(Tin Nóng) Bên dưới lớp vỏ băng, mặt trăng Ganymede lớn nhất của sao Mộc đang chứa một đại dương nước muối khổng lồ, một trong những yếu tố thai nghén sự sống, theo chứng cứ mới nhất truyền về từ kính viễn vọng trong không gian Hubble.
|
“Sự phát hiện một đại dương nằm sâu trong lòng mặt trăng Ganymede mở ra những khả năng kỳ diệu của sự sống ngoài Trái đất”, hãng tin Reuters dẫn lời ông John Grunsfeld, trợ lý quản lý của Ban giám đốc Sứ mệnh Khoa học thuộc NASA (Mỹ).
Nhờ vào dữ liệu do Hubble thu thập được, nhóm của chuyên gia Joachim Saur thuộc Đại học Cologne (Đức) đã tìm được chứng cứ về sự hiện diện của đại dương ẩn mặt ở mặt trăng Ganymede bằng cách đo đạc những chuyển động của cực quang được tạo ra do từ trường mặt trăng.
Từ đó, họ rút ra kết luận có một đại dương đang nằm bên dưới lớp băng dày 153 km, và độ sâu của nó có thể lên đến 100 km, có nghĩa khối lượng nước trên Ganymede thậm chí còn nhiều hơn cả Trái đất.
“Hệ mặt trời hiện nay trông giống như một nơi sũng nước”, theo báo Los Angeles Times dẫn lời Jim Green, giám đốc Khoa học hành tinh của NASA.
Trước đó, giới nghiên cứu đã biết được có đại dương bên dưới bề mặt mặt trăng Europa của sao Mộc và mặt trăng Enceladus của sao Thổ. Mặt trăng Callisto của sao Mộc cũng nằm trong danh sách có thể chứa nước dưới bề mặt thiên thể, theo AFP.
Hạo Nhiên
>> Hành tinh mới trong vũ trụ
>> Tìm được con đường mới đến sao Hỏa
>> Chứng kiến sự kiện triệu năm có một tại sao Hỏa
>> Du lịch không gian giá rẻ
>> Làm đám tang ngoài Trái đất
>> Khám phá bí ẩn 'sát thủ' của trái đất
>> Tàu thăm dò Philae đáp xuống sao chổi, không hy vọng quay về tàu mẹ
Bình luận (0)