TNO

Mấu chốt là năng suất lao động

10/10/2010 02:25 GMT+7

Năng suất lao động thấp là yếu tố cản trở tăng trưởng kinh tế về tốc độ, đặc biệt về chất lượng, là yếu tố tiềm ẩn của mất cân đối vĩ mô (lạm phát, nhập siêu, thâm hụt cán cân thanh toán,…), là lực cản của thu nhập.

Năng suất lao động của Việt Nam còn đạt dưới 2.000 USD/người, thấp xa so với các nước trong khu vực, chưa bằng một nửa Philippines, Indonesia, chưa bằng một phần ba Thái Lan, gần một phần mười Malaysia, gần một phần ba mươi Singapore.

Với định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi mô hình tăng trưởng từ tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng,… thì năng suất lao động là điểm mấu chốt nhất. Dự thảo Văn kiện Đại hội XI đã đề cập đến vấn đề này với một số chỉ tiêu đáng lưu ý, xin được lạm bàn cụ thể.

Trước hết theo dự thảo, năng suất lao động năm 2015 cao gấp 1,5 lần năm 2010, hay tăng xấp xỉ 8,5%/năm. Đó là tốc độ tăng khá cao và rất cần thiết do vai trò quan trọng của năng suất lao động. Tuy nhiên, tốc độ tăng này lại chứa đựng sự vô lý bởi cao hơn so với tốc độ tăng GDP 7,5- 8%/năm như dự thảo. Nếu vậy, thì tốc độ tăng số lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế sẽ giảm so với năm 2010. Điều này là không đúng, bởi số lao động trong độ tuổi hiện nay ở khu vực thành thị còn bị thất nghiệp khoảng 4,6% và thiếu việc làm của cả nước còn trên 5,6%, sẽ còn phải thu hút vào làm việc không chỉ để tăng trưởng kinh tế, mà còn bảo đảm an sinh xã hội,… dân số hàng năm trong 5 năm tới theo dự thảo vẫn còn tăng gần 1% và tốc độ tăng số lao động đang làm việc trong 4 năm qua là 2,79%/năm, cao gấp gần 2,5 lần tốc độ tăng dân số trong thời gian tương ứng! Như vậy, trong nhiều năm tới, một mặt vẫn phải giải quyết việc làm cho số người đang thất nghiệp hoặc thiếu việc làm, mặt khác phải đặc biệt quan tâm đến tăng năng suất lao động. Nếu tăng trưởng kinh tế dự thảo đề ra là 7,5- 8%/năm và số lượng lao động đang làm việc tăng khoảng 2%/năm, thì năng suất lao động chỉ có thể tăng 5,4 - 5,9%/năm, hay năng suất lao động năm 2015 chỉ cao gấp 1,3 - 1,33 lần năm 2010 - chứ không thể cao gấp 1,5 lần như dự thảo.

Dự thảo đã đưa ra một số chỉ tiêu có tính giải pháp, như giảm tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp - thủy sản còn 35 - 40% để tăng tỷ trọng lao động công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 55%,… Đó là các chỉ tiêu rất quyết liệt để tăng năng suất lao động; tuy nhiên đó cũng là các chỉ tiêu thuộc loại rất cao so với hiện nay. Trong 5 năm qua, tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp - thủy sản chỉ giảm được khoảng 6 điểm phần trăm, nhưng dự thảo đưa ra mục tiêu cho 5 năm tới giảm 10 - 15 điểm phần trăm; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng khoảng 10 điểm phần trăm, nhưng dự thảo đưa ra mục tiêu cho 5 năm tới tăng 15 điểm phần trăm.

Mục tiêu cần có tính tích cực để động viên, khích lệ; nhưng mục tiêu cũng phải có tính khả thi để tạo lòng tin vào sự thực hiện.

Đào Ngọc Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.