Mặt trái của xã hội hóa y tế

22/04/2008 23:47 GMT+7

Hôm qua 22.4, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc cùng Sở Y tế về việc thực hiện xã hội hóa (XHH) trong lĩnh vực y tế. Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM: hiện nay tại thành phố có 12.467 cơ sở y tế hành nghề ngoài công lập (chiếm tỷ lệ 1/3 so với cả nước ở lĩnh vực y tế tư). Nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở y tế ngoài công lập rất lớn, phát triển nhanh.

Ông Nguyễn Văn Minh - Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đã cảnh báo: "Việc liên doanh liên kết trang thiết bị y tế ở các bệnh viện công thiếu quy chuẩn, dẫn đến các bệnh viện lạm dụng xét nghiệm, kỹ thuật chẩn đoán, gần như bệnh viện nào cũng có máy CT, MRI..., nhưng không có một chuẩn cụ thể, không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau, gây khó khăn cho người bệnh. Việc kiểm soát chất lượng ở các bệnh viện tư chưa được chặt chẽ. Tại một số bệnh viện công đã xảy ra tình trạng công - tư lẫn lộn". Bác sĩ Cái Phúc Thắng (Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM) cũng đồng tình với ý kiến này: "Nhiều bệnh viện công đã có yếu tố tư nhân chen vào. Bởi nhiều nơi, bác sĩ và những cá nhân khác bỏ tiền mua máy móc hoạt động, tư quá đi chứ!".    

Trong vòng xoáy xã hội hóa y tế, ngay cả bệnh viện công cũng có xu hướng thiên về yếu tố tính toán lãi lỗ, vì thế những đầu tư dễ sinh lợi được nhắm đến nhiều hơn là cái có lợi cho người bệnh. Điều này được chứng minh bằng sự quan tâm đầu tư nhiều ở lĩnh vực chẩn đoán, điều trị, nhưng lơ là, không quan tâm đến lĩnh vực y tế dự phòng, mặc dù vấn đề dự phòng là rất quan trọng để phòng bệnh cho người dân. Bác sĩ ra trường cũng không mặn với công tác y tế dự phòng, mà nhắm đến những nơi làm ra tiền nhiều hơn. Cụ thể, trong năm 2005, tính bình quân ở TP.HCM có 4 cán bộ y tế dự phòng/1 ngàn dân, thì đến năm 2007 chỉ còn 3 cán bộ y tế dự phòng/1 ngàn dân, trong khi dịch bệnh ngày càng gia tăng, công tác phòng chống dịch bệnh ngày càng nhiều. Còn nguồn nhân lực thì từ y tế công "chảy" sang tư diễn ra ngày càng mạnh.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.