tôi sẽ khóc và giận rất nhiều vì cách hành xử của Ngạn là chính chứ không phải Hà Lan. Vì dù gì Hà Lan cũng sống là chính nó, sống cho tình yêu mãnh liệt mặc dù cũng mù quáng thật nhưng cô vẫn được sống trong tình yêu. Còn Ngạn thì như ngọn lửa cháy mãi, bập bùng cháy mãi và thiêu rụi cuộc đời tuổi trẻ và cuộc đời còn lại của Ngạn”.
Bình luận (0)