“Mắt biển” trên đỉnh Mũi Dinh

11/01/2014 15:17 GMT+7

Trên đỉnh Mũi Dinh có năm chàng trai gắn tuổi thanh xuân của mình với ngọn hải đăng, dẫn đường cho những con thuyền ra Bắc vào Nam.

 “Mắt biển” trên đỉnh Mũi Dinh

 Ngọn hải đăng Mũi Dinh - Ảnh: Thiện Nhân

Từ trung tâm xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi chạy xe máy hơn 30 phút theo con đường ven biển, sau đó lội bộ qua “sa mạc” cát và con dốc núi thẳng đứng dẫn lên đỉnh Mũi Dinh. Trên đỉnh cao 186m so với mặt biển, có ngọn hải đăng đứng sừng sững từ hơn 100 năm nay. Ngư dân địa phương đặt cho nó cái tên khá ấn tượng: “Mắt biển”.

 

“Ngọn hải đăng Mũi Dinh được người Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ 19, cao 186 m so với mặt nước biển; riêng phần tháp đèn cao 16 m. Với tầm sáng bán kính khoảng 30 hải lý, đèn biển Mũi Dinh chỉ hướng đất liền cho tàu thuyền từ Ninh Thuận cho đến Tuy Phong (Bình Thuận). Công suất bóng đèn là 1.000 W, đèn chớp 2 + 1, với chu kỳ vòng xoay là 20 giây”. 

Khác với những gì hình dung trên đường đi về sự hoang sơ, khô cằn, thiếu thốn của trạm hải đăng Mũi Dinh nhưng đặt chân đến trạm, trước mắt chúng tôi là một ngôi nhà khang trang bề thế. Phòng khách, nhà bếp, phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc đều ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ. Trạm có năm anh em, mỗi người mỗi quê, đều có gia đình vợ con. Xa quê, họ càng gắn bó với nhau như anh em ruột thịt, chia sẻ mọi chuyện với nhau từ công việc đến chuyện vợ con. Dù nắng mưa hay giông bão, họ thay phiện nhau trực để ngọn hải đăng luôn tỏa sáng dẫn đường cho những con tàu ra Bắc vào Nam.

Ông Phạm Văn Thanh, người có 25 năm gắn bó với ngọn hải đăng Mũi Dinh, tâm sự: “Đặc thù công việc nên hầu hết anh em phải xa gia đình. Vợ ở nhà sinh con chuyển dạ mà không thấy bóng chồng là chuyện bình thường của những người canh giữ “mắt biển”. Mọi công việc nuôi nấng, dạy bảo con cái đều giao phó cho vợ. Cũng may, trước khi lấy nhau, tụi mình “thưa” trước nên mấy bả thông cảm”. Theo ông Thanh, trước đây khi chưa có hệ thống điện mặt trời, những người gác đèn phải vào tận làng chài Sơn Hải tải từng thùng dầu lên trạm để chạy máy phát điện. Mùa nắng, khi các hầm nước mưa dự trữ ở trạm bị cạn kiệt, anh em phân công nhau xuống làng gánh nước lên dùng. “Muốn đi vào làng thì phải lội bộ qua “sa mạc” cát rộng lớn, gió thổi rát mặt, toàn thân nghiêng theo chiều gió. Đi không đã khó nhưng nhiệm vụ chúng tôi phải gánh thêm nhiều hàng hoá, thức ăn, nước uống lên trạm. Đi riết rồi cũng quen!”, ông Thanh nói.

Nói về công việc, ông Phạm Văn Cơ, Trạm trưởng trạm hải đăng Mũi Dinh cho biết: “Hải đăng vô cùng quan trọng đối với những tàu thuyền lưu thông trên biển. Khi đèn ngưng hoạt động thì tàu thuyền ở ngoài khơi sẽ mất phương hướng, hậu quả sẽ khôn lường. Ở đây, anh em phải trực 24/24 giờ, không kể lễ, tết hay trời giông bão, bởi “mắt biển” luôn phải sáng”. Ông Cơ dẫn chúng tôi tham quan, giới thiệu quy trình hoạt động của “mắt biển”. Xem qua thì thấy công việc có vẻ đơn giản, nhưng để duy trì cho đèn hoạt động liên tục, thì phải là một quy trình nghiêm ngặt, như bảo trì cả một hệ thống điện mặt trời, bình ắc quy và máy phát điện luôn trong tư thế sẵn sàng.  

Lão ngư Phan Ứng ở làng chài Sơn Hải, cho biết: “Mỗi lần ra khơi, người đi biển rất cần đến ánh sáng ngọn hải đăng để xác định hướng đi của con tàu. Nó luôn gần gũi, thủy chung với người đi biển”. Lời nói đó giúp chúng tôi hiểu thêm nhiều về công việc thầm lặng của những người canh giữ “mắt biển” ở Mũi Dinh này.

Thiện Nhân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.