Mất máy bay nhưng còn hợp tác

26/11/2015 10:22 GMT+7

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24, Nga cảnh báo sẽ có hành động đáp trả. Nhưng liệu Nga có mạnh dạn từ bỏ những lợi ích từ sự hợp tác năng lượng với Thổ Nhĩ Kỳ?

Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24, Nga cảnh báo sẽ có hành động đáp trả. Nhưng liệu Nga có mạnh dạn từ bỏ những lợi ích từ sự hợp tác năng lượng với Thổ Nhĩ Kỳ?

Sự hợp tác về năng lượng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ được duy trì - Ảnh: ReutersSự hợp tác về năng lượng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sẽ được duy trì - Ảnh: Reuters
“Cú đâm từ sau lưng”
Vụ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga ngày 24.11 có thể được coi là hệ quả tất yếu của một thời gian dài căng thẳng và xung đột giữa 2 nước. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên tích cực nhất của khối NATO phản đối chính quyền Bashar al-Assad tại Syria, trong khi đó Nga lại ủng hộ Tổng thống Syria. Và trong thời gian Nga thực hiện chiến dịch không kích IS tại Syria, Thổ Nhĩ Kỳ luôn lớn tiếng tuyên bố sẽ bắn hạ bất cứ máy bay Nga nào vượt qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong vụ việc ngày 24.11, Ankara đã trình bày với Liên Hiệp Quốc rằng đã hơn 10 lần cảnh báo 2 máy bay ném bom Nga trong 5 phút trước khi bắn hạ một chiếc. Một phi công trên chiếc Su-24 sau khi nhảy dù ra ngoài được cho là đã bị các tay súng nổi dậy Turkmen tại miền bắc Syria bắn chết; người còn lại đã được giải cứu và trở về căn cứ không quân Nga tại Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin lập tức lên tiếng, coi hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là “cú đâm sau lưng” và hàm ý rằng Ankara ủng hộ cho IS. “Từ lâu chúng tôi đã theo dõi thấy một lượng lớn dầu mỏ và các sản phẩm liên quan chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ từ lãnh thổ mà IS xâm chiếm được. Điều này là bằng chứng cho thấy nguồn gốc của một nguồn tiền lớn mà khủng bố đang nhận được”, đài RT dẫn lời Tổng thống Putin nói ngày 24.11.
Chuyên san Foreign Policy ngày 24.11 dẫn lời cố vấn cấp cao Emre Tuncalp của hãng đánh giá rủi ro Sidar Global Advisors cho rằng lời lẽ của tổng thống Nga thực sự là một đòn đau đối với Thổ Nhĩ Kỳ, và do đó, dự án đường ống khí đốt mà 2 nước đang thực hiện có nguy cơ bị ảnh hưởng, ít nhất là trong ngắn hạn.
Đối tác khó bỏ
Tổng thống Putin đã nói rằng hành động của Ankara sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng, dù một năm trước đó, chính ông Putin đến Thổ Nhĩ Kỳ để bàn về triển vọng 2 nước trở thành đối tác chiến lược.
Tuy nhiên, sau những tuyên bố mạnh mẽ của tổng thống Nga, nhiều khả năng hai nước sẽ vẫn giữ mối quan hệ làm ăn với nhau, dù giấc mơ về việc trở thành đối tác chiến lược có thể đã bị tiêu tan cùng chiếc máy bay bị rơi ngày 24.11.
Khoảng 60% nguồn cung khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Nga - Ảnh: ReutersKhoảng 60% nguồn cung khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ đến từ Nga - Ảnh: Reuters
60% lượng khí đốt Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu là từ Nga và Moscow không thể dễ dàng từ bỏ thị trường béo bở này, đặc biệt giữa lúc giá dầu thấp đã ảnh hưởng đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của nước này.
Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cũng là mục tiêu chiến lược mà Nga nhắm đến. Tháng 12.2014, Nga quyết định từ bỏ dự án South Stream trị giá 40 tỉ USD, cung cấp khí đốt cho châu Âu qua ngả Bulgaria. Thay vào đó, Nga tiến hành đàm phán để xây dựng đường ống trị giá 12 tỉ USD cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ rồi dẫn sang châu Âu. Vậy nên không dễ gì Moscow chấp nhận quay lưng với Ankara.
Foreign Policy dẫn lời chuyên gia Sijbren de Jong, phụ trách các vấn đề về mối quan hệ châu Âu-Nga tại Trung tâm Hague về nghiên cứu chiến lược (Hà Lan), nhận định ngoài Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ là địa điểm chiến lược duy nhất mà Nga đang hướng đến. Chuyên gia này không cho rằng Nga sẽ bỏ đi mối quan hệ hợp tác về năng lượng này.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nước này thật sự không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm ăn với Nga, dù mới tháng trước, Ankara đe dọa “nghỉ chơi” với Nga vì nước này tiến hành không kích phe nổi dậy tại Syria và xâm phạm không phận của họ. Nhu cầu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng  và Nga là một trong vài nước có thể đáp ứng, ít nhất là trong ngắn hạn. Hơn nữa, Nga cũng đang tài trợ và giúp xây dựng nhà máy điện hạt nhân 20 tỉ USD tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak ngày 24.11 nói rằng, sự hợp tác về năng lượng giữa 2 nước sẽ không bị đe dọa sau vụ bắn rơi máy bay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.