Sự kiện nàng dâu bị gia đình bên chồng trả về nhà mẹ ruột vì cho rằng cô không còn trinh và mới đây trong kỳ thi tuyển sinh của Trường ĐH FPT, đề thi viết luận cũng đã khiến nhiều bạn trẻ tranh luận "trinh tiết" có thực sự quan trọng?
Trinh tiết và tình dục trước hôn nhân đang là vấn đề thời sự mà nhiều bạn trẻ quan tâm. Đây là vấn đề xã hội, ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều người. Thanh niên & cuộc sống mong muốn nhận được nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này qua địa chỉ: trangtncs@gmail.com.
Giữ gìn trinh tiết là cần thiết, nhưng...
Trước hết, cần phải phân biệt: Khi nói “màng trinh” hoặc "trinh", xét về phương diện sinh học, chỉ là cái màng che chắn chứ chẳng có ý nghĩa gì; còn khi nói đến “trinh tiết” là xét ở góc độ xã hội học, để chỉ đạo đức, phẩm hạnh của người phụ nữ.
Trong thời đại ngày nay, do có điều kiện vật chất cộng với nhiều yếu tố khác, thanh thiếu niên phát dục sớm. Không như ngày xưa “nam nữ thọ thọ bất tương thân”, những bạn trẻ bây giờ có điều kiện sinh hoạt, đi học chung, đi làm chung hay tiếp xúc với nhau thường xuyên. Đã là con người, khi yêu nhau đến một lúc nào đó tình cảm trào dâng thì người ta có nhu cầu được hôn nhau, có nhu cầu quan hệ tình dục. Chính vì vậy, ở phương Tây, khi trai gái đến độ 13 - 14 tuổi là người ta đã hướng dẫn về an toàn tình dục, phát bao cao su và các thứ này nọ.
|
Bởi lẽ họ biết cấm chuyện này không phải dễ, nếu để có bầu bì thì ảnh hưởng đến sức khỏe, học tập, tinh thần...
Vì tình yêu là phải có tính dục nên trai gái có nhu cầu đụng chạm nhau. Chính những va chạm đó tăng thêm cảm xúc, đến lúc không giữ gìn được thì sẽ quan hệ tình dục và đương nhiên màng trinh sẽ rách (trừ một số trường hợp cá biệt, màng trinh còn nguyên do quá dày, độ đàn hồi tốt…).
Có một nghịch lý xảy ra với nhiều thanh niên VN, đó là khi quan hệ với bạn gái, họ rất tò mò, muốn “thử” nhưng khi kết hôn thì lại muốn vợ phải trinh nguyên.
Trong đêm tân hôn, người ta trải miếng vải trắng để kiểm tra người vợ có còn “zin” hay không. Tuy nhiên, con gái thời nay cũng không vừa gì, cũng lắm chiêu lắm trò! Có những người thủ sẵn lưỡi lam hoặc vật sắc để đâu đấy, trước khi leo lên giường liếc tay vào một tí là đã có máu rồi, hoặc đi khâu đi vá…
Vậy nên, người ta hay lấy màng trinh ra để đánh giá phẩm hạnh của người phụ nữ là không đúng. Có thể do một lỡ lầm nào đó, cô gái không còn trinh nữa nhưng họ vẫn là một người phụ nữ trinh tiết - tức là sau khi lấy chồng rồi, người ta sống đàng hoàng, chung thủy với chồng, lo lắng cho con, hiếu thảo với bố mẹ. Thiếu gì những người chẳng còn màng trinh nhưng rất phẩm hạnh. Ngược lại, thiếu gì những người còn màng trinh nhưng sau đó ba bảy hai mươi mốt ngày lại xảy ra chuyện này chuyện nọ.
Tôi cho rằng giữ gìn trinh tiết là cần thiết đối với các bạn gái. Điều đó thể hiện sự trong trắng, niềm tin, tình yêu trọn vẹn đôi lứa trao cho nhau. Thế nhưng, nếu vì lý do nào đó mà mất màng trinh thì điều này không đồng nghĩa với việc cô gái ấy chẳng còn phẩm hạnh.
Chuyên viên tư vấn Nguyễn Thu Hiên
Nàng dâu bị bên chồng trả Theo trình bày của chị Nguyễn Đặng Xuân Thùy, quận Cái Răng, Cần Thơ cách đây hơn 3 năm, trong một cuộc nhậu giữa ba chị với ông Nguyễn Hoàng Năm, một đại gia sản xuất nước đá ở Cần Thơ. Khi ấy, Thùy mới 16 tuổi, ông Năm có con trai cũng đã đến tuổi cưới vợ. Để yên bề gia thất cho con, ông Năm và cha của Thùy đã có "đính ước" cho đôi bạn trẻ. Tuy nhiên, do Thùy còn đi học nên hai bên gia đình đã tổ chức đám hỏi cho hai trẻ và đợi Thùy đủ tuổi sẽ tổ chức lễ cưới. Sau 2 tuần khi đám cưới được tổ chức đình đám, với hơn 1.000 thực khách chúc mừng hạnh phúc cho đôi bạn trẻ, thì bất ngờ cô dâu bị gia đình chồng trả lại. Lý do là giống với một nhân vật trong một đoạn phim sex được phát tán trên mạng. Điều bất ngờ hơn, trong thời gian cô dâu về nhà mẹ ruột dưỡng bệnh, gia đình nhà chồng đã tổ chức đám cưới cho con trai với một cô gái khác… |
Đề thi tuyển sinh Trường ĐH FPT “Đại thi hào Nguyễn Du đã viết trong Truyện Kiều": "Xưa nay trong đạo đàn bà Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường Có khi biến, có khi thường Có quyền, nào phải một đường chấp kinh" Nhưng chính ông lại cũng viết "Đạo tòng phu, lấy chữ trinh làm đầu" Ngày xưa, nếu cô dâu bị mất trinh thì coi như mất hết, hôn nhân đỗ vỡ, người vợ bị đem trả lại. Nhưng ngày nay, đối với nhiều bạn trẻ, cái màng trinh không còn ý nghĩa quan trọng đến thế, thậm chí nhiều người còn ủng hộ quan điểm tình dục trước hôn nhân. Vậy theo bạn, người phụ nữ có nhất thiết phải giữ gìn trinh tiết trước khi về nhà chồng? Và hạnh phúc thật sự của một cuộc hôn nhân có phụ thuộc vào việc người vợ có còn trinh hay không? Hãy viết một bài luận để phát triển quan điểm của bạn về vấn đề này. Hãy củng cố quan điểm và lập luận của mình bằng những ví dụ từ sách báo và các quan sát của bạn trong cuộc sống”. |
Ý kiến Không xét quá khứ “Tôi không đặt nặng chuyện người ấy còn trinh hay không. Điều quan trọng nhất là người ta đến với mình vì cái gì, có xuất phát từ tình yêu chân thành hay không mà thôi. Khi yêu, tôi quan tâm đến thì hiện tại và kế hoạch vun đắp cho tương lai, chứ không thích xét nét chuyện quá khứ. Tóm lại, tôi yêu và cưới người ta là vì tâm hồn, tính cách, tình yêu của họ dành cho mình chứ không phải chỉ vì… chỗ đó”. Anh Trần Quang (Hẻm 391 đường Trần Hưng Đạo, Q.1, TP.HCM) Thoáng nhưng có cân nhắc “Bản thân tôi chưa lập gia đình và đã trải qua vài mối tình. Tôi quan niệm về chữ trinh khá thoáng nhưng có cân nhắc. Việc “giữ gìn” hay “cho” cái “ngàn vàng” là phải tùy thuộc vào điều kiện, tình cảm thực sự chín muồi hay chưa chứ không phải là một quyết định bồng bột, ham vui nhất thời. Bởi, nếu không suy xét, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và hạnh phúc, tinh thần của chính bản thân mình sau này”. Minh Thiên (Nhân viên một công ty quảng cáo Q.3) Cuối cấp THPT đã quan hệ tình dục "Nhiều khảo sát cho thấy một tỷ lệ không nhỏ học sinh cuối cấp THPT đã quan hệ tình dục. Các em sắp bước vào lứa tuổi được xã hội, luật pháp công nhận là trưởng thành, bắt đầu phải làm quen với việc chịu trách nhiệm cho mỗi hành động và cuộc sống của mình. Có một cơ hội để các em suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề này và trình bày tự do quan điểm của mình là điều không tồi”. (Phát biểu của ông Nguyễn Xuân Phong - Phó hiệu trưởng, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH FPT trên VnExpress) |
Như Lịch
(ghi)
Bình luận (0)