Mặt đường 'phản chủ'

30/11/2018 05:03 GMT+7

GS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng có lần nói với người viết bài thế này: Triết lý về quản lý chất lượng công trình, đặc biệt là công trình giao thông của tôi đơn giản lắm, đó là “làm tốt ngay từ đầu”.

Ông lý giải, bởi vì khi đã hư hỏng cực kỳ khó chữa, nhất là với cầu và đường, vốn được kết cấu nhiều lớp, nền (nhiều lớp), móng (2 lớp), áo đường (2 lớp). Nền và móng đã hỏng thì vá víu mấy cũng càng hỏng.
“Triết lý” của GS Trần Chủng xem ra đang quá đúng trong trường hợp đường cao tốc 34.000 tỉ Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sau tình trạng ổ voi, ổ gà dậy sóng dư luận, chủ đầu tư và nhà thầu giờ đang loay hoay với việc bù lún. Mà bù được chỗ này thì lại lộ ra chỗ kia.
Nhưng điều đáng nói ở đây là thái độ của chủ đầu tư và ban quản lý. Hôm qua, trả lời trên Báo Thanh Niên, Giám đốc Ban Quản lý đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn nói “những vị trí bù lún không có vi phạm về chất lượng công trình”; rằng “chỉ là sửa chữa thông thường để đảm bảo độ an toàn, êm thuận”. Nếu vẫn tiếp tục có cách nhìn và thái độ như thế này, e rằng câu chuyện chất lượng đoạn đường nhiều chục nghìn tỉ này còn lâu mới có thể được giải quyết.
Ông này nói “không vi phạm về chất lượng công trình”, có lẽ là vin vào chuyện công trình đã được hội đồng nghiệm thu cơ sở nghiệm thu về chất lượng (?). Về lý thuyết kiểm soát chất lượng công trình phải dựa vào 3 yếu tố: Kiểm soát con người (ai thi công, trang thiết bị như thế nào); Kiểm soát vật liệu đầu vào (đấu thầu giá thấp xong nhà thầu đưa vật liệu kém chất lượng vào thi công là chết cả đám) và cuối cùng là kiểm soát quy trình thực hiện công việc. Nhưng hiện nay việc kiểm soát chất lượng các công trình xây dựng nói chung, công trình giao thông nói riêng thường chỉ làm phần ngọn, tức là chỉ nghiệm thu khi công trình đã xong và kiểm tra khi có sự cố mà hoàn toàn không kiểm soát quá trình. Nên mới có chuyện, dù được cả cơ quan quản lý chất lượng của Bộ GTVT và Bộ Xây dựng đồng nghiệm thu thì mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vẫn rất phản chủ. Cũng may mà mặt đường “phản chủ” ngay trong thời gian chưa hết bảo hành!
Có một vấn đề cho đến nay chưa thấy ai đặt câu hỏi, đó là tại sao các sự cố liên quan đến chất lượng, tiến độ công trình xây dựng nói chung, công trình giao thông nói riêng thường rơi vào các công trình sử dụng vốn nhà nước, với chủ đầu tư là cơ quan nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước mà ít gặp phải với công trình sử dụng vốn tư nhân?
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là đầu tư công, do một doanh nghiệp nhà nước (Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN - VEC) làm chủ đầu tư. Đây cũng là “ông chủ” của một số công trình đường từng gặp nhiều sự cố về chất lượng như cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình… Đây là mô hình chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước, được quyền quản lý và sử dụng vốn nhà nước (đầu tư công) để làm các công trình hạ tầng sau đó đưa vào vận hành mà không rõ ai là người chịu trách nhiệm tiếp sau.
Đầu tư công đang được quản lý theo một quy trình có quá nhiều ban bệ kiểm soát, nhưng khi có sự cố không tìm được ra người chịu trách nhiệm; Khác hẳn với mô hình đầu tư PPP, nhà đầu tư tư nhân bỏ tiền xây dựng và chịu trách nhiệm đến cùng về chất lượng công trình.
Từ câu chuyện chất lượng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nên nghĩ đến việc lớn hơn, đó là đổi mới đầu tư công: Chủ đầu tư phải tồn tại như pháp nhân độc lập, chịu trách nhiệm suốt quá trình tuổi thọ công trình. Đừng để tình trạng chủ đầu tư quyết toán xong là hết trách nhiệm, người dân thụ hưởng và ngân sách sau đó sẽ phải gánh chịu một công trình kém chất lượng ngay từ lúc thi công như đoạn tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.