Chuyện là trước nay nhiều nông dân thích sản xuất lúa chất lượng thấp nhưng năng suất cao để có thể bù được giá. Song qua nhiều vụ, nhiều năm họ phải khổ sở trong khâu tiêu thụ do doanh nghiệp (DN) chỉ chuộng gạo chất lượng cao (CLC). Khi DN và ngành nông nghiệp đều hô hào, kêu gọi “nông dân phải trồng lúa CLC” thì vụ đông xuân vừa rồi bà con nông dân chuyển sang sản xuất lúa CLC. Nhiều địa phương như Kiên Giang, Đồng Tháp... diện tích trồng lúa CLC chiếm đến 60 - 70%. Nhưng rồi lúa làm ra vẫn khó tiêu thụ vì theo các DN là chưa có đầu ra, bất kể chính sách thu mua tạm trữ.
Vậy mà mới đây tại Cần Thơ, đại diện Cục trồng trọt tiếp tục khuyến cáo “nông dân nên đẩy mạnh sản xuất lúa CLC, hạn chế đến mức thấp nhất diện tích lúa IR 50404”. Nhiều người tỏ ra hoài nghi về cơ sở để ngành nông nghiệp đưa ra khuyến cáo trên. Chuyện hoài nghi cũng hoàn toàn có lý khi mà bài học lúa CLC khó tiêu thụ đang diễn ra trước mắt.
Trước nay người nông dân bị đổ lỗi là không làm theo khuyến cáo của ngành chức năng nên bị bí đầu ra. Nay thì chẳng biết ngành chức năng sẽ giải thích như thế nào về chuyện lúa CLC vẫn không có đầu ra. Vụ hè thu này người nông dân lại càng khó nghĩ, càng mất phương hướng khi mà ngay cả ngành chức năng cũng khuyến cáo sai.
Nhiều chuyên gia cho rằng, trước nay ngành nông nghiệp chỉ khuyến cáo theo dạng cảm tính: lúa chất lượng thấp bán không được thì trồng lúa CLC mà chưa có cơ sở từ việc nghiên cứu nhu cầu của thị trường nhập khẩu. Đó là nguyên nhân dẫn đến các khuyến cáo đều bị “trật nhịp” thị trường. Khi mà sản xuất chưa gắn được với nhu cầu thị trường thì chuyện thất bại cũng là điều khó tránh khỏi. Dự báo nhu cầu thị trường là một trong những mắt xích yếu kém lâu nay của ngành nông nghiệp chưa được khắc phục.
Chí Nhân
Bình luận (0)