Nạn móc túi trên các tuyến xe buýt diễn ra từ lâu, mặc dù công an đã nhiều lần triệt phá, bắt nhiều nghi phạm nhưng tình trạng này vẫn tiếp diễn khiến nhiều người hằng ngày đi lại bằng xe buýt bất an.
4 thanh niên xuất hiện trước cửa lên xe buýt - Ảnh: Trác Rin - Công Nguyên
|
Thời gian gần đây, nhiều sinh viên, người dân đi lại trên các tuyến xe buýt 8, 19, 33, 601... hướng từ TP.Biên Hòa (Đồng Nai), ĐH Quốc gia TP.HCM, Khu du lịch (KDL) Suối Tiên về trung tâm TP.HCM thường xuyên bị mất điện thoại, ví tiền khi lên xe buýt tại trạm chờ dưới chân cầu bộ hành Suối Tiên (P.Linh Trung, Q.Thủ Đức).
Theo chỉ dẫn của tài xế xe buýt, những ngày cuối tháng 6 vừa qua, PV Thanh Niên có mặt tại đây để ghi nhận về tình trạng này.
7 thanh niên “cầm áo khoác”
Ngày 27.6, chúng tôi phát hiện một nhóm 7 thanh niên đều mặc áo thun, quần jeans, đi giày đen, trên tay cầm áo khoác xuất hiện tại trạm chờ xe buýt dưới chân cầu bộ hành Suối Tiên.
Bắt đầu chen lấn, dàn cảnh để móc túi
|
Lúc 10 giờ 40, xe buýt 601 (chạy tuyến Biên Hòa - Bến xe Miền Tây) ghé trạm đón, trả khách, lập tức đám đông chờ xe nhốn nháo chen lấn lên xe. Khi đó, tốp 3 thành viên của “nhóm cầm áo khoác” cũng chen theo, tên đi trước nhanh như chớp móc được điện thoại của một sinh viên rồi chuyền lại cho tên đi phía sau. Xe buýt bắt đầu lăn bánh thì cả 3 nhanh chân nhảy xuống.
“Kịch bản” của bọn chúng được diễn thản nhiên đến mức những người bên ngoài nhìn vào đều nghĩ chúng lên nhầm xe. Rồi cũng với “kịch bản” đó, khi xe buýt số 33 ghé trạm này chúng móc thêm được 1 điện thoại di động của một hành khách khác. Lúc này, “thành viên thứ 7” của chúng đi xe gắn máy trờ tới thu gom “chiến lợi phẩm” mang đi tiêu thụ.
Tên móc túi dùng áo khoác che tay móc túi |
Trưa 28.6, khi chúng tôi tiến hành ghi hình “nhóm cầm áo khoát” này thì bị phát hiện. Một phụ nữ bán nước tại đây, vì thấy chúng tôi đứng quá lâu và thường xuyên dõi mắt theo dõi hành động của băng móc túi nên người này đã đánh động. Lập tức, bọn chúng nhảy lên xe buýt số 7 (tuyến Suối Tiên - TP.Thủ Dầu Một) rời khỏi địa bàn. Tuy nhiên, chỉ chừng 20 phút sau thì băng nhóm này quay lại và tiếp tục hoạt động.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ trong buổi chiều 27 và ngày 28.6, băng móc túi này đã “thổi” được không ít tài sản của hành khách đi xe buýt.
Một người đàn ông mang ba lô, ẵm con nhỏ bị chúng móc điện thoại di động khi bước lên xe buýt 601; cô gái đi chơi trong KDL Suối Tiên vừa ra và leo lên buýt tuyến số 7 để về Bình Dương cũng bị móc điện thoại; một nam sinh viên vừa lên cửa trước xe buýt số 19 cũng bị móc ví tiền...
Sau khi móc túi trên xe buýt, các thanh niên lần lượt nhảy xuống xe
|
Qua tìm hiểu, các thanh niên trong băng móc túi tại đây do đối tượng tên Kế cầm đầu. Băng nhóm này thuê phòng trọ gần ngã tư Bình Thung (TX.Dĩ An, Bình Dương) để ở và đi xe buýt qua Thủ Đức hoạt động.
Bắt quả tang
Chiều 28.6, trong lúc chúng tôi đang theo dõi 4 thành viên trong “nhóm cầm áo khoác” tại trạm chờ xe buýt dưới chân cầu bộ hành Suối Tiên, thì chứng kiến Công an P.Linh Trung (Q.Thủ Đức) mật phục và bắt quả tang một thành viên của nhóm này móc điện thoại của một nam sinh viên. Thấy đồng phạm bị bắt, 3 thành viên còn lại nhanh chóng bỏ trốn.
Kế (tên đội mũ vải trắng, mặc áo thun trắng đã bị bắt) cùng đồng phạm đang đứng quan sát tìm “con mồi”
|
Tại cơ quan công an, tên móc túi bị bắt quả tang được xác định là Nguyễn Kế (23 tuổi, quê H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) - đối tượng chính mà chúng tôi đã nghi vấn là kẻ cầm đầu trong những ngày trực tiếp theo dõi. Bước đầu, Kế đã thừa nhận hành vi móc túi và khai nhận thuê nhà tại Bình Dương ở, rồi bắt xe qua Thủ Đức để móc túi người lên xuống xe buýt, đúng như chúng tôi đã dự đoán.
Ngày 30.6, chúng tôi đã tiếp xúc với Đội CSĐT tội phạm về TTXH, Công an Q.Thủ Đức để cung cấp hình ảnh Kế và đồng phạm, nhằm giúp cơ quan công an nhanh chóng triệt phá toàn bộ băng nhóm. Lãnh đạo Đội CSĐT tội phạm về TTXH cho biết đã ra lệnh tạm giam Nguyễn Kế và đang khẩn trương lập hồ sơ, tiếp tục truy bắt những đối tượng còn lại.
Cũng theo vị lãnh đạo này, băng nhóm của Kế cho người cảnh giới xung quanh trạm chờ xe buýt, nếu phát hiện có ai nghi vấn (công an, trinh sát, nhà báo...) thì bọn chúng tạm dừng hoạt động. Đa phần nạn nhân sau khi lên xe đi một lúc hoặc về tới nhà mới phát hiện mình bị mất tài sản, do vậy không ai nhớ chính xác mình mất khi nào và ở đâu nên không trình báo công an.
Băng nhóm móc túi tại chân cầu bộ hành Suối Tiên bị Công an Q.Thủ Đức bắt giữ
|
Trước đó vào đầu tháng 4.2015, cũng tại trạm xe buýt dưới chân cầu bộ hành Suối Tiên, các trinh sát hình sự Công an Q.Thủ Đức bắt quả tang một băng nhóm gồm 5 đối tượng phối hợp móc túi các sinh viên lên xuống xe buýt, gồm: Nguyễn Tấn Hiếu, Nguyễn Công, Nguyễn Văn Thế (cùng quê Quảng Ngãi), Võ Văn Trình (quê Thừa Thiên-Huế) và Nguyễn Thanh Vũ (quê Đồng Nai). Băng móc túi này do Hiếu cầm đầu, trung bình mỗi ngày thực hiện trót lọt từ 3 - 5 vụ.
Nhiều tài xế xe buýt bị đe dọa Là tài xế xe buýt trực tiếp giật lại chiếc điện thoại di động cho khách từ tay một tên móc túi, ông B. (45 tuổi) nhớ lại: “Một lần vào buổi trưa, tôi đứng ngay cửa xe thì phát hiện một thanh niên móc chiếc điện thoại của một nữ sinh viên. Tôi giật lại thì thằng móc túi chỉ và lớn tiếng đe dọa sẽ xử tôi”. “Hầu như tài xế, nhân viên bán vé xe nào cũng quá quen mặt các băng nhóm móc túi hành khách xe buýt nhưng không ai dám làm gì, vì bọn này rất manh động có thể đập phá xe hoặc tấn công người nếu ai đứng ra cản đường làm ăn của bọn chúng”, một tài xế xe buýt tâm sự. Thậm chí, chỉ vì nhắc hành khách “giữ tài sản cẩn thận khi bước lên xe buýt” tại trạm Suối Tiên mà anh Đ. (nhân viên bán vé xe buýt số 7 tuyến Suối Tiên - TX.Thủ Đầu Một) đã bị băng nhóm móc túi chỉ thẳng vào mặt dọa “coi chừng mất mạng đó”. |
Bình luận (0)