(iHay) Rau tập tàng gắn liền với bao thế hệ và đến nay, mớ rau đó ở một số vùng không phải có tiền là mua được.
>> Thèm canh rau đắng đất nấu cá rô
|
Rau tập tàng tập hợp hơn 10 loại rau cây nhà lá vườn theo đúng nghĩa hay nói rộng hơn là rau dại. Ở nhiều nơi, người ta gọi mớ rau đó là rau vặt, rau thập cẩm, nhưng quê tôi - Hà Tĩnh lại gọi bằng cái tên mà nhiều người nhận xét là “quê” hay “nỏ có ý nghĩa chi” – rau tập tàng.
Dường như định nghĩa của rau tập tàng đã ăn sâu vào tâm trí tôi từ ngày lên 4, lên 5. Ngày đó, chỉ thấy anh trai cầm chiếc rổ tre rồi đi khắp vườn, lúc sau thấy anh mang về một mớ rau đủ các thể loại. Ngây ngô hỏi anh: “Rau chi rứa ạ?”, anh nói: “Rau tập tàng chứ rau chi nựa”. Thế là từ đó, đi đâu, ai hỏi thích ăn gì nhất là cứ nói “rau tập tàng”.
Muốn nồi canh rau tập tàng ngon thì phải tính đến số lượng rau, càng nhiều loại càng tốt. Từ những cây rau quen thuộc như rau muống, rau lang, rau mồng tơi, rau dền đất, rau ngót đến loại rau thơm như tía tô, lá lốt, mùi gai. Thế nhưng chừng ấy chưa đủ, phải kể thêm lá hẹ, lá hành tăm (lá của củ nén), rau sam. Vào mùa tháng 3 thì có thêm lá ớt, lá cây mã đề. Đặc biệt, tôi vẫn nhớ nhất rau “tàu bay”- lá to, mềm, mà giờ nói đến chắc hẳn chỉ có các thế hệ ông bà trước đây mới nhớ.
Đâu chỉ dừng lại ở các loại rau mà rổ rau tập tàng còn được làm đẹp bởi các loại hoa như hoa bầu, hoa thiên lí.
Như vậy, một nồi canh rau tập tàng đã có tới tầm 15 loại rau. Tôi xin cá rằng trong vô số món ăn đặc sản ngày nay, không có món canh nào có thể địch được số lượng loại rau trong bát canh tập tàng.
|
Nồi canh tập tàng vừa dễ nấu lại rất đưa cơm vào ngày hè. Mà nếu bữa cơm canh rau tập tàng không có bát cà pháo thì “nhạt nhẽo” hẳn.
Dân gian có câu: “Anh đi anh nhớ quê nhà/nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương”. Tôi thường đùa với bạn bè cùng quê rằng phải “chỉnh” lại câu này thành “nhớ canh tập tàng nhớ cà pháo ngon” mới phải. Đấy là đùa, chứ cái hồn quê thắm đượm trong từng món ăn thân thuộc ấy chẳng cần nói đến thì ai cũng nhớ, cũng thương.
Sống ở thành phố, có biết bao cao lương mĩ vị chúng ta được thưởng thức nhưng sao sánh bằng bát canh rau tập tàng ngày xưa mẹ nấu. Mà lạ thiệt, hôm nọ tôi vào một nhà hàng, người ta cũng nấu canh tập tàng (họ gọi là rau vặt) nhưng sao tôi không cảm nhận được cái vị thơm, ngọt của rau vậy. Sực nhớ ra rau tập tàng chỉ có ở vườn quê, thậm chí là ở quanh bờ, quanh bụi thì mới đúng là rau tập tàng “xịn”.
Ngày nay, ở chỗ tôi, bát rau tập tàng được “làm sang” hơn với tôm hay nghêu biển. Chỉ cần luộc nghêu lấy nước rồi cho rau vào, đun lửa lớn, vậy là nồi canh rau tập tàng thơm phức đã sẵn sàng đãi khách.
Tự nhủ lòng mình, ngày mai về thăm nhà để được ăn một bữa cơm canh rau tập tàng cho thỏa nỗi nhớ quê hương.
Tuệ Minh
>> Ngọt thanh món canh cá thóc
>> Những món canh bổ dưỡng cho người cao huyết áp
>> Ở đâu bán món “canh gà Thọ Xương”?
Bình luận (0)