(TNO) Mua và bán các tác phẩm nghệ thuật là hoạt động kinh doanh ít được điều chỉnh bởi luật lệ và còn ẩn chứa nhiều bí mật. Do đó, đây là phương thức hiệu quả cho những người muốn trốn thuế hay rửa tiền.
Bức tranh Những người phụ nữ ở thủ đô Algiers của danh họa Picasso ở nhà đấu giá Christie's (New York, Mỹ) - Ảnh: Reuters
|
CNN hôm nay 12.5 dẫn lời nhà kinh tế học Nouriel Roubini, giáo sư tại Đại học New York (Mỹ), cho biết: “Có rất nhiều hành vi trong bóng tối. Vài người dùng các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là tác phẩm đắt tiền như là cách để rửa tiền”. Ngoài ra, ngành công nghiệp nghệ thuật còn là “thiên đường” cho những khoản tiền trốn thuế.
Phát biểu trên của ông Roubini được đưa ra trong bối cảnh bức tranh Những người phụ nữ ở thủ đô Algiers (Les femmes d'Alger - Version "O") của danh họa Picasso được mua với giá 179,365 triệu USD. Ngoài ra, nhà đấu giá Christie’s dự kiến thu về 2,5 tỉ USD từ các tác phẩm nghệ thuật được đấu giá trong tuần này.
Ông Roubini là một nhà sưu tập nhỏ các tác phẩm nghệ thuật đương đại và nổi tiếng vì từng dự đoán chính xác cuộc khủng hoảng nhà đất và khủng hoảng tài chính trong thập kỷ qua.
Vị giáo sư Đại học New York này bày tỏ lo ngại dựa trên những gì ông đã chứng kiến tại các buổi đấu giá nghệ thuật trên toàn thế giới. Cá nhân có thể mua một tác phẩm nghệ thuật trị giá hơn 1 triệu USD, trả bằng tiền mặt và thậm chí không cần phải đăng ký. Nói cách khác, việc này hầu như không có mối liên hệ nào đến hệ thống tài chính.
Năm 2012, Viện Basel về Quản trị (Thụy Sĩ) đã cảnh báo ngành công nghiệp nghệ thuật đang có một khối lượng lớn các giao dịch bất hợp pháp và đáng ngờ.
Các nhà chức trách từng cho biết Edemar Cid Ferreira, cựu nhân viên ngân hàng Brazil, từng đem bức tranh tên Hannibal vào nước Mỹ hồi năm 2007 như một phần của kế hoạch rửa tiền. Bức tranh của họa sĩ người Mỹ Jean-Michel Basquiat sau đó đã bị các nhà điều tra liên bang thu giữ và gửi ngược về Brazil.
Giáo sư kinh tế học Nouriel Roubini của Đại học New York (Mỹ) - Ảnh chụp màn hình trang CNN
|
Ngoài ra, các tác phẩm nghệ thuật còn có thể được lưu giữ trong thời gian vô hạn ở những nơi “ẩn náu” miễn phí tại Geneva (Thụy Sĩ) hay nơi khác. Điều này đặc biệt hữu ích cho hành vi trốn thuế khi mà thị trường ngân hàng Thụy Sĩ vừa qua đã bị trấn áp.
“Mua một tác phẩm nghệ thuật, cất giấu nó ở bất cứ nơi bí mật miễn phí nào đó ở châu Âu. Không ai biết đó là gì. Nó tương tự như một tài khoản tiền gửi an toàn được mở tại ngân hàng Thụy Sĩ trước đây”, ông Roubini nói.
Ngay cả khi việc mua bán này không được sử dụng cho mục đích bất chính, sự thiếu minh bạch trong kinh doanh tác phẩm nghệ thuật có thể dẫn đến các hành vi nghi ngờ và sự xuất hiện của xung đột lợi ích.
Roubini cho biết: “Giống như tất cả các thị trường khác, cần thêm sự minh bạch và thông tin để kinh doanh tác phẩm nghệ thuật trở nên hiệu quả hơn”. Dù không chắc rằng áp đặt thêm quy định sẽ là cách giải quyết, nhưng ông cho rằng ngành công nghiệp trên nên tạo ra một quy tắc ứng xử để làm sáng tỏ hơn các giao dịch.
Bình luận (0)