Về nhà đón Tết, câu đầu tiên tôi hỏi mẹ bao giờ cũng là: "nhà mình đã mua mật mía chưa?". Hỏi, dù chắc hẳn trong lòng rằng hũ mật mía bao giờ cũng được mẹ chuẩn bị từ 23 Tết, cho món chè mật đưa ông Táo lên chầu.
Trong ký ức của tôi, từ hồi lâu lắc đã luôn thấy những hàng mật mía bày la liệt trong những phiên chợ Tết quê. Mật để nấu chè với nếp và gừng tươi, nấu bánh nhòe, chấm bánh chưng... Mẹ đi chợ xách thêm chiếc can nhựa be bé để mua mật. Hết hàng này đến hàng khác, các cô bán hàng đon đả mời khách, khoe hàng mật của mình ngon bằng cách xúc từng thìa mật rót xuống để khách kiểm tra độ sánh quyện của dòng mật chảy vàng. Giữa màu của những trái bưởi vườn nhà vàng ươm, tím mọng của những cây mía tím mập mạp, xanh mướt của những nải chuối cẩn thận xếp trong mẹt tre, mùi ấm áp của túm mùi già lớt phớt hoa, mùi trầm hương thơm ngát, tôi cứ thích đứng mãi ở hàng mật, ngắm mê mải những dòng mật óng ánh như nắng cuối ngày tuôn chảy trong không gian đượm mùi ngào ngọt. Ấy là màu của Tết, mùi của Tết, tôi đã từng nghĩ vậy.
Có một dạo, mẹ định "cắt giảm" món chè mật mía nấu ngày 23 tháng chạp, nhưng tôi nhất quyết phản đối. Kỳ thực mẹ nấu cả nồi chè, múc ra mấy bát đặt lên ban thờ ông Táo, còn lại tôi cũng chỉ ăn mấy miếng rồi kêu ngán. Nhưng thói quen háo hức chờ mẹ nấu chè mỗi năm đã trở thành xúc cảm không thể bỏ. Thành thử, nấu không phải để ăn, là để nhớ mới đúng.
Nếp thơm và dẻo, nấu lên thành cháo sánh, rồi sau đó từ từ châm mật mía vào cho đến khi nồi cháo chuyển màu hổ phách hấp dẫn. Trước khi bắc xuống khỏi bếp thì rắc thêm vài lát gừng tươi cay nồng thơm nức. Ấy là cháo chè, mà tôi thường thích gọi là chè mật. Bao năm xa nhà, ngày 23 Tết vẫn tất bật chuyện tiền bạc áo cơm, nhưng nhìn thấy người ta tấp nập lựa cá vàng ngoài chợ, tôi vẫn nhớ ngay tới món chè của mẹ. Bùi ngùi, thèm lại một lần như hồi bé, chờ hương tàn đi thả cá dưới sông rồi háo hức quay về với bát chè sóng sánh thơm đượm mùi mật mía, gừng tươi đã được múc sẵn chờ tôi.
23 nấu chè, quãng 28-29 Tết mẹ sẽ nấu bánh nhòe, thứ bánh gần giống như bánh trôi nước nhưng được đảo trong mật mía chứ không phải nước đường gừng. Chị em tôi phụ trách phần nặn bánh, trong là nhân đỗ xanh, ngoài thì nặn thành đủ thứ hình thù có thể: hình cây nấm, chiếc lá, bông hoa... đĩa bánh nghịch ngợm của trẻ con ấy được trút vào nồi mật đang sôi có thả thêm vài lát gừng tươi. Lớp bột áo trắng tinh nhanh chóng nhuộm sắc vàng nâu của mật, quyến rũ đến phát thèm. Mẹ múc bánh vào bát nhỏ, trong có vài viên bánh và chan thêm chút mật. Lũ chúng tôi cứ thế hít hà, mùi Tết, vị Tết đong đầy trong lòng tay, trong cánh mũi nhỏ nhắn phập phồng.
Trong mấy ngày Tết, hũ mật sẽ được để ở nơi dễ nhìn nhất trong căn bếp nhỏ. Mẹ bóc bánh chưng, tôi sẽ nhanh chân đi rót một bát mật đầy. Mật để chấm bánh chưng. Người ta thường ăn bánh chưng kèm dưa món, củ kiệu, nhưng với tôi bánh chưng chấm mật mới là nhất. Miếng bánh xanh mướt chấm vào mật vàng sóng sánh, cả một mùa xuân ngọt ngào chầm chậm tan ra trong miệng.
Ngày Tết có mật trong nhà, có lẽ là thói quen của nhiều vùng ở miền Trung. Người Nghệ An, Hà Tĩnh còn làm bò kho mật mía, cá kho mật mía, dân quê tôi chỉ dùng mật trong món ngọt. Nhiều bạn bè tôi chẳng biết mật mía là gì, cứ dặn dò ra tết mang theo vài chai ăn thử. Mật của mía, mật của trời, ấy là mật của mùa xuân.
Tịnh Tâm
Bình luận (0)