Mấu chốt là con người

22/04/2014 03:00 GMT+7

Ngay trong giai đoạn nóng nhất về siết trọng tải, một chiếc xe siêu trọng vẫn ung dung lọt qua rất nhiều trạm cân để đi từ bắc vào nam. Sự việc này cho thấy, vấn đề cuối cùng không nằm ở cái cân mà chúng ta vẫn đang săm soi, mổ xẻ mà nằm ở yếu tố con người.

Để "lọt" qua các trạm cân, chiếc xe này chắc chắn phải được sự tiếp tay của người gác trạm. Trong trường hợp này cân không có ý nghĩa gì, đạo đức trách nhiệm của người gác trạm mới là yếu tố quyết định.

Tương tự, việc siết xe quá tải đã lên kế hoạch, thông báo từ trước đó rất lâu, nhưng tới ngày thực hiện (1.4), nhiều địa phương vẫn không mặn mà. Tính tới cuối tuần trước, vẫn còn 11 tỉnh, thành chưa áp dụng. Nên mới có chuyện, nơi này, nơi kia tài xế phải chở đúng trọng tải "ấm ức", so bì khi nhìn thấy "đội bạn" vẫn được chở quá tải. Trong trường hợp này, chiếc cân vô can vì hoàn toàn bị xếp xó.

Để áp lực lên Bộ GTVT, nơi khẳng định quyết tâm thực hiện kiểm soát trọng tải xe, nhiều doanh nghiệp (DN) kêu gào họ phải tăng chuyến, phải đầu tư thêm xe trong bối cảnh khó khăn về vốn. Bộ đã đứng ra kết nối vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không để giảm tải cho đường bộ. Thế nhưng "ông" đường sắt lại thờ ơ. DN phải cầu cứu Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng can thiệp thì hàng hóa mới được xếp lịch...

Điểm lại vài chuyện để thấy những vướng mắc trên toàn bộ quy trình kiểm soát trọng tải sau hơn 20 ngày triển khai thực hiện hầu hết bắt nguồn từ yếu tố con người. Nguyên nhân sâu xa của việc này là do chúng ta đã để cái sai, cái vi phạm mà cụ thể ở đây là vi phạm về trọng tải diễn ra quá lâu. Đến mức, nó được chấp nhận, trở nên quen thuộc, thậm chí được bao che.

Còn nhớ mấy ngày đầu mới áp dụng, không ít DN vận tải "đình công" không chịu chở nông sản, đẩy gánh nặng lên vai người dân để gây áp lực; nhiều tài xế bỏ xe trên đường "né" trạm cân; không ít chủ hàng lấy chuyện cước tăng, phí tăng để đòi duy trì chuyện chở quá tải... Có thể thấy, cái sai đang tìm mọi cách để tồn tại. Nhưng nếu không kiên quyết siết xe quá tải, chúng ta sẽ tiếp tay cho việc phá nát đường sá, tăng các vụ tai nạn giao thông thảm khốc và cao hơn nữa là đồng lõa với hành vi vi phạm pháp luật. Đó là chưa kể, chở quá tải trên thực tế, cước cũng không rẻ hơn vì tài xế vẫn phải mãi lộ mới đi được. Đáng lo ngại hơn là nó tạo ra một cuộc cạnh tranh thiếu lành mạnh và cực kỳ nguy hiểm giữa các DN: cước càng rẻ thì mức độ quá tải càng lớn, nguy hiểm càng cao và tai nạn càng nhiều...

Vướng chỗ nào, tháo chỗ đó... Bộ GTVT vẫn đang thể hiện quyết tâm kiểm soát trọng tải xe. Nhưng để "siết" được xe quá tải, phải "siết" được những người vận hành quy trình kiểm soát xe quá tải. Địa phương nào làm cho có; tỉnh nào chậm triển khai, nơi nào chưa nghiêm, trạm nào để lọt, DN nào vẫn cố tình vi phạm... tất cả phải được chế tài thật mạnh, thật nghiêm để làm gương. Nếu thực hiện đồng bộ, quyết liệt, công bằng và lâu dài; nếu kiểm tra và xử lý xe quá tải ngay từ điểm xuất phát thì chắc chắn, thị trường vận tải sẽ được thiết lập lại đúng với trật tự của nó.

Người dân đang đặt niềm tin vào sự quyết liệt của tư lệnh ngành GTVT trong việc ngăn chặn quá tải từ gốc.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.