Mật nghị chọn giáo hoàng bắt đầu

13/03/2013 03:20 GMT+7

Ngày 12.3, các hồng y đủ tiêu chuẩn chính thức bước vào thời gian cấm túc nghiêm ngặt để chọn ra lãnh đạo mới cho Giáo hội Công giáo.

Đúng 7 giờ sáng (giờ địa phương), 115 hồng y dưới 80 tuổi tập trung tại nhà nghỉ Sanctae Marthae, cách nơi diễn ra mật nghị là nhà nguyện Sistine vài trăm mét, theo Đài Radio Vaticana. Trước đây, các hồng y phải ở tạm trong những phòng “dã chiến” tại các bảo tàng của Vatican, được ngăn bằng màn, không có nhà vệ sinh riêng, cũng không gắn máy điều hòa. Trong kỳ mật nghị vào tháng 8.1978, cái nóng mùa hè của miền nam châu u đã khiến nhiều vị vô cùng mệt mỏi. Do đó, Giáo hoàng John-Paul II quyết định cho xây nhà nghỉ Sanctae Marthae từ năm 1996 để tạo điều kiện thoải mái hơn.

Mật nghị chọn giáo hoàng bắt đầu
Các hồng y cầu nguyện lần cuối trước khi cấm túc - Ảnh: Reuters

Nhà nghỉ có hơn 120 phòng được thiết kế khá giản dị với giường đơn, bàn làm việc và phòng tắm. Các hồng y phải bốc thăm để việc chia phòng được công bằng, đồng thời tránh việc những vị của cùng một quốc gia ở kế nhau. Riêng phòng đánh số 201 sẽ dành cho tân giáo hoàng trong lúc đợi Điện Tông tòa sơn sửa và trang hoàng lại. Mỗi buổi sáng, các hồng y sẽ đi bộ hoặc dùng xe buýt nội bộ để đến điện Sistine.

Sau khi bắt đầu mật nghị, các hồng y phải tuyên thệ giữ bí mật tuyệt đối, không liên lạc với người ngoài. Nhật báo, truyền hình và radio cũng bị cấm. Các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính sẽ không thể kết nối được vì Vatican đã cho lắp đặt hệ thống phá sóng ở nhà nghỉ Sanctae Marthae, nhà nguyện Sistine. Thậm chí, đoạn đường giữa 2 nơi này cũng có xe phá sóng túc trực.  

Mật nghị chọn giáo hoàng bắt đầu 1
Phòng mật nghị trong nhà nguyện Sistine - Ảnh: AFP

Khóa trái cửa

 

Ăn theo mật nghị

Nhiều dịch vụ tại thủ đô Rome của Ý đang ăn nên làm ra nhờ tận dụng sự kiện Giáo hoàng Benedict XVI thoái vị và mật nghị hồng y để bầu người kế vị ông. Công ty Go2mkt nhanh tay tung ra ứng dụng Conclave Alert cho iPad với giá 1,16 USD để giúp người dùng cập nhật tin tức, theo dõi thông tin về các ứng viên và những câu chuyện bên lề, theo AFP. Các khách sạn ở Rome cũng nhân cơ hội tăng doanh thu trong bối cảnh kinh tế Ý đang khó khăn do khủng hoảng nợ công. Giá phòng xung quanh Vatican tăng đến 1.300 USD/đêm còn trên internet xuất hiện nhiều mẩu quảng cáo cho thuê phòng có ban công hướng ra Quảng trường Thánh Phê Rô, nơi kết quả mật nghị sẽ được công bố.  

Trọng Kha

Theo chuyên san Le Monde des Religions, mật nghị, tiếng Latin là cum clave (nghĩa là “khóa trái”) bắt đầu được áp dụng từ thế kỷ 13. Sau khi Giáo hoàng Clément IV qua đời năm 1268, các hồng y đã tranh luận trong gần 3 năm tại thành phố Viterbe, miền trung nước Ý, mà vẫn chưa chọn được người kế vị. Hết kiên nhẫn, người dân thành phố này quyết định khóa trái cửa, không cho các hồng y ra ngoài và họ chỉ được dùng bánh mì khô với nước lọc cho đến khi đạt được đồng thuận. Vài ngày sau, Giáo hoàng Gregoire X ra mắt công chúng. Sau đó, ông cho giữ lại quy định “khóa trái cửa” trong mỗi kỳ bầu chọn.

Trong căn phòng khóa trái của nhà nguyện Sistine, các hồng y sẽ được phát phiếu có đề dòng chữ “Tôi chọn… để trở thành giáo hoàng”. Sau khi điền tên người được chọn, từng “cử tri” sẽ tiến về phía bàn thờ của nhà nguyện, giơ cao lá phiếu đã được gấp đôi và lại tuyên thệ rồi bỏ phiếu. Ngày đầu tiên của mật nghị chỉ bỏ phiếu một lần và gần như chắc chắn sẽ không cho kết quả ngay mà chỉ mang tính “sàng lọc” những ứng viên nổi bật nhất. Những ngày sau đó, mỗi ngày sẽ có 2 đợt bỏ phiếu, mỗi đợt tối đa 2 lần. Cứ thế cho đến khi có hồng y nhận được 2/3 số phiếu bầu. Từ đầu thế kỷ 20 đến nay, không có kỳ mật nghị nào kéo dài quá 5 ngày. Lần này được dự đoán cũng sẽ cho kết quả sớm vì các hồng y đã có 10 buổi thảo luận trước đó. Ngoài ra, kéo dài thời gian dễ khiến dư luận đàm tiếu rằng nội bộ Giáo hội Công giáo không đoàn kết.

Sau mỗi đợt kiểm phiếu, các lá phiếu sẽ được đốt trong hệ thống lò sưởi thông với ống khói bên trên nhà nguyện Sistine. Khói trắng nghĩa là có giáo hoàng mới và ngược lại là khói đen. Trước đây, để có khói đen, phiếu sẽ được đốt cùng rơm ẩm. Tuy nhiên, cách làm này gây rắc rối vì màu sắc khói không rõ. Đặc biệt là vào năm 1978, rơm ẩm đã làm cả nhà nguyện Sistine bị “hun khói” và kể từ đó, Vatican cho trộn hóa chất để “an toàn” hơn và màu khói rõ ràng hơn. Tân giáo hoàng sẽ thay phục phẩm do hiệu may Gammarelli chuẩn bị sẵn và tiến về phía ban công để được giới thiệu trước công chúng. Trang phục của giáo hoàng sẽ được chuẩn bị sẵn với các kích cỡ nhỏ, vừa và lớn để phù hợp mọi thể trạng, trừ trường hợp Giáo hoàng John XXIII. Năm 1958, sau khi “đắc cử”, do có thân hình quá cao to, ông đã không thể... gài nút nên các tu sĩ phải lấy kim tây để tạm giữ, theo Le Monde des Religions. 

Nguyễn Ngọc Lan Chi

>> Những ứng viên sáng giá cho vị trí giáo hoàng
>> Thách thức cho tân giáo hoàng
>> Các ứng viên triển vọng cho ngôi Giáo hoàng
>> Các hồng y tề tựu về Rome chuẩn bị bầu Giáo hoàng mới
>> Cá cược về giáo hoàng mới
>> 6 điều về Mật nghị Hồng y bầu tân giáo hoàng
>> Giáo hoàng Benedict XVI từ biệt trong lặng lẽ
>> Giáo hoàng chính thức thoái vị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.