Hình ảnh mặt trời đỏ rực được cho là chụp ở Hải Phòng ngày 8.10 mới đây nhận được sự quan tâm của cư dân mạng. Trong đó, một tài khoản có gần 75.000 lượt theo dõi chia sẻ hình ảnh này, khẳng định: "Kỳ lạ mặt trời đỏ rực xuất hiện chiều nay tại Hải Phòng. Mọi người có ai nhìn thấy không nhỉ?".
Bài đăng nhận được nhiều lượt thích, bình luận và chia sẻ trên mạng xã hội. Bên dưới các bức ảnh, nhiều người để lại ý kiến khẳng định mình cũng nhìn thấy hiện tượng vào thời điểm nói trên.
Tài khoản H.P bình luận: "Lạ và đẹp thật...". Từ bé tới giờ chưa gặp bao giờ á", nickname Hữu Huân bày tỏ. Chưa rõ độ thực hư của hiện tượng mặt trời đỏ xuất hiện ở Hải Phòng được mạng xã hội chia sẻ, tuy nhiên dưới góc độ khoa học, hình ảnh này được lý giải thế nào?
Nguyên nhân mặt trời đỏ rực có thể là gì?
Quan sát những hình ảnh được mạng xã hội chia sẻ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cựu chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC) cho biết đây là hiện tượng thiên nhiên bình thường.
Theo đó, khi ánh sáng từ mặt trăng, mặt trời đến mắt chúng ta sẽ phải đi qua bầu khí quyển của trái đất và có hiện tượng tán xạ của các hạt phân tử khí, hạt bụt, hạt hơi nước trong bầu khí quyển với ánh sáng này.
Các ánh sáng có bước sóng ngắn như màu xanh da trời dễ bị tán xạ hơn các ánh sáng bước sóng dài như màu đỏ. Khi mặt trời, mặt trăng ở thấp dưới chân trời lúc bình minh hay hoàng hôn, ánh sáng từ các thiên thể này sẽ đi qua lớp khí quyển dày hơn và hiện tượng tán xạ xảy ra càng mạnh vì thế sẽ có màu đậm hơn với khi nó ở trên cao.
Đặc biệt nếu trong khí quyển có nhiều hơi nước, hoặc ô nhiễm khói bụi thì hầu hết ánh sáng bước sóng ngắn đều bị tán xạ chỉ có bước sóng dài, màu đỏ là đến được mắt ta.
"Vì thế đôi lúc ta thấy mặt trời đỏ ở phía chân trời hoặc mặt trăng đỏ như máu, đó là dấu hiệu của bầu trời bị ô nhiễm không khí nặng hoặc do hơi ẩm nhiều. Như vậy, ô nhiễm không khí càng nhiều hoặc hơi ẩm càng cao thì màu sắc mặt trời, mặt trăng càng đỏ", Cựu chủ nhiệm HAAC lý giải.
Bình luận (0)