Tại vòng chung kết cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo công nghệ (R&D to Start-up) 2024, nhóm học sinh đến từ Trường THPT Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã khiến cộng đồng khởi nghiệp ngạc nhiên với dự án "Mặt nạ dưỡng da chiết xuất từ rau má và rau diếp cá". Sản phẩm không chỉ mang tính sáng tạo mà còn thể hiện tình yêu đối với thiên nhiên và văn hóa địa phương.
Nhóm đã xuất sắc vượt qua hàng trăm đối thủ trên cả nước, giành giải cao nhất ở bảng THPT. Giải thưởng này không chỉ ghi dấu sự nỗ lực vượt khó của nhóm mà còn khẳng định tài năng của học sinh Hậu Giang trên bản đồ khởi nghiệp quốc gia.
Trần Bích Nhật, đại diện nhóm chia sẻ với PV Thanh Niên: "Trong giai đoạn tuổi dậy thì, chúng em gặp nhiều vấn đề về mụn trên da, tình trạng này khiến chúng em tự ti trước đám đông. Sau nhiều lần thử nghiệm và khám phá, chúng em nhận thấy công dụng của rau má và rau diếp cá trong việc chăm sóc da. Tại sao chúng ta không kết hợp cả hai loại rau này lại để tạo ra một loại mặt nạ an toàn, tiện lợi và hiệu quả?"
Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Trương Thị Bích Liên, nhóm bắt đầu nghiên cứu, kết hợp nguyên liệu và đề ra kế hoạch sản xuất. Tuy nhiên, hành trình để biến ý tưởng thành thực tế không hề dễ dàng. "Chúng em đã gặp nhiều khó khăn trong việc kết hợp nguyên liệu và lấy tinh chất hiệu quả nhất. Sau nhiều lần thất bại, nhóm mới tìm ra cách khắc phục", Nhật cho biết.
Mặt nạ của nhóm được chế biến từ 100% nguyên liệu thiên nhiên, không chứa chất hóa học bảo quản. Thay vào đó, nhóm sử dụng tinh chất hương thảo làm chất bảo quản tự nhiên. Rau má và rau diếp cá được kết hợp nhờ các tác dụng nổi bật như giảm mụn, tái tạo da, mờ thâm và cung cấp độ ẩm. Nhóm còn áp dụng các kiến thức hóa học và sinh học trong quy trình sản xuất, tái chế bã rau thành phân bón hữu cơ để bảo vệ môi trường.
Việc giành giải cao nhất tại cuộc thi đã mở ra nhiều cơ hội cho nhóm. Nhóm sẽ được tham gia các sự kiện quốc tế và trải nghiệm tại Singapore hoặc Hồng Kông. "Chúng em rất tự hào khi có cơ hội đại diện Hậu Giang và Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Đây là bước đà cho những kế hoạch phát triển lâu dài", nữ sinh chia sẻ.
Chia sẻ về ý nghĩa cuộc thi, ông Lê Đình Lực, CEO hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English, đơn vị tài trợ cho cuộc thi, cho biết: "Những cuộc thi như R&D to Start-up 2024 rất cần thiết cho những bạn trẻ có đam mê khởi nghiệp. Không chỉ là sân chơi tạo môi trường để các bạn trẻ giao lưu, học hỏi kiến thức thực tế mà còn tạo điều kiện để những ý tưởng của các bạn trở nên "cứng cáp" hơn, góp phần đáp ứng được các đòi hỏi gắt gao của hành trình Startup thú vị nhưng cũng không kém phần chông gai này".
Với kinh nghiệm sau 7 năm khởi nghiệp và là sáng lập viên một startup về edtech, được định giá 25 triệu USD, ông Lực nhận định rằng trí tuệ Việt nói chung và giới trẻ Việt nói riêng hoàn toàn có thể cạnh tranh với bạn bè quốc tế trong khía cạnh khởi nghiệp.
PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết chung kết cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo công nghệ - RnD to Startup 2024 là một sự kiện thường niên từ năm 2020 do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
"Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, đổi mới được coi là chìa khóa vượt qua thách thức và tạo ra cơ hội mới. Các ý tưởng và dự án trình bày trong chung kết cuộc thi năm nay không chỉ là bài dự thi, mà còn là những hạt giống khởi nghiệp tiềm năng cho tương lai, góp phần phát triển các ngành công nghiệp của đất nước", ông Sơn nói.
Bình luận (0)