Mặt trái của du lịch

24/04/2011 00:34 GMT+7

Tình trạng Thái Lan Hằng năm Thái Lan đón trên dưới 15 triệu lượt du khách quốc tế. Tuy nhiên cái giá mà ngành du lịch nước này phải trả cho 15 triệu lượt khách cùng hàng tỉ đô la do họ mang lại là rất lớn. Đầu tiên là ô nhiễm môi trường. Chị Phương, một du khách người Việt đến Thái Lan chơi Tết Songkran tạt nước truyền thống vừa rồi kể, đến ngày cuối cùng, khi soạn lại đống đồ mua sắm để mang về nước, chị phát hiện chỉ riêng mình đã sở hữu tới hơn 50 túi ni-lông lớn nhỏ.

Sở dĩ người bán hàng ở Thái dùng nhiều túi ni-lông là do hàng bán với giá quá rẻ, giảm giá quá mạnh tay nên không đủ chi phí cho việc làm túi giấy. Hậu quả của việc này là nhiều con sông trong Bangkok lềnh bềnh túi ni-lông; trên các tuyến phố, sau một ngày mua sắm bận rộn... túi ni-lông tràn ngập...

Du lịch Thái Lan luôn tự hào đã mở cửa cho tất cả mọi người. Nhưng cũng giống như bất kỳ một điểm đến nào khác trên thế giới, du lịch bao giờ cũng phải trả giá bằng sự hy sinh của môi trường. Điều này được thấy rõ ở các bãi biển của Thái Lan. Ở Pattaya, hàng quán bao vây bãi biển. Mỗi buổi sáng có hàng trăm du khách bắt tàu ra đảo tắm biển. Trên đường ra các đảo, ở gần bờ biển, người ta neo một chiếc xà lan lớn để khách có thể chơi các trò chơi dù lượn. Cộng với tàu du lịch, ca-nô, chiếc xà lan này khuấy động một vùng biển Pattaya đáng lý sẽ sạch hơn nếu không có chúng.

 
Túi ni-lông được sử dụng phổ biến ở Thái Lan - Ảnh: N.T.Tâm

Tương tự, biển Phuket quá tải bởi hàng ngàn du khách và rất nhiều chuyến ca-nô tốc độ cao ra vào đã khiến những lớp san hô bị chết do ô nhiễm môi trường, tạo thành các mảng đá sắc lẹm, dễ dàng cắt đứt da mỗi khi du khách chạm tới. Vì vậy, ở các bãi biển rất cạn của Phuket, khách thường loanh quanh ở ven bờ. Ngoài ra, những chuyến tàu chở khách ra khơi ngắm san hô và cá cũng được cảnh báo sẽ hủy hoại môi trường tự nhiên ở đây.

Thái Lan đã trả giá một cách đầy đau đớn cho cái gọi là công nghiệp du lịch tình dục, khi đại dịch HIV/AIDS từng hoành hành ở đây những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Rất nhiều sách, nhiều phóng sự của báo chí phương Tây nói về cuộc đời của các cô gái quán bar ở Thái và hậu quả của nó là những thế hệ con lai không được thừa nhận, bị bỏ rơi. 

Bài học cho Việt Nam

Theo các chuyên gia, du lịch Việt Nam chưa phát triển đủ sâu và rộng như Thái Lan để có thể thấy rõ ràng những tác động về mặt xã hội bị xáo trộn. Dịch vụ mua sắm cũng chưa đủ thu hút để tạo ra "thảm họa môi trường" túi ni-lông… Tuy nhiên các vấn đề về môi trường và cảnh quan đã có thể gióng lên hồi chuông cảnh báo. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt, khẳng định cảnh quan môi trường từ Nam tới Bắc nhiều nơi đã bị du lịch làm cho biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Ví dụ rõ ràng nhất là bãi biển. Bây giờ khó tìm được ở Việt Nam một bãi biển hoang sơ, khi các bãi biển đẹp đã bị nhà hàng, khách sạn băm nát. Không chỉ cảnh quan bị phá vỡ mà những bất cập trong quản lý cũng khiến môi trường ở những khu vực này bị ô nhiễm. "Trước đây, rừng dừa ven biển Mũi Né rất đẹp, tôi cho rằng đó là rừng dừa đẹp nhất Việt Nam, thì nay đã bị phá gần như hoàn toàn để lấy đất cho khách sạn. Trong khi đáng lý nó phải được bảo tồn để phục vụ du lịch", ông Mỹ nói.

Một trong những tiêu chí cho biết đâu là một bãi biển đẹp chính là tầm nhìn. Nhưng khắp các bãi biển ở ta, tầm nhìn đã bị che khuất bởi xây dựng. Chẳng hạn như Mũi Né, Vũng Tàu, các bãi biển ở Quảng Nam… Du khách nước ngoài đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề ô nhiễm môi trường ở vịnh Hạ Long khi nơi đây tận thu khai thác du lịch. Váng dầu từ tàu thuyền, nhất là rác thải, chai lọ, túi ni-lông trong vịnh… đến nay vẫn chưa được xử lý bài bản để hạn chế. Sông Dương Đông ở Phú Quốc có rất nhiều rác. Ở vịnh Nha Trang, dịch vụ đi tàu ra đảo ngắm san hô ít nhiều cũng ảnh hưởng đến môi trường. Các bản người dân tộc ở Sapa đã bị bê tông hóa để tiện phục vụ du khách, mất đi bản sắc vốn đã tạo nên sự hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Tình trạng này cũng giống ở Hội An, khi ngày càng nhiều người dân ở địa phương khác đến đây mua nhà để làm du lịch. Do đó góp phần đánh mất bản sắc của cư dân bản địa. Nhưng du lịch làm cho xấu đi nhanh nhất có lẽ là ở Đà Lạt. Rất nhiều thắng cảnh ở đây đến nay không còn do chịu sự tác động của con người… "Nhiều người nghĩ làm du lịch ở ta dễ quá, nên làm một cách manh mún, chủ yếu "ăn" vào thiên nhiên, nên không bền vững", ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt, bình luận.

Đi cùng với phát triển du lịch là những trả giá về cảnh quan môi trường, xã hội, nhưng vấn đề là chúng ta phải biết cách hạn chế những trả giá đó. Theo các doanh nghiệp lữ hành, để tránh phải trả giá nặng nề, họ cần có chính sách để thực thi cho phù hợp. Chẳng hạn, vấn đề sử dụng bao ni-lông ra sao; tuân thủ quy định môi trường du lịch biển như thế nào… Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng cần phải rà soát lại tất cả những quy hoạch hiện nay để có điều chỉnh hợp lý.  

N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.