Mật danh K8: Quê hương thứ hai

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
30/04/2021 05:50 GMT+7

Thời kỳ đó, miền Bắc bị ném bom ác liệt. Không chỉ các trọng điểm giao thông, nơi nghi có căn cứ quân sự mà tất cả xóm làng, đâu đâu cũng chìm trong khói lửa.

Sáng kiến từ nhân dân

Khi chưa có kế hoạch di dân, cho học sinh đến vùng an toàn hơn thì người dân Lệ Thủy (Quảng Bình) quê tôi đã phải tính đường xa bằng cách chia con ra, vài đứa con nhà này sang ngủ ở nhà khác và ngược lại. Trao đổi như thế vì nghĩ rằng, nếu có bị trúng bom thì gia đình cũng không tuyệt chủng.

Lứa K8 bọn tôi được gọi là “Hạt giống đỏ” sau này đã không hổ danh. Nhiều người trở thành GS, PGS, TS, phó TS... thứ thiệt, tướng lĩnh quân đội nhiều, lãnh đạo cũng nhiều, rất nhiều. Những người không có điều kiện học hành, dù ở nhà cũng trở thành những người đàng hoàng, xứng đáng là tấm gương cho con cháu noi theo

 
Chiến tranh ngày càng leo thang ác liệt, thực hiện chủ trương của T.Ư, nhiều địa phương, trong đó có H.Lệ Thủy đã quyết định đưa con em mình đi sơ tán.
Đầu tiên là “di dân” ngay trong tỉnh. 2.000 học sinh cấp 3 của H.Lệ Thủy sơ tán ra xã Ngư Hóa, H.Tuyên Hóa, giáp giới với Hà Tĩnh.
Thầy trò tự mang sách vở, quần áo, nhu yếu phẩm, đi bộ trên những con đường được chọn là an toàn hơn, xuyên qua các làng xóm gần 100 km để đến Ngư Hóa. Từ đứa nhỏ nhất cho đến các thầy cô phải tự chặt cây gỗ, bứt tranh, đào hầm, làm nhà nửa nổi nửa chìm làm lớp học. Ghẻ lở, hắc lào đầy mình vẫn học.
Mãi cho đến mùa mưa năm 1966 sang đầu năm 1967, với mật danh K8, H.Lệ Thủy thực hiện kế hoạch đưa 500 em nhỏ từ lớp 2 đến lớp 7 cùng với 50 thầy cô giáo ra sơ tán tại các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Hà… Giờ nói thì thấy nó có gì đó bất nhẫn nhưng quả thực, kế hoạch là đã lường đến chuyện, nếu tất cả dân Lệ Thủy có chết đi thì vẫn còn 500 “hạt giống”!

Cựu học sinh K8 đón bạn học từ xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nơi các bạn sơ tán vào thăm (tháng 10.2012)

Ảnh: ông Minh Phong - Công an tỉnh Gia Lai cung cấp

Học kiểu... nhảy cóc

Lúc đó tôi mới học xong học kỳ 1 lớp 4. Cuộc hành quân lúc xe tải, lúc đi bộ mất cả học kỳ 2 mới đến nơi. Anh em tôi ở nhà cố Hy, thôn Thọ Đồn, xã Vĩnh Yên, H.Vĩnh Lộc (Thanh Hóa).
Nhớ nhất một hôm, thằng Thí, tên thường gọi là Thí “cợt” nhận được thư cha. Đọc xong nó khóc rống lên. Chúng tôi xúm đến giật bức thư, bụng nghĩ có chuyện không hay rồi. Câu đầu cha của Thí viết: “Thí ơi, Ve Hoa chết rồi con ạ”.
Ve Hoa là tên một con trâu mà ở nhà Thí thường chăn, nó bị bom
Hồi đó còn quá nhỏ để biết chuyện người lớn, tức là không biết các thầy cô bàn bạc thế nào rồi quyết định cho ôn tập một tháng hè chỉ hai môn văn - toán, sau đó thì cho lên lớp toàn bộ. Tôi vào lớp 5 cùng các bạn ở đây.
Mất một học kỳ nhưng thấy chẳng sao. Tổng kết học kỳ, ông Huy (con của cố Hy - nhà tôi ở tứ đại đồng đường) được mời lên ngồi hàng danh dự vì có con, là tôi, học giỏi nhất khối 5, cấp 2. Vài hôm sau, ông Huy lại được mời lên hàng danh dự vì em tôi học giỏi nhất khối 3 cấp 1.
Học kỳ 2, tôi được đi thi học sinh giỏi tỉnh (chẳng hiểu sao hồi đó lớp 5 cũng có thi học sinh giỏi tỉnh). Cô Vân dẫn đội bọn tôi (quá phân nửa là dân K8: Thịnh, Duyên, Xuyến, Châu...) đi bộ về trường gì đó tôi quên rồi nhưng gần phà Kiểu (giờ tra Google mãi mà tìm không có địa danh phà Kiểu), cũng xa lắm. Tôi được chọn thi hai môn, sáng toán, chiều văn. Cả đội trường tôi năm đó chỉ có tôi có giải, mà 2 giải luôn. Ông Huy nhà tôi lại được mời đến trường ngồi hàng danh dự.
 Mật danh K8: Quê hương thứ hai

Cô Lê Phú, giảng viên Đại học Quảng Bình, vẫn giữ tấm ảnh chụp với anh trai mình ở Thanh Hóa

Ảnh: Tư liệu tác giả

Núi đá, bãi dâu...

Là hai nơi mà khi học, ăn vội bữa cơm, về chúng tôi lập tức đến đó.
Nhà cố Hy có 2 con bò và một đàn dê 5 con. Sáng con Huệ và thằng Hải (gọi cố Hy bằng cố như chúng tôi) đi chăn, chiều là tôi. Khi tôi học chiều thì ngược lại.
Bò thả trên đồng nhưng phải trông chừng, dê thả trên núi đá.
Mùa nuôi tằm, đứa nào cũng mang cái sọt tre sau lưng ra bãi hái dâu. Bãi dâu bên sông xanh ngút ngàn. Mỗi khi có mưa giông, giun đất nổi lên thì bắt giun về làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Tối lại đến trường tập rồi biểu diễn văn nghệ. Hồi đó không nhiều bài hát như bây giờ, toàn học lỏm mấy bài của các cô chú ở quê từng diễn.
Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh em gái múa trong nền bài hát Khẩu đội em tập bắn:
“Còn nhớ lúc đầu khi em đi tập bắn.
- Tập làm sao?
Súng nặng là nặng ghê chân cao nòng dài…
- Sức em thì vác nổi súng sao?
Tháo súng ra đồng chí ơi, em khuân vác càng nhẹ nhàng, trên con đường thênh thang em đi đó!”.
Chiến tranh nhưng gương mặt ai nấy rạng ngời, không nét nào bi lụy.
Chăn bò, hái dâu hay làm gì xong, chúng tôi cũng lao vào dòng nước sông Mã, vẫy vùng cho đến tối mịt mới chịu về.
Nhớ có lần thằng Kèo bị nước cuốn, tôi và Thắng lao ra. Không hiểu sao thời 11, 12 tuổi đã biết khôn, hai đứa thay nhau lặn xuống lao đầu thúc vào thằng Kèo, hết tôi đến Thắng, cho đến khi Kèo tấp vào bờ bên phía H.Yên Định thì lôi lên.
Lần đó tôi được Thứ trưởng Bộ Nội vụ Lê Tất Đắc về tận Trường cấp 2 Vĩnh Yên trao Huy hiệu Bác Hồ. Tôi cũng không làm bản thành tích và cũng không hiểu vì sao tôi được trao còn Thắng thì không.
Năm trước, tôi ra Thanh Hóa thăm nhà ngày xưa, tìm thăm cô Kiều, dạy văn (vì hồi đó cô rất thương tôi), tiếc là cô đi xuống thành phố trông cháu nên không gặp. Các thầy cô thì từ nơi khác đến dạy nên không rõ quê đâu, nay thế nào.
Tôi về làng Thọ Đồn, không cần hỏi, đi đúng vào nhà cố Hy, cho dù làng giờ thay đổi rất nhiều. Ông và cố đã mất, các cô chú người đi chiến trường hy sinh, người đi làm ăn xa, mấy đứa cháu đồng trang lứa cũng vào Nam làm việc, chỉ còn một cô dâu lại không hề biết tôi.
Tuổi thơ tôi gắn với làng Thọ Đồn bên dòng sông Mã nên mới nói với anh Cao Ngọ và Nguyễn Ngọc Minh, ở Văn phòng Báo Thanh Niên tại Thanh Hóa: “Tôi chức to lắm, người gốc Quảng Bình nhưng làm Hội trưởng Hội đồng hương trẻ Thanh Hóa tại Đà Nẵng hai nhiệm kỳ. Tiếp đãi cho đàng hoàng, đừng giỡn mặt”.
Nói vui nhưng mà là thật, vì Thọ Đồn chính là quê hương thứ hai của chúng tôi.
Lứa K8 bọn tôi được gọi là “Hạt giống đỏ” sau này đã không hổ danh. Nhiều người trở thành GS, PGS, TS, phó TS... thứ thiệt, tướng lĩnh quân đội nhiều, lãnh đạo cũng nhiều, rất nhiều. Những người không có điều kiện học hành, dù ở nhà cũng trở thành những người đàng hoàng, xứng đáng là tấm gương cho con cháu noi theo. Vậy là đã không phụ lòng, không phụ “tầm nhìn xa” thể hiện trong một kế hoạch rất nhân văn: Mật danh K8.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.