Với quyết định xóa và cơ cấu lại gần như toàn bộ số nợ cho các nước châu Phi, Brazil đã trở thành đối tác đặc biệt của châu lục này. Tổng số nợ 900 triệu USD không phải là lớn nhưng tác động chính trị và tâm lý của việc này lại rất đáng kể. Quyết định của Brazil được đưa ra đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Tổ chức Thống nhất châu Phi, tiền thân của Liên minh châu Phi ngày nay. Điều này cùng việc Tổng thống Dilma Rousseff 3 lần tới châu Phi trong 3 tháng qua cho thấy Brazil dành cho “Lục địa đen” tầm quan trọng chiến lược như thế nào.
Những khoản nợ nói trên thuộc diện khó đòi bởi các con nợ đến nay vẫn rất khó khăn về kinh tế và tài chính. Xóa nợ, hoãn nợ hoặc đảo nợ cho các nước đang phát triển và chậm phát triển, đặc biệt ở châu Phi, lại là một nội dung hàng đầu của khuôn khổ hợp tác Bắc - Nam và Nam - Nam. Brazil chủ trương thúc đẩy mạnh mẽ và đóng vai trò động lực quan trọng của hợp tác Nam - Nam. Việc xóa hoặc cơ cấu lại nợ cho châu Phi vì thế trở nên cần thiết và rất có lợi cho Brazil.
Nếu cứ đòi thì rồi Brazil cũng sẽ được trả nhưng không biết đến bao giờ. Cho nên nước này sẽ được lợi nhiều hơn về danh nghĩa lẫn thực chất nếu coi đó là sự đầu tư vào tương lai, chịu mất tiền để được đối tác. Cử chỉ chính trị được đánh giá cao và hiệu quả thực tiễn được ghi nhận sẽ giúp Brazil tăng cường uy tín và ảnh hưởng ở châu lục, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới. Nhờ thế, đồng tiền bị mất mà vẫn thành đồng tiền khôn.
Thảo Nguyên
>> Ủy ban Liên minh châu Phi có nữ chủ tịch đầu tiên
>> Ông Gaddafi chấp nhận kế hoạch hòa bình của Liên minh châu Phi
>> Liên minh châu Phi đình chỉ tư cách thành viên của Niger
Bình luận (0)