Mặt trái của điện thoại lắp ghép Google là gì?

24/05/2016 10:24 GMT+7

Dự án điện thoại Ara đầy tiềm năng của Google vốn rất được nhiều người dùng mong đợi. Nhưng bên cạnh đó là mặt trái tới từ các nhà sản xuất smartphone hàng đầu hiện tại.

Tại sự kiện I/O 2016 vừa qua, đại diện Google cho biết sẽ tung ra các phiên bản thử nghiệm của điện thoại Ara tới đội ngũ lập trình viên. Còn phiên bản thương mại chính thức dành cho người dùng sẽ xuất hiện vào khoảng đầu năm 2017.
Trong đó, điện thoại Ara của Google thực chất đã được công bố lần đầu vào năm 2014, mở ra một hướng đi mới cho thị trường di động bấy giờ. Ý tưởng chính của điện thoại Ara đó là người dùng có thể dễ dàng thay thế các bộ phận trên smartphone này tùy theo sở thích.
Lấy một ví dụ đơn giản, nếu cần một camera chất lượng tốt hơn, chúng ta chỉ cần mua một mô-đun mới và lắp vào smartphone, thay vì phải mua một smartphone mới. Hoặc nếu muốn nâng cấp RAM cho smartphone, chúng ta chỉ cần mua thêm RAM gắn vào máy.
Đặc biệt, yếu tố thu hút người dùng trên điện thoại Ara chính là giá bán ban đầu rất thấp, chỉ khoảng 50 USD, nghĩa là tương đương một mẫu smartphone giá rẻ hiện tại. Sau đó, tùy thuộc các đối tác cung cấp mô-đun mà giá máy có thể tăng lên.
Người dùng được lợi, nhà sản xuất không vui
Đứng về phía người tiêu dùng, việc xuất hiện một chiếc smartphone có khả năng thay thế, tùy chỉnh mô-đun là điều thực sự tuyệt vời. Nhờ đó, Google Ara sẽ cá nhân hóa chính chiếc smartphone mà chúng ta đang sử dụng.
Trên thực tế, Google Ara đang đi ngược lại lợi ích của các nhà sản xuất lớn - Ảnh: Reuters
Thêm vào đó, điện thoại Ara sẽ còn kéo dài tuổi thọ cũng như vòng đời nâng cấp smartphone nói chung. Nghĩa là khi một bộ phận bất kỳ trên điện thoại bị hỏng, người dùng chỉ cần thay thế duy nhất mô-đun đó, lắp vào smartphone để sử dụng bình thường.
Thế nhưng, về phía các nhà sản xuất hiện tại, đây quả thực là một thông tin không vui. Bởi khi smartphone ngày càng dễ thay thế, sửa chữa, sẽ chẳng ai mong muốn bỏ ra một số tiền lớn để nâng cấp lên một sản phẩm mới hơn.
Thứ nhất, điện thoại mô-đun đang đi ngược lại xu hướng smartphone hiện tại. Hầu hết các nhà sản xuất đều nhắm tới các smartphone nguyên khối, khó thay thế, khó sửa chữa, từ đó buộc người dùng phải tuân theo chiến lược sản phẩm mà hãng đặt ra.
Thứ hai, vòng đời nâng cấp smartphone hiện tại sẽ bị kéo dài ra, người dùng sẽ ít quan tâm tới các mẫu điện thoại mới hơn. Và về lâu về dài, doanh số lẫn doanh thu smartphone sẽ giảm sút, kéo theo những báo cáo tài chính tệ hại.
Vậy khi mà Google Ara chưa ra mắt đã vấp phải sự phản đối từ các nhà sản xuất lớn, liệu tương lai của dòng điện thoại mô-đun có khả quan?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.