Theo người dân địa phương, việc khai thác cát tại 2 xã cù lao Long Khánh A và Long Thuận đã diễn ra từ 10 năm trước và tình trạng sạt lở cũng bắt đầu từ đó. Đến khoảng năm 2006, 2007 thì sạt lở xảy ra đồng loạt tại nhiều nơi, cuốn trôi nhiều mảnh đất trồng rẫy, hoa màu của người dân nằm ven sông Tiền. Khi đó, người dân phản ứng quyết liệt và kết quả là việc khai thác cát đã bị tạm ngưng. “Nhưng khoảng 2 tháng trở lại đây, nhiều xáng cạp, xáng gào dây lại vào đây tiếp tục khai thác cát, khiến bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng. Chúng tôi kéo lên UBND xã Long Khánh A phản ứng, thì họ ngưng được 1 ngày. 2 ngày sau họ tăng cường thêm 3 chiếc xáng tới khai thác cát cả ngày lẫn đêm”, người dân địa phương bức xúc nói.
|
Vòng quanh khu vực bờ sông qua các xã Long Khánh A và Long Thuận, đâu đâu chúng tôi cũng thấy dấu tích sạt lở. Con đường làng ven sông ở ấp Long Phước cũng bị lở bứt một đoạn, tạo hàm ếch sâu vào bên trong. “Cả khu vực này trước kia có tới 4-5 lớp nhà, với khoảng 400-500 hộ. Sạt lở riết dân phải dỡ nhà mà chạy, mồ mả cũng rớt xuống sông. Cả đình thần Long Khánh A cũng bị sạt lở tấn công phải dỡ bỏ 3 năm nay chưa có nơi xây cất lại", ông Phạm Văn Kiệp, Tổ trưởng tổ 14, ấp Long Hậu, xã Long Khánh A, nói.
Ông Phan Văn Chứa, một người dân cố cựu ở địa phương chỉ tay về phía bờ sông đối diện, than thở: “Người ta nói dòng sông bên lở, bên bồi. Còn ở đây, cả hai bên bờ sông đều bị sạt lở nặng. Bên này mất đất sản xuất, còn bên kia mất cả nhà, xóm làng xơ xác”.
Ông Nguyễn Văn Buôn, Phó phòng NN-PTNT huyện Hồng Ngự cho biết: "Các điểm khai thác cát này đều được tỉnh cấp phép. Đơn vị khai thác là Công ty TNHH một thành viên xây lắp và vật liệu xây dựng tỉnh Đồng Tháp. Sạt lở đất ven sông xảy ra thời gian gần đây ngoài tác động của nước lũ thì cũng có nguyên nhân do khai thác cát”.
Bài, ảnh: Bảo Vân
Bình luận (0)