Mặt trời phía sau vách núi

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
22/05/2018 10:00 GMT+7

Bản hai chục nóc nhà, toàn người Mông quen lưng chừng núi đá. Mấy chục đứa trẻ từ mầm non đến tiểu học xúm xít trong căn nhà vách đất, nền đá, mái fibro xi măng thủng lỗ chỗ chưa đến 40 m 2 , tranh nhau học.

2 thầy cô giáo trẻ măng, chân tay lấm lem đất cát cười: “Bọn trẻ ham học, mưa sạt đường, lạnh đóng băng cũng đến lớp”.
Đi mòn vách đá
Vương Thị Hiệp năm nay 28 tuổi, là giáo viên dạy lớp mầm non điểm trường Xà Lủng B (Phố Cáo, Đồng Văn, Hà Giang). Cái điểm trường nằm giữa bản người Mông lèo tèo 20 mái nhà trên tít đỉnh núi, toàn đá là đá, hiếm hoi lắm móc tay vào hốc đá mới có nắm đất, để trồng cây rau cải gầy cong queo, lá vàng tơm tớp thiếu nước. Lớp mầm non của Hiệp có 17 học sinh, từ 3 - 5 tuổi bé lít nhít như cây nấm còi cọc, chân không dép chai sần leo đá, quần áo rách rưới ngắn ngủn nhưng mắt thì to tròn sáng lung linh. Hiệp kể: Lớp học vốn là căn nhà đất được trát dựng cách đây 17 năm, cứ mùa mưa mùa lạnh là nước dột lênh láng, hơi lạnh buốt ùa vào có khi đọng thành băng trên bảng đen. Những lúc ấy, phải cho học sinh nghỉ học vì nguy hiểm và thấy “chúng nó khổ quá”.
Bản trên núi đá cao, thiếu từ nước uống đến ngô ăn, tất tần tật đều chờ đến phiên chợ lùi mỗi tuần họp 1 lần dưới trung tâm xã Phố Cáo, để nhổ từng cây rau, bắt từng con gà mang xuống bán đổi lấy muối, kim chỉ, bật lửa… để sống heo hắt, đợi tuần chợ sau. Điểm trường thì bé, lấy cây chia làm 3 gian cho 2 lớp học mầm non - tiểu học, gian còn lại chỉ đủ kê một cái giường và bếp nấu, để đồ dạy học - cá nhân tất tật trong ấy.
Khó khăn, bất tiện nên ban giám hiệu 2 nhà trường và UBND xã đành đưa ra phương án gỡ khó: Giáo viên ở dưới điểm trường chính, sáng lên dạy xong thì lại về. Đều đặn mỗi ngày, 5 giờ sáng cô giáo Hiệp chạy xe máy 3 km từ điểm trường chính ra cánh đồng dưới chân núi, để chiếc xe cà tàng bên gốc cây, bẻ lá che cho đỡ nắng và lếch thếch đeo ba lô, đạp đá theo đường mòn lên núi. Con đường nghe nói dài 4 km, nhưng Hiệp chỉ tính bằng thời gian: 2 tiếng đi lên và 1,5 tiếng đi xuống. Ngày nắng còn đỡ. Mùa mưa vừa đi vừa ngước mắt trông chừng núi lở, đá rơi. Ngày đông rét mướt, phải sắm giày bộ đội để đạp lên băng tuyết và lập lòe đèn pin rẽ sương tìm đường.
“Đây là khu vực biên giới, em có tiền thu hút nên mỗi tháng lương được 7 triệu đồng. Nhiều hơn các bạn ở nơi khác anh à!”, Hiệp phăm phăm rẽ cây tìm đường dẫn tôi lên bản Xà Lủng B một buổi sáng giữa tháng 5.2018, thi thoảng quay lại động viên: “Cố lên anh. Nắng lên là người mất nước, đi chậm lại tội bọn trẻ ngồi chờ học”. Con đường tôi đi bộ chỉ toàn đá là đá, rặt tai mèo sắc như dao nên không đặt đúng bước Hiệp đi là bị cứa đau nhói. Đá xám điệp trùng đá sắc, hiếm hoi lắm mới có bóng cây sa mu còi dí che đầu. Hiệp bảo: “Mùa đông, mấy cây còi cũng làm cọc tiêu trong sương”.
Mãi cũng đến điểm trường, bọn trẻ mầm non à à chào cô và ngồi im thít trong gian nhà lờ nhờ ánh sáng rọi xuống từ miếng ngói xi măng vỡ lỗ chỗ. Gian bên cạnh là lớp tiểu học 10 đứa từ lớp 1 đến lớp 3, đang chăm chú nghe thầy giáo Linh Văn Quang. Gian ngoài cùng là phòng ở. Mỗi cái giường bé tẹo và gói mì tôm treo lủng lẳng trên cột. Hiệp cười ngượng nghịu: “Hôm nào mưa gió, em ngủ tại đây còn thầy Quang thì lên nằm nhờ nhà trưởng bản. Nấu nướng thì hoặc là ăn nhờ dân hoặc bẻ mì tôm ăn sống”.
Tam giác gia đình
Kể chuyện gia đình, giọng Hiệp nằng nặng: Năm 2012 vừa tốt nghiệp trung học sư phạm thì lấy chồng là Vi Chính Trương, người dân tộc Bố Y, hơn mình 4 tuổi, ở cùng xã Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang). Thời điểm này chồng Hiệp là 1/67 trí thức trẻ ưu tú được chọn về làm phó chủ tịch 67 xã khó khăn của tỉnh Hà Giang và được phân công làm Phó chủ tịch UBND xã Đông Hà (Quản Bạ). 5 năm chồng tham gia dự án 600 tri thức trẻ là 5 năm đôi vợ chồng sống chật vật trong căn nhà thuê ở trung tâm xã và gắng gượng nuôi con trai Vi Đại Việt Hưng (sinh 2014). Năm 2017, dự án kết thúc. Vợ chồng cô giáo Hiệp bảo nhau cùng lên biên giới lập nghiệp: Chồng thi đỗ biên chế làm cán bộ tư pháp xã biên giới Nghĩa Thuận (Quản Bạ); vợ xin chuyển công tác lên xã biên giới Phố Cáo và nhận dạy ở điểm khó khăn xa xôi nhất xã.
“Tính ra bây giờ nhà em 3 người ở 3 đầu tam giác”, Hiệp ví von vậy và liệt kê: “Con ở xã Quyết Tiến với ông bà ngoại, chồng phía Nghĩa Thuận, vợ trên Đồng Văn. Mỗi nơi cách nhau gần 100 km đường đi xe máy nên chỉ gặp nhau dịp cuối tuần”. “Chiều thứ sáu háo hức phóng xe về, chiều chủ nhật lên trường mà không muốn đi vì con trai 2 tay nắm 2 chiếc xe máy khóc đòi: Bố mẹ ở nhà đi”, Hiệp chấm nước mắt.
Cô giáo Vương Thị Hiệp dạy học sinh mầm non nhận biết mặt chữ

Huyền thoại thầy cô
Thầy giáo Linh Văn Quang, người dân tộc Tày ở H.Bắc Quang (Hà Giang), năm nay 28 tuổi, có thâm niên 5 năm liên tục bám các điểm trường khó khăn nhất của xã vùng biên Phố Cáo. Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Giang năm 2012, thầy Quang nhận công tác ở Trường tiểu học Phố Cáo và cưới cô giáo mầm non Sằm Thị Liễu cùng quê Bắc Quang. Năm 2013, vợ chồng Quang sinh con gái Linh Quỳnh Giao và sau 6 tháng phải gửi con cho ông bà ngoại dưới H.Bắc Quang để lên Phố Cáo làm việc. “Chồng dạy tiểu học, vợ dạy mầm non nên chúng em thuê 1 căn nhà gần trường chính, giá 500.000 đồng/tháng. Những ngày đầu nhớ con phát khóc, nhất là lúc thấy vợ tức sữa phải vắt bỏ trong khi con dưới quê không có sữa uống, khóc ngằn ngặt qua điện thoại”.
Người Mông ở bản Xà Lủng B giờ vẫn kể lại chuyện: Giữa năm 2016, điểm trường liên cấp trên bản đón 2 vợ chồng thầy cô giáo Quang - Liễu người dạy tiểu học người dạy mầm non. Do điểm trường chật hẹp không có phòng ở giáo viên nên mỗi sáng 2 vợ chồng dắt nhau leo núi dạy học, chiều lại lọ mọ đưa nhau về. Buổi trưa, vợ chồng thầy cô bỏ cơm nắm ra chấm muối ăn cho xong bữa, dân bản mời đến ăn cơm thì cũng chỉ vài lần rồi chối từ. Những ngày mưa gió, 2 thầy cô ướt như chuột lột dò dẫm xuống núi. Gặp ngày lũ, con suối dềnh lên ộc nước, thầy phải cõng cô bíu dây lội qua dòng nước.
Đằng đẵng suốt 1 năm liền đi mòn vách đá, mãi sang năm học 2017 - 2018 vợ chồng thầy Quang mới đưa con gái lên Phố Cáo chăm sóc.
Lớp học mầm non và tiểu học chỉ cách nhau vách gỗ
Mơ ước mặt trời
Tôi trèo lên núi đá Xà Lủng B, dọc đường cô giáo Hiệp chỉ cái cây to mọc đơn côi trên vách đá: “Đấy là trạm nghỉ của em. Có khi mệt quá cứ ngồi suốt và ước có cái dù nhảy xuống”. Thầy giáo Quang thì chỉ hõm đá trên đường núi dốc ngược: “Nhiều khi không bước nổi, phải nằm đây ngủ”… Thế nhưng khi lên đến điểm trường, tôi vẫn thấy lá cờ đỏ sao vàng treo ngay ngắn ngang vách ngăn giữa 2 lớp học. Hỏi, cô Hiệp bảo: “Để bọn trẻ biết đây là biên cương Tổ quốc, đất đai nhà mình”. Thầy Quang thì bần thần: “Nghề theo nghiệp - nghiệp theo người nên vất vả cũng gắng chịu. May là bọn trẻ trên này chăm học” và ước: “Nếu điểm trường được xây dựng, thì cũng đỡ nhọc nhằn”.
Ước mơ này bao giờ thành sự thật để hành trình tìm con chữ mặt trời không còn nằm sau vách núi đá Xà Lủng cao tít xa tít, bốn mùa mây trắng sương giá, đến đơn côi?...
Điểm trường mới ở nơi “Mặt trời phía sau vách núi”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.