Vậy thì câu nói vui “chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ phá rừng đến năm 2050” hoàn toàn có khả năng là một sự thật, chí ít là ở tỉnh Gia Lai.
Một sự thật đáng báo động: mất rừng.
tin liên quan
Bắt giam hai cán bộ kiểm lâm vì để mất rừngĐáng báo động hơn nữa là những nguyên nhân dẫn đến mất rừng nghe mà giật mình. Đó là những lý do liên quan đến trách nhiệm và sai phạm của chính các đơn vị quản lý rừng. Có chỗ thì để cháy rừng. Có chỗ thì bày trò lập chứng từ khống để “hô biến” ngân sách nuôi giữ rừng thành tiền túi, còn rừng chết, rừng cháy mặc kệ. Có chỗ nhắm mắt làm ngơ để đất rừng bị chiếm. Và cả chuyện lạ kỳ như chuyện nhân viên bảo vệ rừng thuê người đốn hạ nhiều cây để... chống lâm tặc phá rừng. Những tình trạng đó được gọi tên là quản lý lỏng lẻo.
Chúng ta đang có nghịch lý là chính lực lượng chức năng bảo vệ rừng lại là lực lượng làm mất hàng ngàn héc ta rừng. Thậm chí có đơn vị được giao quản lý 8.000 ha rừng thì đã để mất đến 2.500 ha, tức là mất gần 1/3 diện tích rừng được giao quản lý. Thế thì khác nào lực lượng giữ rừng cũng chính là lực lượng phá rừng, bán rừng?
Đã có những vụ phá rừng, mất rừng nghiêm trọng được báo chí phát hiện, phanh phui. Đã có những vụ án phá rừng được khởi tố, nhưng hơn cả năm trời cũng không có diễn biến gì mới hơn. Trong khi rừng vẫn cứ tiếp tục mất. Tình trạng đó được giải thích là do “sự việc rất phức tạp”.
Ừ thì cứ “buông lỏng”, cứ quanh co “sự việc rất phức tạp”, để cái ngày mà chúng ta đón nhận sự thật mất trắng rừng sẽ không bao xa nữa. Mà mất trắng rừng, thì không biết bao nhiêu chi phí để bù lại cho những thảm họa thiên tai như xói mòn, như lở đất, như lũ quét, lũ ống. Cái chúng ta gọi là lỗi buông lỏng quản lý rừng ấy thật ra là một thứ tội ác, không chỉ làm tổn thất kinh tế rừng, thất thoát ngân sách bảo vệ rừng, mà còn gây tai họa khôn lường cho cuộc sống của nhiều người. Liệu chúng ta có còn Tây nguyên núi rừng, hay sẽ có một Tây nguyên nhớ rừng?
Vẫn biết thực tế của cuộc chiến bảo vệ rừng không thiếu những điều phức tạp, nhưng đó phải là những phức tạp gây ra bởi điều kiện hoàn cảnh tác nghiệp, bởi sự liều lĩnh của bọn lâm tặc, thậm chí có nơi lực lượng bảo vệ rừng phải trả giá bằng mạng sống của mình để giữ rừng. Nhưng không thể chấp nhận tình trạng, sự phức tạp đó lại được tạo ra bởi chính lực lượng được giao chức năng bảo vệ rừng.
Vậy nên, đừng nói giảm nói tránh để gọi tên các vụ việc vi phạm của các ban quản lý rừng làm mất rừng là chuyện “buông lỏng quản lý” nữa. Hãy gọi thẳng tên ra là “phá rừng, bán rừng”. Và đừng mượn nữa cái cớ “sự việc phức tạp” để trì hoãn việc trừng phạt thích đáng những kẻ gây ra chuyện mất rừng.
Bình luận (0)