Còn nhớ năm 2010, khi đại án tham nhũng tại Vinashin nổ ra, dư luận đã rất bức xúc với việc từng có hơn 10 đoàn thanh tra nội bộ, Kiểm toán Nhà nước làm việc tại Vinashin, Vinalines trước đó không hề phát hiện sai phạm nào, cho đến khi cơ quan điều tra vào cuộc.
Tại diễn đàn Quốc hội (QH) khi đó, các đại biểu cũng từng chất vấn về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước, trách nhiệm của người đứng đầu thế nào khi để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, kéo dài như vậy. Tất nhiên câu hỏi cũng chính là câu trả lời.
Bởi vì 7 năm sau, báo cáo của Ủy ban Tư pháp QH hôm 6.11 tiếp tục đánh giá: tình hình tham nhũng còn rất nghiêm trọng, việc tự phát hiện tham nhũng qua thanh tra, kiểm tra vẫn là khâu rất yếu, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. “Cá biệt có địa phương qua hoạt động thanh tra kiến nghị xử lý 971 người thì có đến 940 người được “phê bình nghiêm khắc”, “kiểm điểm rút kinh nghiệm”, Ủy ban Tư pháp tổng kết.
Từ trước đến giờ, các báo cáo về phòng chống tham nhũng luôn có chung nhận định: tình hình tham nhũng tiếp tục diễn ra phức tạp, thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, án tham nhũng sau thường lớn hơn án tham nhũng trước. Phải chăng tình hình này là hệ quả của việc “rất ít cơ quan, tổ chức tự phát hiện ra tham nhũng trong nội bộ”? Đây là điều cần làm rõ.
Khi được hỏi, thấy gì về việc Hà Nội và TP.HCM báo cáo: qua “đấu tranh nội bộ” năm 2016, thanh tra chưa tự phát hiện bất kỳ dấu hiệu tham nhũng nào, một cựu bộ trưởng cười bảo: đó chính là sự phức tạp của cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Ông nói, nó cho thấy tham nhũng ngày càng tinh vi, câu kết chằng chịt, tạo thành những lợi ích nhóm, mỗi thành viên trong đường dây đều che chắn cho nhau, biến hóa nhào nặn số liệu cho phù hợp nên rất khó phát hiện. Rằng, “chẳng địa phương nào muốn vạch áo cho người xem lưng, vì thế có thể khi phát hiện ra người ta chỉ xử lý nội bộ, không làm to chuyện”.
Nhiều đại biểu QH cảm thấy bế tắc trước tình cảnh này. Tuy nhiên, dường như mọi người quên rằng, Bộ Chính trị vào tháng 12.2015 đã ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh: “Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng”.
Vậy thì, để nâng cao khả năng tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ (giải pháp chống tham nhũng hiệu quả nhất), chỉ cần chúng ta có một thái độ dứt khoát: nếu người đứng đầu không chủ động tự phát hiện tham nhũng, để đến khi cơ quan chức năng bên ngoài phát hiện thì phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Bình luận (0)