Ông H.Q.Tùng (quê Đắk Lắk) kể: “Cách đây vài tháng do ăn mật ong rừng mà tôi đã bị một phen hú vía, may là chưa đến mức nặng phải nhập viện. Lần đó cũng đi “săn” mật ong rừng như mọi khi, theo thói quen tôi hay chấm nếm ăn thử. Chẳng biết có phải do không hợp với loại mật ong đó hay không mà vài tiếng sau về nhà tự nhiên mẩn đỏ nổi dày khắp người, cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu, mặt và chân tay bị sưng phù”.
Chị L.T.T. (Q.3, TP.HCM) cũng cho biết được một người bạn tặng mật ong rừng ở Cà Mau và có lấy pha với nước ấm uống, sau đó đã bị tiêu chảy.
Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Hội Dược liệu TP.HCM, thành phần mật ong có chứa hơn 70 chất khác nhau, chủ yếu là các chất đường gồm fructozơ 35%, glucozơ 35%, saccharozơ 7%, dextrin 3-4%. Ngoài ra còn có protid 0,3%, và nhiều loại axit, enzym, vitamin...
Mật ong được xem là vị thuốc quý nhưng có thể có chất độc nếu ong hút mật ở những cây hoa có độc như: cây mã tiền, xoan, cà độc dược... hoặc nhiều loại cây độc khác. Nhiều trường hợp uống mật ong gặp triệu chứng tiêu chảy là do dùng quá liều.
Kinh nghiệm chọn mật ong tốt - Mật ong có màu vàng nhạt hoặc nâu thẫm, mùi thơm đặc biệt, dễ chịu, vị ngọt, hơi khé cổ. Lương y Nguyễn Đức Nghĩa |
Tính chất mật ong thay đổi theo từng vùng, từng thời kỳ lấy mật và từng loại hoa, nên màu sắc có thể khác nhau. Về tính vị, theo đông y, mật ong có vị ngọt, tính bình, tác dụng trừ ho, tiêu đờm, nhuận tràng, chữa táo bón.
Từ thời cổ xưa, con người đã biết dùng mật ong để chữa các bệnh về phổi. Tuy có rất nhiều ví dụ chứng tỏ mật ong là thứ thuốc chữa bệnh lao phổi rất tốt, nhưng không nên vì thế mà quy cho mật ong có tính chất điều trị đặc hiệu đối với bệnh này.
Chỉ có thể khẳng định mật ong có tác dụng bổ toàn thân nên giúp cơ thể chống lại nhiễm lao; trị suy nhược thần kinh, ho khan, viêm họng; chữa táo bón...
Để bảo quản mật ong, nên đựng mật ong trong lọ có nút đậy kín vì mật ong dễ hút ẩm, sinh chua; để nơi thoáng mát, tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)