(TNO) Lithuania đã gia nhập khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) của Liên minh châu Âu (EU), trong một động thái nhằm “thoát khỏi sức ảnh hưởng của Nga”. Moscow lập tức đạt thỏa thuận đưa Armenia gia nhập Liên minh Kinh tế Á – Âu (EEU), theo The Moscow Times.
Ông Putin cùng các thành viên EEU - Ảnh: Reuters
|
Armenia đã chính thức gia nhập Liên minh Kinh tế Á – Âu, một tổ chức do Nga dẫn đầu vào ngày 2.1. Sự việc diễn ra chỉ một ngày sau khi Lithuania từ bỏ đồng lita để làm thành viên thứ 19 của gia đình xài cùng đồng euro của EU.
EEU là tổ chức đã có 3 thành viên là Nga, Belarus và Kazakhstan. Theo dự kiến, Kyrgyzstan cũng sẽ gia nhập EEU trong tháng 1 này.
Chọn một con đường
Cả Lithuania lẫn Armenia đều hiểu rằng sự lựa chọn của họ ảnh hưởng trực tiếp đến tham vọng kinh tế trong năm 2015 và về sau. Tuy nhiên có thể thấy, xu thế này là tất yếu, phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của họ.
Với việc gia nhập EEU, Armenia sẽ có nhiệm vụ chuyển đổi hệ thống thuế quan phù hợp với các nước còn lại trong nhóm, với hạn chót hoàn tất công việc vào năm 2022, theo The Moscow Times.
Nền kinh tế Armenia phụ thuộc nhiều vào Nga, khi Moscow là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vừa là đối tác thương mại. Lực lượng lao động nhập cư Armenia tại Nga cũng đóng góp kiều hối đáng kể cho nước này.
Đồng euro đầu tiên rút ra từ Lithuania - Ảnh: Reuters
|
Về mặt chính trị, Armenia đã quan hệ gần gũi với Nga để chống lại các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan. Armenia và Azerbaijan vướng vào một cuộc tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Nagorno - Karabakh và các huyện lân cận trong nhiều thập kỷ. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan đều phong tỏa kinh tế Armenia.
Về phần Lithuania, việc gia nhập EU và xài đồng euro được xem là phương án tối ưu cho kinh tế và chính trị của họ. Theo The Moscow Times, chính phủ Lithuania hy vọng rằng thương mại của nước này sẽ khởi sắc, và chi phí đi vay vốn sẽ giảm để giúp họ phục hồi từ đợt khủng hoảng năm 2009.
Ngoài ra, khi được hỏi về lợi ích của việc gia nhập khu vực đồng euro, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Lithuania Vitas Vasiliauskas cho rằng việc chơi với EU cũng là cách mà họ - một nước thuộc vùng Baltic, cảm thấy yên tâm hơn về địa chính trị.
Vụ việc được Reuters cho rằng liên quan đến “sự sợ hãi” của Lithuania về viễn cảnh giống như Crimea – vùng bán đảo đã tách khỏi Ukraine để sáp nhập Nga. Một bộ phận dân tộc ở Lithuania là người Nga, nên họ lo tương lai có thể là “một Ukraine tiếp theo”.
EEU đấu với EU
Bản thân tờ báo Nga The Moscow Times cũng thừa nhận EEU do Nga dẫn đầu đặt mục tiêu làm đối trọng với EU. Và như vậy, cách Lithuania “đánh nước cờ cuối” cũng cho thấy Nga thực sự mất mát.
Tổng thống Nga Putin (phải) sẽ dùng EEU đấu với EU? - Ảnh: Reuters
|
The New York Times của Mỹ hôm 30.12.2014 cho rằng để chuyển đổi sang đồng euro, Lithuania sẽ tốn khoảng 600 triệu euro. Số tiền này là khoản đóng góp cho ngân sách EU đến năm 2020 – một gánh nặng. Nhưng như đã nói, Lithuania cho rằng việc “thoát khỏi” Nga mới là ưu tiên về mặt an toàn chính trị.
The Moscow Times ngày 29.3.2014 có bài viết khẳng định rằng, trong mắt Nga, EEU là “chính trị” chứ không hẳn là “kinh tế” đơn thuần.
Điều này phù hợp với việc Nga đang phải chịu lệnh trừng phạt của EU sau vụ sáp nhập Crimea, bị cáo buộc gây bất ổn tại Ukraine. The Moscow Times cũng nói rằng trong lúc Ukraine đang “chạy về phía Tây”, Nga làm mọi cách để bứt khỏi ảnh hưởng của EU bằng việc hướng về phía đông.
Trong cuộc chơi EEU – EU, Nga đã thành công khi kết nạp được Armenia và sau đó sẽ là Kyrgyzstan. Từng có cơ hội vào EU, nhưng Armenia quay lưng sau khi Nga đề nghị gói cung cấp chỉ từ 170 đến 180 USD cho mỗi 1.000 mét khối nhập khẩu khí đốt tự nhiên, vốn hết sức quan trọng với Armenia.
Hai sự kiện trong khu vực châu Âu vào đầu năm đã vẽ ra một khung cảnh mới cho năm 2015 hứa hẹn nhiều biến động.
Bình luận (0)